Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 15:38

Tuần đầu học sinh lớp 12 của Hà Nội học trực tiếp: Phụ huynh e dè, thận trọng

Sau thời gian dài học tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 6/12, Hà Nội cho phép học sinh lớp 12 đi học trở lại với tỷ lệ 50% số học sinh được đến lớp.

Tuần đầu học trực tiếp, số lượng học sinh đến lớp của nhiều trường chưa cao, nguyên nhân do phụ huynh vẫn còn e dè, thận trọng bởi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn luôn ở mức cao.

Lo dịch lây lan

Chị Nguyễn Thanh Huyền, ở phường Gia Thụy (Long Biên), có con học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho biết: Khi con học trực tuyến ở nhà, gia đình hết sức lo lắng bởi chất lượng không cao, chỉ mong các con được đi học trở lại. Nhưng  khi được đi học thì không chỉ có cá nhân tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng lưỡng lự, bởi nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao.

Còn chị Nguyễn Thị L., có con học lớp 12 Trường THPT Thạch Bàn, thì cương quyết: Tôi không thể cho con đi học vào lúc này, vì tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn tăng cao. Mặc dù cháu đã được tiêm 1 mũi vaccine, nhưng an toàn là trên hết. Gia đình tôi chấp nhận cho con học trực tuyến ở nhà.

01.jpg
Số học sinh đi học ngày đầu của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

 

“Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên 80% người mắc Covid-19 ở Hà Nội không có triệu chứng. Vì thế, không loại trừ trong số học sinh quay trở lại trường mắc bệnh mà chưa phát hiện, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm là rất cao”, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết.

Mặc dù thành phố cho phép học sinh lớp 12 đi học trở lại, nhưng với diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mỗi ngày số ca mắc Covid-19 vẫn cao, có ngày lên tới 1.000 ca, khiến phụ huynh lo lắng đến sự an toàn sức khỏe của con em  mình. Điều này cũng là một trong những trở ngại lớn đối với các nhà trường khi số học sinh đến trường không như mong đợi.

Tỷ lệ học sinh đến trường chưa cao 

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi buổi học chỉ có 50% số lớp học sinh được đến trường, số còn lại sẽ phải học trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều trường khi đón học sinh quay trở lại đều ngỡ ngàng khi học sinh đến lớp quá ít.

Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) có 681 học sinh khối 12, chia làm 15 lớp; 7 lớp học trực tiếp vào các ngày thứ 2,  thứ 4, thứ 6; 8 lớp còn lại đến trường vào thứ 3, thứ 5, thứ 7.

Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong ngày đầu đi học (6/12) chỉ có 33 học sinh đến trường, đạt khoảng 10% tổng số học sinh của nhóm 1. Tuy nhiên, đến ngày 7/12, số học sinh đến trường chỉ là 9.  Ngày tiếp theo, chỉ duy nhất 1 em tới lớp. Như vậy, tổng cộng cả 2 buổi đầu trở lại trường chỉ có 42/681 học sinh đi học trực tiếp, chỉ hơn 6,1% trên tổng số học sinh khối 12 của trường. Đến ngày 8/12 thì số học sinh đi học ngày chẵn có còn 27 em.

Theo cô Oanh, việc phụ huynh có tâm lý lo lắng, không đồng ý cho học sinh đến lớp do khu vực của trường nằm trên địa phận phường Đồng Nhân nhưng lại giáp ranh với phường Phố Huế và khu tập thể Nguyễn Công Trứ, hai địa điểm có dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

“Bên cạnh đó, một số học sinh của trường cũng ở trong các khu vực này nên đã gây sự lo lắng cho phụ huynh học sinh khi các con quay trở lại học trực tiếp”, cô Oanh chia sẻ.

Theo thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, ngày đầu tiên, trong số 50% số lớp 12 được đi học trở lại, chỉ có khoảng 80% số học sinh đến trường. Nếu tính từng lớp thì có lớp chỉ đạt 30%, những ngày sau số học sinh đi học trở lại tăng lên.

“Nguyên nhân do tâm lý của phụ huynh còn e ngại số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn cao, dù học sinh đã được tiêm mũi 1 vaccice nhưng vẫn chưa đảm bảo sự an toàn . Phụ huynh thận trọng là điều dễ hiểu vì con cái là tất cả với cha mẹ.

