Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 14:1

“Bão giá” thịt lợn: Hai bộ đưa lý do khác nhau!?

Những ngày qua, giá lợn hơi tại hầu khắp các địa phương trên cả nước có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, tại miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng đạt mức kỷ lục, tăng vọt lên  70.000-75.000 đồng/kg, cá biệt có nơi cán mốc gần 80.000 đồng/kg.

tr7.jpg
Thủ phủ nuôi lợn Hà Nam lao đao vì giá lợn.

 

Trong khi đó, giá thịt lợn tại các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh cũng tăng phi mã, lên mức 130.000-170.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều loại thịt chạm mốc 200.000 đồng/kg.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phải triệu tập họp khẩn vì cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ phủ nuôi lợn lao đao

Xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam) nổi tiếng là một trong những địa phương nuôi nhiều lợn nhất miền Bắc. Nhưng đến nay, tại địa phương này, chỉ còn khoảng 45.000 con, giảm nhiều so với trước đây cả về đầu lợn cũng như hộ chăn nuôi. Mặc dù giá thịt lợn hơi tăng từng ngày và Tết Nguyên đán sắp đến nhưng người chăn nuôi vẫn chưa tái đàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, cho biết: Trước đây, xã được ví như “thủ phủ nuôi lợn của miền Bắc”, ngành chăn nuôi phát triển mạnh, nhiều hộ làm giàu từ con lợn. Song, từ năm 2016 đến năm 2018, giá lợn xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi liểng xiểng. Năm 2019 lại đến dịch tả lợn châu Phi hoành hành, người chăn nuôi càng khốn khó hơn.

Trước tình hình giá lợn hơi ngày một tăng, vì sao người chăn nuôi chưa tái đàn, ông Thiện lý giải, bởi người chăn nuôi đã kiệt quệ sau “bão giá” và dịch bệnh; vì con giống giờ khá cao, trên dưới 2 triệu đồng/con; vì dịch bệnh vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn…

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiêp và PTNT tỉnh Hà Nam, trên địa bàn còn khoảng 370 nghìn con lợn. Việc tái đàn với những xã đang còn dịch là không nên vì sẽ làm cho người chăn nuôi thiệt hại hơn.

Giá tăng thật hay ảo?

Báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, số liệu này chưa thể hiện chính xác thực tế, vì nhiều hộ chăn nuôi vẫn tự tiêu hủy và chôn lấp ngay tại trang trại.

Ông Công cũng nhận định nguồn cung sẽ tiếp tục khó khăn nếu không có giải pháp kịp thời, bởi với năng lực sinh học và chưa có vắc xin như hiện nay, ít nhất 1-2 năm nữa mới kỳ vọng tái đàn được.

Đồng thời, ông Công cho biết, ở một số trang trại được quản lý tốt với mức độ an toàn sinh học cao, chi phí đầu tư cũng rất lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá thịt lợn lên cao sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát.

“Giá thịt lợn chắc chắn còn tăng nhưng đến mức nào thì tôi không dám dự báo. Trung Quốc và Việt Nam chiếm gần 50% sản lượng thịt lợn của thế giới, tất nhiên khi chúng ta hao hụt, giá cả toàn cầu cũng sẽ tăng”, ông Công nhận định.

Đáng chú ý, một tháng trước, giá thịt lợn hơi leo lên mức 60.000-70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 3 năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định giá trong tầm kiểm soát nhưng chỉ trong vòng 30 ngày, diễn biến giá đã lên đến mức sốc mới. Việt Nam đang là một trong những nước có giá thịt lợn cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, tổng đàn và cơ cấu đàn lợn chưa bị mất cân đối quá lớn. Tổng đàn lợn theo báo cáo của các tỉnh còn 25 triệu con. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tăng giá, theo bộ này, là do tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có tư tưởng găm hàng, nuôi lợn lên đến 170 - 180kg/con thay vì 90 - 110kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Cùng với đó là hiện tượng vận chuyển theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.

Trong khi người dân đang rất sốt ruột vì giá lợn tăng cao, Bộ Nông nghiệp và PTNT lại cho rằng, nhìn chung, giá các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi ở thời điểm hiện nay phù hợp với cung cầu trong nước và khu vực. Mức giá 74.000 đồng/kg là mức chung của các nước trong khu vực hiện nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt, vô hình chung tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao và thương lái đã lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.

Trước những thông tin trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, giá thịt lợn đã tăng 18,64%, vượt cả dự báo từ đầu năm, khu vực miền Bắc trung bình 70.000 - 75.000 đồng/kg, cá biệt có nơi tới 80.000 đồng/kg, vùng Đông Nam Bộ là khu vực cung cấp nhiều nhất cho phía Nam và cả nước ở mức 70.000 -75.000 đồng/kg...

“Phải khẳng định là có thiếu hụt nguồn cung chứ không phải chỉ do thương lái găm hàng” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh - “Người tiêu dùng thua thiệt, trung gian trục lợi thì cũng thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Muốn giải pháp đúng thì phải đánh giá đúng tình hình”.

Bảo đảm điều hòa cung - cầu 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp chặt với Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê làm lại báo cáo, đánh giá thực chất, khẳng định thiếu hay không, các giải pháp đã thực hiện và đưa ra các biện pháp giải quyết cung- cầu để bù đắp thiếu hụt, chưa kể nhu cầu những ngày lễ, Tết khi giá thịt lợn tăng 25- 30%/ngày, chứ không phải chỉ tăng 15%/ngày như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong báo cáo phải nói rõ cung - cầu từng tháng, nhất là trong tháng 12 và tháng 1, tháng 2 năm sau. Báo cáo Chính phủ kế hoạch tái đàn như thế nào để bù đắp nguồn cung, cũng như không để dư thừa nguồn cung.

Phần thiếu hụt, Bộ Công Thương tính toán báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ các nước có quan hệ thương mại 2 chiều với Việt Nam theo tinh thần Chính phủ sẽ bảo đảm điều hòa cung - cầu thịt lợn để hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.

Bộ Nông nghiệp và PTNT tính toán chặt chẽ nguồn cung từng nhóm sản phẩm chăn nuôi; hướng dẫn địa phương tái đàn phù hợp; hướng dẫn kỹ thuật để không bị dịch trong tái đàn và tăng cường đàn.

Đề nghị bình ổn giá

Bộ Tài chính đã có công văn đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố tính toán nguồn ngân sách và tình hình giá cả để có phương án bình ổn giá thịt lợn.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ này đề nghị Thủ tướng tiếp tục giao các bộ Nông nghiệp và PTNT, Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt các biện pháp lưu thông hàng hóa đối với thịt lợn sản xuất trong nước, đánh giá cung cầu để có biện pháp điều hòa.

Đồng thời giao cho Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng khan hiếm nguồn cung thịt lợn của thị trường để tăng giá bất hợp lý.

Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 


 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top