Lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm nay có lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ 2015, tăng tới 83,9%.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước ta năm nay đạt kỷ lục là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Đóng góp vào kỷ lục này, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng đột biến, đạt 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9% so với năm 2015.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới năm 2016 tăng đột biến, đạt 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9% so với năm 2015. |
Để có mức tăng này, nhiều chuyên gia kinh tế giải thích là do năm 2016 kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,3%, tuy không đạt được mức dự kiến 6,7% nhưng thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới.
Mặc dù nội tại nền kinh tế còn nhiều hạn chế như nợ công cao, ngân sách dành để trả nợ tăng nhanh, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng về cơ bản kinh tế vĩ mô của nước ta năm 2016 được đánh giá tương đối ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá ngoại hối được điều chỉnh linh hoạt và không có biến động nhiều, phần lớn mục tiêu kinh tế- xã hội được thực hiện.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản đã chuyển động theo hướng tích cực. Tại cuộc hội thảo "Bất động sản xây dựng tương lai" ngày 15/11, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, ông Neil MacGregor cho biết, sức mua trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay một quý đã bằng của Singapore cả năm.
Bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Công ty CBRE Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản năm 2016 vẫn tiếp nối xu hướng tích cực của năm 2015. Nhìn chung toàn thị trường phát triển tương đối ổn định, nguồn cung căn hộ mở bán và bán được tuy không cao như năm 2015 nhưng tăng trưởng đều qua các quý.
Đồng tình quan điểm nói thị trường bất động sản ấm lên nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, lượng doanh nghiệp mới trong lĩnh vực bất động sản tăng mạnh, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bổ sung rằng năm 2016, thị trường bất động sản đã có bước phát triển vững chắc hơn, ổn định. Các phân khúc đều phát triển mạnh mẽ, trong đó đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch. Điều này khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này gia tăng.
Nhìn từ góc độ thể chế, PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng thể chế đối với thị trường bất động sản chuyển biến theo hướng thuận lợi; doanh nghiệp được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển, xu hướng start up lên ngôi cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy gia tăng doanh nghiệp bất động sản lập mới.
Là người nhiều năm gắn bó nghiên cứu về doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, con số doanh nghiệp Việt Nam thành lập mới năm 2016 tăng kỷ lục, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, là biểu hiện phản ứng bước đầu của nhà đầu tư với một nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt là Chính phủ quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, giảm rào cản cho doanh nghiệp phát triển./.
Theo Xuân Thân/VOV
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.