Tại Khai mạc triển lãm ”Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển đất nước".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển đất nước, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước, đặc biệt có giá trị sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày nay”.
Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa và Thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh; phải tiếp thu kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng…
Đưa công nghiệp văn hóa trở thành một trong những đột phá
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết, chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (Nghị quyết 33) và trong những văn bản tiếp theo đều nhấn mạnh đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa và đều là thế mạnh của chúng ta. Trong đó có một số ngành thực sự đang là động lực cho sự phát triển đất nước như: Du lịch văn hóa, ẩm thực, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, truyền hình…
Việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra các xu thế trên thế giới, đồng thời tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam để quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không hề thua kém với các nước khi chúng ta có hàng ngàn năm lịch sử với 54 dân tộc anh em, có truyền thống, câu chuyện, ký ức, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…, có thể tạo thành những chất liệu quý giá, từ đó tạo nên sự đặc sắc, những giá trị riêng của Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đạt được như mong muốn bởi có nhiều lý do. Thứ nhất, nhận thức về văn hóa hay công nghiệp văn hóa vẫn chưa thực sự tốt ở chỗ này, chỗ kia, lúc này, lúc khác. Chính vì những nhận thức như vậy khiến cho việc triển khai các quan điểm của Đảng và chiến lược của Chính phủ trong thực tiễn gặp rất nhiều vấn đề. Chúng ta có chiến lược phát triển văn hóa, các địa phương đều có kế hoạch, tuy nhiên, triển khai trong thực tiễn gặp lúng túng, quan trọng nhất là chưa hiểu được giá trị, vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa đối với các địa phương, với các lĩnh vực. Khi chưa hiểu thì không có các kế hoạch khả thi, bền vững.
Thứ hai, trong thể chế hóa các quan điểm của Đảng gặp nhiều vấn đề. Đó là các luật về văn hóa mới xem văn hóa là lĩnh vực giải trí hay là lĩnh vực thiên về đời sống tinh thần mà chưa thấy có sự gắn bó giữa văn hóa nghệ thuật với đời sống kinh tế. Chính vì thế, trong việc sửa Luật Điện ảnh hiện nay, một trong những tư duy hướng đến là xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa hay cụ thể hơn là công nghiệp điện ảnh. Trong các lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy, phải xem xét ở trong cách tiếp cận là một ngành công nghiệp văn hóa.
Thứ ba, chúng ta chưa có được hệ thống hoàn chỉnh về giáo dục sáng tạo. Giáo dục về nghệ thuật trong các trường được coi là yếu tố quan trọng trong giáo dục sáng tạo nhưng hiện vẫn chỉ coi là môn năng khiếu, thậm chí môn phụ. Những môn này “có cũng được mà không có cũng được”, nhưng trên thực tế, những môn này rất quan trọng đối với việc phát triển con người toàn diện, vì không chỉ hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ mà còn giúp con người có sức đề kháng với những điều xấu, để trở thành người tốt dễ dàng hơn và còn tạo ra con người sáng tạo. Khi tạo ra con người sáng tạo, sẽ tạo ra tinh thần sáng tạo cho toàn xã hội, tạo ra tinh thần khởi nghiệp giúp ích rất nhiều cho quốc gia khởi nghiệp.
Phải có nội lực về văn hóa đủ mạnh, đủ tự tin để hội nhập
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhấn mạnh: Để tăng cường sức đề kháng trong quá trình hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, không có gì khác là tăng cường sức mạnh nội sinh; phải có nội lực về văn hóa đủ mạnh, đủ tự tin để hội nhập với thế giới. Đi ra bên ngoài để nhận ra đây là con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thì phải có “căn cước văn hóa của dân tộc”.
Nhìn lại sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ông Kỷ cho biết: Tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8 của Đảng, sau đó là các Nghị quyết Đại hội của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, điểm được là chúng ta là đã có bước chuyển trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nội dung dân chủ, khoa học, nhân văn, tiến bộ. Từ nhận thức đó, chúng ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng, trong đó đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người sáng rõ hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế cũng đã tốt hơn. Những kết quả thu được rất rõ ràng và thực sự văn hóa đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta vẫn thường nói văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong xã hội…
Thực tế, văn hóa của dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử và được bổ sung thêm những yếu tố mới. Nền văn hóa chúng ta xây dựng có rất nhiều yếu tố tiến bộ thời kỳ mới là khoa học, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Nhận thức này không phải lúc nào hoặc chỗ nào cũng được hiểu đầy đủ và sâu sắc. Quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống quan trọng nhất là thể chế hóa bằng chủ trương, cơ chế của Nhà nước. Cũng có lúc này lúc kia, mặt này mặt kia chúng ta làm chưa tốt. Một số nghị quyết xây dựng rất tốt, nhưng khi triển khai lại khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý, các chính sách và nguồn lực.
Đây cũng là một trong những nội dung tổng kết 35 năm thời kỳ đổi mới, trong đó có lĩnh vực văn hóa đã đề cập rất rõ. Việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ về văn hóa cũng có một số mặt hạn chế. Dường như chúng ta chưa có chiến lược đầy đủ, dài hơn về công tác cán bộ trong lĩnh vực này. Nếu không có con người, dù nghị quyết có hay đến mấy cũng khó đạt được kết quả cụ thể trong cuộc sống…
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.