Sau Báo Kinh tế nông thôn ngày 12/1/2016 đăng bài viết phản ánh về việc “Ngang nhiên xẻ thịt đất nông - lâm nghiệp để phân lô bán nền”, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong sự bất lực của chính quyền.
>> Ngang nhiên xẻ thịt đất nông - lâm nghiệp để phân lô bán nền
Làm cả ban đêm
Ngày 28/2/2016, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục quay trở lại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) ghi nhận tình trạng “xẻ thịt” đất rừng để chia lô bán nền.
Theo phản ánh của người dân tại đây, tình trạng “xẻ thịt” đất lâm nghiệp ở đây không có chiều hướng giảm, trái lại sự biến mất của các quả đồi ở khu vực ấp An Chu, thôn Tây Lạc, xã Bắc Sơn ngày càng nhanh. Ghi nhận của phóng viên ở khu vực ấp An Chu, thôn Tây Lạc vào hồi 9 giờ 30 sáng 28/2/2016 , tại hiện trường có khoảng 2 máy xúc đang xẻ từng thớ đất đồi để mở rộng diện tích, gần khu vực chia lô bán nền có 2 máy xúc khác đang tập kết chờ lệnh ra “xẻ đồi”. Theo anh Hải, một người dân sống ở gần khu vực này cho biết: “Các máy xúc và công nhân làm việc rầm rộ khoảng từ 16 giờ 30 chiều trở về đêm, đặc biệt là hai ngày cuối tuần. Càng về đêm, nơi đây càng giống như một đại công trường với nhiều máy xúc thi nhau xẻ thịt đất đồi”. Cũng theo anh Hải, vừa qua cơ quan chức năng đã xuống lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không hiểu sao đến nay, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn.
Các máy xúc vẫn tiếp tục xẻ thịt dù chủ sử dụng đất đã nhận sai phạm
Trước đó, tại Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất vào ngày 10/8/2015 của UBND xã Bắc Sơn, bước đầu đoàn kiểm tra ghi nhận: “Tại một phần thửa đất số 614 tờ bản đồ địa chính số 27, diện tích khoảng 48.066,4m2 đất nông nghiệp đã bị san ủi mặt bằng, trồng cây lâu năm (cây tràm). Ông Nguyễn Văn Dũng đã tự ý san ủi mở hai tuyến đường. Tuyến đường 1 nằm trong hành lang đường điện 110 - 220 KV có diện tích khoảng 2.000m2 (ngang 8x250m), đường đất. Tuyến đường 2 đất nông nghiệp có diện tích khoảng 1.200m2 (ngang 6x200m) đường đất. Diện tích còn lại hiện hữu là nhà cấp 4, trại heo và cây lâu năm”. Cũng trong buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Dũng (chủ sử dụng đất), phải cung cấp các giấy tờ liên quan tới thửa đất nêu trên và phải ngưng ngay việc tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng đã công nhận hành vi tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất và cam kết chấp hành theo ý kiến của đoàn kiểm tra. Nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dù chủ đất đã nhận sai phạm nhưng tình trạng “xẻ thịt” đất lâm nghiệp để phân lô bán nền vẫn tiếp tục diễn ra đến nay mà không thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử phạt theo quy định.
Các lô đất tiếp tục được phân để bán cho người dân
Quyết định số 51/2014/QĐ - UBND tỉnh Đồng Nai về việc Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ban hành ngày 20/11/2014 quy định rất rõ điều kiện để thực hiện việc tách thửa, các trường hợp không được tách thửa, diện tích tối thiểu được phép tách thửa, và các trình tự thủ tục cho việc tách thửa hoặc hợp thửa đất.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Hà Nội), tại Điều 7 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rất rõ cụ thể như sau:
Điều 7. Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
1. Chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 5 hécta;
2. Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 5 hécta;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.
Nhóm PV bất động sản
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.