Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 6 năm 2020 | 17:22

Vì sao thịt lợn sản xuất theo chuỗi luôn ổn định giá?

Giá thịt lợn hơi cả nước có thời gian đã vượt đỉnh 100.000 đồng/kg, hiện giá thịt lợn hơi đã bắt đầu “hạ nhiệt” giảm (dưới 90.000 đồng/kg), nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, giá thịt lợn bán theo chuỗi liên kết được bình ổn?

lon.jpg
Thịt lợn của chuỗi thực phẩm A-Z (Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long, huyện Thanh Oai) luôn ổn định mức giá. (Ảnh: Ngọc Quỳnh)

 

Khảo sát một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố như: Thanh Oai, Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên… cho thấy, giá thịt lợn quay đầu tăng giá trở lại, dao động trong khoảng 90.000-92.000 đồng/kg, tăng 1.000-5.000 đồng/kg so với ngày 24-6.

Theo các chủ trang trại, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ngày 24-6 tăng mạnh trở lại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát ở một số địa phương và giá con giống tăng cao (hơn 3 triệu đồng/con) nên nông dân chưa dám tái đàn. Mặt khác, nguồn cung thịt lợn sống Thái Lan nhập khẩu chưa nhiều, cung chưa đủ cầu…

Trước đó, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện tái đàn. Thực tế, 65% nguồn cung thịt lợn trên thị trường đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại đang khó khăn về vốn duy trì sản xuất và chưa đáp ứng điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Hơn nữa, người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh bởi lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng chống, nguy cơ bùng phát trở lại rất cao.

Theo thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 5,4 triệu tấn thịt, trong đó có 3,8 triệu tấn thịt lợn (chiếm 70%). Để ổn định nguồn cung, riêng 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 67.638 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn (tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019) với 129 doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống từ các nước, nhưng dường như đến thời điểm này, cung vẫn chưa đủ cầu, người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian nên vẫn phải mua thịt lợn với giá cao, tăng gần 43%...

Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng, dù giá biến động thì các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt lợn vẫn duy trì ổn định. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện nay, trang trại duy trì 400 con lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm.

Để quản lý chất lượng sản phẩm, trang trại của ông Long đã thành lập chuỗi thực phẩm A-Z, chủ động từ con giống, chăm sóc, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm cho các bếp ăn tập thể, siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của trang trại tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) với giá dao động 140.000-170.000 đồng/kg tùy từng loại. Có thời điểm, thịt lợn tại chợ được bán với mức giá 180.000-220.000 đồng/kg nhưng sản phẩm thịt lợn của chuỗi A-Z vẫn ổn định mức giá của trang trại.

Tương tự, ông Vũ Hoàng Anh - Chủ cửa hàng thực phẩm Nông Trang (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay, toàn bộ chuỗi thực phẩm Nông Trang có 5 cửa hàng bán thực phẩm sạch và cung cấp thịt lợn cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Với 100 con lợn nái và 1.000 con lợn thương phẩm được nuôi tại trang trại ở tỉnh Hòa Bình, mỗi ngày chuỗi thực phẩm Nông Trang cung cấp vài chục tấn thịt lợn sạch cho người tiêu dùng với giá ổn định 130.000-160.000 đồng/kg.

Theo ông Vũ Hoàng Anh, đây là sự “tri ân” với khách hàng thân thiết bởi có những lúc giá thịt lợn hơi 20.000 đồng/kg thì cửa hàng vẫn bán được giá hơn 100.000 đồng/kg. Từ cuối năm 2019, khi giá thịt lợn lên cao, cửa hàng vẫn bán giá được bình ổn nhằm “giữ khách” và trang trại phát triển bền vững bởi đã gây dựng được chữ “tín”...

Là khách hàng thân thiết của cửa hàng thực phẩm Nông Trang, bà Bùi Thị Lệ Thủy (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ: “Trước đây, tôi vẫn có thói quen mua thịt lợn ở chợ dân sinh, nhưng từ khi mua thịt lợn ở cửa hàng Nông Trang, tôi rất hài lòng bởi giá ổn định và sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, toàn thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó 55 chuỗi liên quan đến động vật. Các chuỗi đều kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, bền vững; tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Điều này đã được minh chứng qua những giai đoạn xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Hưng Yên: “Hạ nhiệt” thị trường thịt lợn

Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến hết tháng 5, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 400 nghìn con, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt gần 40 nghìn tấn, giảm 15,53% so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi khiến nguồn cung thiếu hụt, giá lợn hơi liên tục tăng mạnh, giá thịt lợn thương phẩm bán tới người tiêu dùng luôn ở mức cao, giá lợn hơi bình quân từ 92.000 – 95.000 đồng/kg.


thit1.jpg
Thịt lợn được bày bán tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên). (Ảnh: Minh Huấn)

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi thịt lợn thành phẩm và lợn sống được nhập vào Việt Nam, giá lợn hơi cũng như giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường nội địa đã hạ nhiệt. Đặc biệt là bắt đầu từ ngày 12/6, sau khi lô hàng 500 con lợn sống đầu tiên nhập về từ Thái Lan, đến nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện trên thị trường nội  tỉnh, giá lợn hơi xuất bán tại các trang trại từ 88.000 – 95.000 ồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 140.000 -180.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Hiền, chủ cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Văn Giang cho biết: Cơ sở nhập lợn với nhiều giá. Trong tuần vừa rồi, lợn từ Thái Lan nhập về nên giá lợn hơi các nơi đều giảm xuống dưới 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay lò mổ cũng giết mổ số lượng rất ít so với trước đây.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá thịt lợn thành phẩm hiện có giá 140.000 – 160.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương kinh doanh thịt lợn, giá thịt lợn hơi giảm dần trong những ngày qua nhưng đến nay đã có dấu hiệu chững lại. Chị Đỗ Thị Miên, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: “Dù giá thịt đã giảm so với thời kỳ đỉnh điểm, song vẫn đang ở mức cao. Với mức giá hiện nay, cả tiểu thương và người tiêu dùng vẫn đang khó mua, khó bán. Hy vọng thời gian tới, giá thịt lợn hạ thấp hơn và ổn định hơn”.

Để hạ nhiệt thị trường thịt lợn, thời gian qua, Chính phủ và các ngành chức năng nỗ lực vào cuộc. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Tùng Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn.

Theo đó, chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, chợ, các khu công nghiệp nhằm kiểm soát vấn đề nhập lậu, xuất lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng thịt lợn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước. Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn để chung tay vì sự phát triển của ngành chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng.

Bắc Ninh: Hướng dẫn nông dân tái đàn, tăng đàn lợn an toàn

UBND tỉnh vừa có Công văn về tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan trên diện rộng gắn với tăng cường tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với phương châm “dập dịch như chống giặc”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, dịch.

tang-dan.jpg
Tái đàn lợn an toàn của nông dân huyện Lương Tài. (Ảnh: Hoài Anh)

 

Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở, lấy mẫu giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch. Dự trù đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cân bằng cung, cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường gây ô nhiễm và bức xúc trong nhân dân.

Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về về tình hình dịch tả lợn Châu Phi, nhưng không gây hoang mang cho người dân; vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, từng bước ổn định đàn lợn, góp phần bình ổn giá thịt lợn hơi trên thị trường.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top