Yên Tử - nơi đất trời giao hòa, gió mây vấn vương như rồng chầu hổ phục, từ hàng trăm năm qua vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở, từng bước chân của du khách mỗi khi tới đây. Năm nay, đến với Yên Tử, du khách sẽ cảm nhận được sự quy củ, văn minh hơn khi không còn cảnh bán hàng dọc đường, không còn tình trạng lộn xộn, nhếch nhác như những năm trước.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đúc từ 138 tấn đồng bằng kỹ thuật đổ liền khối, đúc ở độ cao 912m so với mặt nước biển.
Lưu giữ nhiều giá trị quý
Núi Yên Tử xưa có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (núi Voi), Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng), An Tử… Trên đỉnh núi ngày nay vẫn còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất với bãi đá ngổn ngang thiên hình vạn trạng. Sóng núi điệp trùng, rừng đại ngàn che phủ, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, cây mọc chênh vênh trên vách đá, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong, thác đổ, suối reo…, đẹp như bức tranh thủy mặc.
Có thể nói, Yên Tử (Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là nơi còn lưu giữ những giá trị quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra Phật ở ngay trong tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi. Đức Phật chỉ là người thầy dẫn đường, không phải thánh thần ban phước, giáng họa.
Nếu để cho tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham, sân, si... để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài.
Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thực hành Thập Thiện theo chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành chuẩn mực đạo đức, trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.
Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần - Lê phía dưới những ngôi chùa được phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo và sáng tạo.
Về Yên Tử, ta lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về ông vua hóa Phật, về cõi thiêng Yên Tử. Một số công trình ở đây có giá trị kỷ lục như: Chùa Đồng, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngôi bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, mặt quay về hướng Nam cao 12,6m (thân 9,9m, bệ 2,7m) được đúc từ 138 tấn đồng bằng kỹ thuật đổ liền khối, đúc nổi trực tiếp - một phương pháp độc đáo trong nghề đúc đồng ở Việt Nam, đúc ở độ cao 912m so với mặt nước biển. Hình dáng pho tượng đồng được phỏng theo mẫu tượng đá cổ, có niên đại thời Lê Sơ, hiện thờ trong Huệ Quang Kim Tháp.
Sau 4 năm chuẩn bị và thi công với gần 5.000 lượt người tham gia, ngày 03/12/2013, công trình Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử được khánh thành.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cảnh quan... của một di tích quốc gia đặc biệt và của rừng quốc gia; với định hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững, gần gũi với thiên nhiên; cùng vịnh Hạ Long xinh đẹp và thơ mộng, Yên Tử đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương trong nước và quốc tế.
Nhiều nét mới
Lễ khai hội Yên Tử năm nay diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng tại sân chùa Trình Yên Tử với các nghi lễ và phần hội phong phú, đặc sắc. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội cũng có nhiều nét đổi mới nhằm phục vụ du khách về tham quan, vãn cảnh ngày một tốt hơn.
Mỗi năm có hàng triệu du khách tới Yên Tử hành hương.
Khu vực dịch vụ bến đỗ xe cho du khách được mở rộng diện tích từ 4,6ha (năm 2016) lên đến 12,1ha, có sức chứa 15.000 xe máy và 2.000 xe ô tô các loại, bao gồm khu vực bến xe Hạ Kiệu 1 và bến xe Hạ Kiệu 2. Dịch vụ xe điện cũng được Ban tổ chức Hội xuân Yên Tử bố trí lên đến 83 xe (tăng 45 chiếc), chia làm 2 chặng.
Chặng 1 đón du khách từ cầu Hạ Kiệu vào đến nhà ga cáp treo với giá vé 15.000 đồng/lượt, chặng 2 đón du khách từ khu vực suối Giải Oan vào nhà ga cáp treo 1 với giá vé 10.000 đồng/lượt để phục vụ du khách di chuyển được thông suốt. Một nét mới trong lễ hội Yên Tử năm nay là dịch vụ vận chuyển trọn gói bao gồm dịch vụ xe điện và dịch vụ cáp treo với giá vé khứ hồi 300.000 đồng/vé. Điểm mới đặc biệt của mùa lễ hội năm nay là BTC miễn vé cáp treo cho người già trên 70 tuổi, trẻ em có chiều cao dưới 1,2m; các tăng ni. Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh thực hiện rà soát, kiểm tra các điểm đặt hòm ghi nhận tiền công đức, đặt tiền giọt dầu tại nơi thờ tự. Hướng dẫn việc sắp xếp nơi thờ tự; bố trí lực lượng thu gom hương, tiền lễ và thực hiện không đốt hương trong chùa. Cấp thẻ quản lý người chấp tác, giúp việc tại các chùa.
Tăng cường quản lý nhà nước, ngăn chặn lưu hành văn hoá phẩm ngoài luồng, các hoạt động mê tín dị đoan. Mọi hoạt động về tôn giáo, tín ngưỡng tại khu di tích Yên Tử đều được thực hiện đúng theo nội quy, quy chế của nhà nước và Ban tổ chức Hội xuân Yên Tử 2017 đề ra. Không có hiện tượng mê tín dị đoan, cầu đồng xóc thẻ, bói toán, không tuyên truyền tà đạo.
Từ ngày mùng 1 Tết đến hết ngày 19 tháng Giêng (tức ngày 15/02/2017), khu di tích Yên Tử đã đón tiếp 475.060 lượt du khách về tham quan, vãn cảnh. Dọc tuyến đường hành hương lên đến chùa Đồng, công tác vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo, không còn tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch hay bán hàng rong, chèo kéo chào mời du khách thiếu văn minh lịch sự. Hàng quán, dịch vụ được bố trí đúng quy định, đảm bảo cảnh quan khuôn viên khu di tích. Công tác an ninh trật tự thường xuyên được tăng cường tuần tra, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho du khách.
Về Hội xuân Yên Tử, quý khách không những được lạc vào không gian thiêng của núi rừng Yên Tử với đường tùng cổ kính, hay rừng trúc bạt ngàn đến mai vàng rực rỡ mà còn được trở về với Kinh đô Phật giáo của Đại Việt xưa - Nơi phát tích của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử , nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sẽ cảm nhận được những nét xuân trên miền đất Phật.
Đình Tùng
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.