Cụm từ “công trình xanh” đã trở nên phổ biến trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường công trình xanh vẫn đang ở bước đầu của giai đoạn phát triển. Chính vì vậy, ngày 26/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chủ trì triển khai Chương trình phát triển công nghệ xanh tại Việt Nam trong 5 năm (2017 – 2022).
Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến tháng 10/2016, tại Việt Nam mới có 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau (trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, 13 dự án theo chứng nhận LOTUS của VGBC và 12 dự án theo chứng nhận Green Mark của Bộ Xây dựng Singapore), trong khi con số này ở Singapore là 2.100 dự án, Australia là 750 dự án.
Đại diện Capital House tham gia ký kết hưởng ứng chương trình.
Mặc dù mỗi bộ tiêu chí đánh giá có những quy định riêng nhưng có thể hiểu công trình xanh là công trình xây dựng mà trong suốt niên hạn sử dụng của công trình, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành đều phải hướng tới yêu cầu đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu; hạn chế tối thiểu chất thải ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
Tuy nhiên, theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thực chất những công trình xanh ở Việt Nam mới phát triển mang tính hình thức, đối phó chứ chưa thực sự được quan tâm phát triển xanh ngay từ bước thiết kế.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, tuy sự phát triển còn khiêm tốn nhưng thị trường công trình xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu thị trường xây dựng xanh và cơ hội thu hút khách hàng, một trong những động lực quan trọng để xanh hóa công trình.
Tại lễ khởi động Chương trình phát triển công nghệ xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, phong trào phát triển công nghệ xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường bất động sản, thế giới cũng đã chứng minh việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản.
Vì vậy, trong 5 năm đầu tiên (2017-2022), chương trình sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng điểm như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các góp ý, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, bộ tiêu chí – tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh và bền vững. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển bất động sản; vận động các nhà phát triển bất động sản tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển công trình xanh của quốc gia.
“Việt Nam là một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu. Từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Để cụ thể hóa chủ trương này, mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ông Nam nói.
Trong khuôn khổ Hội thảo khởi động, 7 doanh nghiệp bất động sản tham gia ký Lễ ký giao ước hưởng ứng "Chương trình phát triển công trình xanh và bền vững" trong vòng 5 năm tới gồm: Capital House, Tổng công ty Viglacera, CEO Group, Alphanam Group, Công ty Phúc Khang, Công ty TNHH Cao ốc Quốc tế Hồ Tây, FLC. Trong đó, Capital House trở thành đơn vị tiên phong và cam kết tài trợ 1 triệu USD cho chương trình trong vòng 5 năm.
Anh Thơ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.