UBND tỉnh Nam Định vừa phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học” và phong trào “Sách hóa nông thôn”. Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã tặng hơn 1.300 tủ sách lớp học với hàng chục ngàn đầu sách cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
Chương trình xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tỉnh Nam Định.
Muốn thành công phải có tri thức
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết, chương trình đề ra mục tiêu phủ sách trên toàn bộ 10 huyện, thành phố của tỉnh để 424.575 học sinh của 12.662 lớp và nhóm lớp từ mầm non tới tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên đều được tiếp cận những đầu sách phù hợp. Đây là chương trình xã hội hoá, trước hết nhờ vào sự đóng góp của các nhà tài trợ, sau đó được duy trì và phát triển bởi chính cha mẹ học sinh, thầy - cô giáo. Giá trị ban đầu của mỗi tủ sách khoảng 1 triệu đồng, nhưng khi được 40 em học sinh trong lớp đọc hết, giá trị đã tăng lên 40 lần và khi được luân chuyển qua lớp khác, nó còn tiếp tục phát huy giá trị mãi về sau.
Ông Chiến chia sẻ, nước Israel nhỏ bé nằm giữa sa mạc, thiếu nước, thiếu đất trồng trọt, không có tài nguyên thiên nhiên gì đáng kể. Và suốt gần 70 năm qua, họ luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Thế nhưng Israel lại rất giàu có và hùng mạnh. Bí quyết của họ là đã chăm đọc sách và vận dụng tri thức vào thực tiễn cuộc sống.
“Nam Định tuy không khó khăn như nước Israel nhưng cũng không hoàn toàn thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vì đất chật, người đông, vị trí địa lý không thuận lợi. Người Nam Định đã ra đi tìm kiếm việc làm ở khắp nơi. Người có ít tri thức và kỹ năng thì sống nhờ mồ hôi và hết sức tằn tiện. Những người giàu tri thức và kỹ năng trở nên thành công vượt bậc và có điều kiện giúp lại gia đình, quê hương. Những người thành công đó đều có bạn thân là sách. Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, bất ngờ, rủi ro khôn lường. Người Việt có thể mất công ăn việc làm vào tay người nước ngoài ngay trên quê hương mình nếu thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết. Và để ứng phó được với các thách thức, vượt ra khỏi khó khăn và vươn lên cần phải có kiến thức”, ông Chiến nói.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định vinh danh một người đã 20 năm nay kiên trì thuyết phục chính quyền các cấp và các trường học cho xây dựng tủ sách tại lớp học từ nguồn đóng góp của chính các phụ huynh và đã tự quyên góp, tặng rất nhiều sách cho các trường trên khắp cả nước. Sáng kiến của anh đã được đánh giá cao không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đó là anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình “Sách hoá nông thôn”.
Học sinh Hải Hậu đã có 35.000 cuốn sách
Ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: “Trong tim tôi luôn kỳ vọng người Việt đọc nhiều sách, thực hành đọc sách để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhân loại. Sách có thể thay đổi nhân phẩm một cá thể, một quốc gia, vì vậy tôi tin tưởng rằng, trong vòng 20 năm nữa có khoảng 1 triệu học sinh Nam Định sẽ trở thành những công dân ưu tú, góp phần thay đổi số phận đất nước”.
Được truyền cảm hứng từ chương trình “Sách hoá nông thôn”, từ 2 năm nay, Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội đã tự xây dựng chương trình “Tủ sách lớp học” tại Hải Hậu. Số lượng tiền quyên góp được là gần 1,25 tỷ đồng, trong đó 80% kinh phí do các doanh nhân tài trợ, 20% từ hội đồng hương, cộng đồng. Đến nay, hơn 35.000 cuốn sách đã tới tay các em học sinh của 670 lớp học tại 50 trường trên địa bàn 30 xã thuộc huyện Hải Hậu và 1 xã ở huyện Xuân Trường. Mỗi lớp học được trang bị 1 tủ sách tự quản trị giá 2 triệu đồng. Nhờ có tủ sách này mà số lượng sách được các em học sinh đọc hàng năm ở Hải Hậu đã ngang bằng với ở các nước phát triển. Theo đánh giá của các thầy - cô giáo, tủ sách đa dạng về chủng loại, bao gồm các tác phẩm văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải, sách khoa học… cung cấp các kiến thức ngoài chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh nông thôn. Đặc biệt, trong tủ sách lớp học có nhiều cuốn sách về lịch sử hình thành và phát triển của đồng tiền qua các thời kỳ; tìm hiểu về các ngành nghề liên quan đến tiền và tài chính; nhận thức về định nghĩa giàu - nghèo trong xã hội cổ xưa và hiện đại…
Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội, cho hay: “Thông qua chương trình, chúng tôi mong các em học sinh có cơ hội tiếp cận với sách, nếu được sự trợ giúp của các thầy - cô giáo, cha mẹ học sinh, nhà trường và của toàn xã hội thì sẽ thành văn hóa đọc sâu rộng. Cái hay của “Tủ sách lớp học” là, có ban quản lý, có hồ sơ quản lý tủ sách gồm sổ mượn sách, sổ ghi chép mã số sách, nội quy tủ sách do chính các em cùng tham gia quản lý. Các doanh nhân không chỉ tài trợ, mà còn tham gia hướng dẫn quản lý và luân chuyển sách. Thiết nghĩ, đây là hoạt động đầy ý nghĩa, cần được nhân rộng, với sự chung tay của đông đảo doanh nhân, các trí thức và cộng đồng”.
Ngay sau khi phát động chương trình, một số tổ chức và cá nhân đã tặng hơn 1.300 tủ sách lớp học với hàng chục ngàn đầu sách cho các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Chu Khôi
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.