Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2019 | 13:12

Ứng dụng KHKT trong khai thác và bảo quản trên tàu khai thác xa bờ

“Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ” là Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp được tổ chức tại Quảng Ngãi hôm nay (19/6).

 

Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

 

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cho biết, từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có trên 31.500 tàu cá xa bờ. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác hải sản vẫn là lĩnh vực mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn (từ 20-30%).
 
Kết quả điều tra cho thấy, các tàu khai thác hải sản xa bờ lắp máy cũ chiếm tới 88,6% tổng số tàu khai thác xa bờ. Do máy cũ lại sai công năng sử dụng nên các loại máy này độ bền thường thấp, hay bị hỏng hóc bất thường, ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả chuyến biển. Trang bị khai thác chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất…
 
Theo ông Tuấn, để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển… tàu thuyền phải được thiết kế hợp lý, vật liệu đóng tàu phải đáp ứng môi trường làm việc khắc nghiệt, cơ giới hóa các khâu sản xuất, thiết bị bảo quản phải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển.
 
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai dự án Movimar để gắn thiết bị (chip) cho 3.000 tàu cá của ngư dân các thiết bị thu tín hiệu từ vệ tinh. Các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được các thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường, tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ…
 
Các đại biểu tham quan các thiết bị hàng hải
Các đại biểu tham quan các thiết bị hàng hải

 

Tại Diễn đàn, Nhóm nghiên cứu của Viện KH&CN Khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) cho biết, đã ứng dụng phần mềm trong thiết kế vỏ tàu và một số kỹ thuật mới trong thi công, chế tạo tàu vỏ thép, composite đảm bảo tăng độ bền, tiết kiệm vật liệu. Các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa quá trình đánh bắt tiếp tục được ứng dụng, chuyển giao, như: máy thu lưới vây tang treo, máy thu – thả câu cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại Bình Định…
 
Các thiết bị điện tử hàng hải như: máy đo sâu – dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc đã được sử dụng phổ biến trên tàu cá trong khu vực. Một số thiết bị điện, điện tử hiện đại như: máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc đa chức năng, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển… đã được lắp đặt trên một số tàu cá hoạt động xa bờ. Thiết bị giám sát tàu cá như Movimar, Zunibal, Blue Tracker cũng được lắp đặt nhằm nỗ lực gỡ thẻ Vàng của EC theo Luật Thủy sản 2017.
 
Tại Diễn đàn, ông Hồ Trọng Phương, Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 5.640 tàu thuyền khai thác hải sản với tổng công suất trên 1,8 triệu CV, bình quân 322 CV/chiếc, trong đó có 3.716 chiếc công suất trên 90 CV, 932 chiếc công suất dưới 20 CV, có khoảng 1.200 tàu thường xuyên hoạt động ở vùng biển xa bờ (Hoàng Sa, Trường Sa…).
 
Sản lượng khai thác thủy sản của Quảng Ngãi trong những năm gần đây tăng khá nhanh do được đầu tư về phương tiện khai thác cũng như cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần được xây dựng thêm. Năm 2018, sản lượng khai thác của tỉnh đã vượt mức 234 ngàn tấn, tăng 26,9% so với năm 2017.
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 6 cảng cá, 8 HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ, 10 Nghiệp đoàn nghề cá, 306 Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, 15 Chi hội nghề cá và 01 Quỹ hỗ trợ ngư dân.
 
Ông Kim Văn Tiêu, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn.

 

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan chuyển giao, các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, Hiệp hội… triển khai nhanh xây dựng các mô hình khai thác, bảo quản có hiệu quả cao; tiếp tục đào tạo ngư dân theo hướng cầm tay chỉ việc và tập trung tuyên truyền cho nhiều người biết. Đối với bà con ngư dân, cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT trong khai thác, ché biến và bảo quản sản phẩm trên tàu để nâng cao hiệu quả trong khai thác, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; chấp hành các qui định trong khai thác, không vi phạm pháp luật… góp phần bảo vệ an ninh biển đảo và gỡ thẻ Vàng EU.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top