Trước khi học sinh được phép quay trở lại, nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị đón các em như: khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường, làm vệ sinh sạch sẽ lớp học, các phòng chức năng, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kiểm tra, đo thân nhiệt…”, thầy Lê Trung Kiên nói.

03.jpg
Kiểm tra y tế cho học sinh ngày đầu đến trường tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

 

Áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy

Với em Phạm Ngọc Quyết, lớp 12A6 Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), dù dịch bệnh phức tạp nhưng việc học trực tiếp rất quan trọng và không thể thay thế.

“Theo em, việc học trực tuyến ở nhà chỉ là giải pháp thay thế tạm thời, học trực tiếp sẽ giúp em dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, còn học online đôi khi khiến em không tập trung, việc học thì bị gián đoạn do đường truyền internet kém, nghe cô giảng bập bõm, câu được, câu không”, Quyết cho biết.

Sau một tuần đi học ở trường, Quyết cũng như các bạn khác luôn được bố mẹ nhắc nhở cẩn thận về việc đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Tại các trường học, công tác phòng, chống dịch cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo cô Oanh, trong trường hợp số học sinh đến trường tiếp tục ít và thậm chí không có em nào, giáo viên nhà trường vẫn lên lớp, dạy học bình thường. Khi không học sinh nào đến trường thì chuyển sang dạy trực tuyến ngay tại lớp học.

“Nhà trường tiến hành phương thức giảng dạy trực tiếp song song với trực tuyến. Như vậy, học sinh nào đến lớp thì học trực tiếp, còn em nào không đến lớp được thì học qua trực tuyến, nhưng vẫn cùng giờ học của các bạn trên lớp. Những trường hợp nào mà phụ huynh cảm thấy chưa yên tâm thì học trực tuyến tại nhà. Nhà trường thoải mái về việc này và không ép buộc. Nhiệm vụ của nhà trường là mở cửa đón học sinh và chuẩn bị những phương án đảm bảo an toàn nhất. Song vẫn dạy trực tuyến cho những học sinh chưa thể đến trường do lo ngại dịch bệnh”, cô Kiều Oanh nói.

Đồng quan điểm, thầy Kiên cho biết, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều áp dụng cả 2 phương thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, việc học trực tuyến có những hạn chế không thể bằng học trực tiếp, do đó, phụ huynh nên cho các con đến trường để việc tương tác giữa giáo viên và học sinh đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố đã nghiên cứu, trao đổi, tham vấn chuyên gia phòng, chống dịch tễ về vấn đề cho học sinh đi học trở lại.

“Cha mẹ học sinh cần phải nhận thức được đầy đủ về vấn đề này để con em trở lại trường. Đây chính là thời gian vàng để các em học tập cũng như ôn lại kiến thức đã học trong giai đoạn học trực tuyến tại nhà. Cha mẹ học sinh cần tin tưởng vào công tác phòng chống dịch của các nhà trường cũng như phối hợp tốt với nhà trường và các cơ quan y tế để đảm bảo công tác phòng chống dịch của con em mình cũng như của học sinh trong nhà trường.   Hiệu quả của học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh còn e ngại”, ông Tiến nói.

Trước việc học sinh lớp 12 đi học trở lại với số học sinh đến trường ít, ông  Tiến cho rằng, chuyện này là bình thường vì một bộ phận cha mẹ học sinh còn tâm lý e ngại nên chưa cho con trở lại trường.  Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá rất cao các trường dù có rất ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo ông Tiến, cách làm của Trường THPT Trần Nhân Tông và Nguyễn Gia Thiều là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.

Ông Tiến cũng cho hay, việc đưa học sinh trở lại trường học cần đặt vấn đề an toàn sức khỏe lên trên hết. Sở đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo thành phố về lộ trình đưa học sinh trở lại trường học. Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, cùng với việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, các trường cần duy trì công tác dạy học theo đúng tiến độ, chất lượng, quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tốt nhất cho học sinh cuối cấp.

Ở khía cạnh khác, theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đang gây tác hại nặng nề không chỉ về sức khỏe thể chất (tình trạng mắc bệnh) mà còn gây stress, những sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, nhiễu rối loạn tâm thần... do thiếu sự giao tiếp, vận động đặc biệt ở lứa tuổi học đường.

Việc học sinh phải học trực tuyến, đối diện với máy tính, điện thoại di động... dẫn đến rất nhiều bệnh lý “nghiêm trọng và khó khắc phục” hơn là mắc Covid-19. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp và đưa ra những quyết định đúng đắn có lợi nhất cho các em.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top