Đó là một trong những nội dung được đề cập đến trong báo cáo ngày 30/6 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Báo cáo nêu rõ, thực hiện chính sách phát triển thủy sản, các địa phương đã tích cực đóng mới, nâng cấp tàu cá, nhiều tàu cá đóng mới đi vào hoạt động đa số đạt hiệu quả khá, phát huy được nguồn vốn đầu tư, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều ngư dân đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng.
Tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương (Bình Định) bị hư hỏng nặng nề. Ảnh: dantri.com.vn
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đã xảy ra sự cố, hư hỏng. Số tàu cá trên do hai công ty đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Đây là sự cố đáng tiếc và đang được UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét, khẩn trương khắc phục để ngư dân tiếp tục ra khơi sản xuất khai thác thủy sản.
Ngoài tỉnh Bình Định, các tỉnh đã tiến hành rà soát các các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Theo đó, tỉnh Phú Yên có 2/5 tàu vỏ thép bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu, cơ sở đóng tàu và chủ tàu đã kịp thời khắc phục, sửa chữa và tàu đã hoạt động bình thường. Tỉnh Thanh Hóa có 18/23 tàu vỏ thép được đóng mới đưa vào hoạt động bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản. Chủ tàu đã phối hợp với cơ sở đóng tàu khắc phục sửa chữa, đa số tàu đã hoạt động bình thường, hiện còn 2 tàu đang còn đậu ở cảng để sửa chữa máy phát điện.Tỉnh Q uảng Nam đóng mới 35 tàu vỏ thép hiện, đã có 34 tàu đi vào hoạt động bình thường, còn 1 tàu đã hạ thủy, chưa đi hoạt động vì chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục kiểm tra, rà soát về chất lượng và hiệu quả họat động của tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh việc có các văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định; kiểm tra công tác đóng mới tàu cá tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, Công ty TNHH MTV Nam Triệu để xác định nguyên nhân gây hư hỏng tàu cá...
Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao và thống nhất với chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định và yêu cầu của các cơ sở đóng tàu và các đơn vị liên đới phải khẩn trương cùng địa phương sớm khắc phục các hư hỏng tàu cá vỏ thép để ngư dân sớm có phương tiện khai thác, không làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân.
Bộ yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá có báo cáo về việc giám sát đóng mới tàu cá vỏ thép trong toàn quốc và báo cáo giải trình việc giám sát đóng mới tàu cá của tỉnh Bình Định; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo, đăng kiểm viên có liên quan trong việc giám sát đóng mới tàu cá, đăng kiểm tàu cá bị hư hỏng. Tạm đình chỉ công tác các đăng kiểm viên có liên quan, kiểm điểm trách nhiệm và chờ có kết luận chính thức để xử lý theo quy định.
Để sớm khắc phục sự cố đối với các tàu cá vỏ thép, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục yêu cầu cơ sở đóng tàu thực hiện cam kết, có kế hoạch cụ thể khắc phục các sai phạm; đồng thời chỉ đạo, tổ chức giám sát việc khắc phục hư hỏng của tàu cá, để sớm đưa tàu cá trở lại hoạt động, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Các tỉnh thành phố ven biển có tàu cá vỏ thép đóng mới tổng kiểm tra, rà soát điều kiện của các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo các cơ sở đóng mới tàu cá có tàu bị hư hỏng chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để rà soát, kịp thời phát hiện hư hỏng (nếu có) và sớm có giải pháp khắc phục. Đồng thời khẩn trương tổ chức kiểm tra chất lượng các tàu cá vỏ thép đang đóng và đã đi hoạt động để kịp thời khắc phục hư hỏng, chấn chỉnh sai phạm (nếu có).
Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất.
Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác giám sát đóng mới, đăng kiểm tàu cá cho phù hợp với tình hình thực tế. Nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục cử các đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục các sự cố hư hỏng, sớm đưa tàu cá vào hoạt động sản xuất; phối hợp với các địa phương có tàu cá hư hỏng để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục hư hỏng.
Đến ngày 31/5, các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn, trong đó: chủ tàu đủ điều kiện đóng mới là 1.510 tàu trong đó tàu vật liệu vỏ thép 619 tàu, vỏ composite 149 tàu, vỏ gỗ 742 tàu; nâng cấp 438 tàu. Trong số 1.948 chủ tàu đã được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân là 8.783 tỷ đồng. Đến 31/5/2017, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu, trong đó theo nghề: có 622 tàu khai thác và 44 tàu dịch vụ hậu cần (theo vật liệu vỏ: thép 297 tàu, gỗ 347 tàu, composite 22 tàu; theo công suất từ 800 CV trở lên là 539 chiếc).
P.V
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.