Với nông dân, thông tin thiếu chính xác cũng gây hậu quả nghiêm trọng
Nhân buổi tham dự Hội thảo Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông, do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, tôi nghĩ, với nông dân, chỉ cần thông tin thiếu chính xác cũng gây hậu quả nghiêm trọng.
Những thông tin làm nông dân “điêu đứng”
Nghe các đại biểu tham dự Hội thảo tham luận các ý kiến về vấn đề tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông, tôi chợt nghĩ lại những vụ việc liên quan đến những thông tin chưa chính xác, được các cơ quan báo chí đăng tải làm cho nông dân phải “khóc đứng, khóc ngồi”.
Năm 2007, trong quá trình dịch từ báo nước ngoài, một số tờ báo của Việt Nam đã đăng tải thông tin “ăn bưởi nhiều làm tăng nguy cơ bị ung thư vú”, lại không ghi rõ là bưởi chùm, mà chỉ ghi là bưởi. Những bài báo ấy ngay lập tức gây họa lớn cho trái bưởi Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng quyết định ngừng ăn bưởi.
Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi một số báo đưa thông tin trên, điều tra sơ bộ của Sở NN-PTNT Tiền Giang cho thấy, người trồng bưởi tỉnh này đã bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2007, một số tờ báo cho rằng ăn trái sầu riêng có bôi Carbendazim (là thuốc trừ nấm phổ rộng, thuộc nhóm độc III) màu trắng ở đầu trái sẽ có nguy cơ bị ung thư. Thông tin này đã gây khó khăn không nhỏ cho người trồng sầu riêng vì rất khó bán được sản phẩm khi mà người tiêu dùng e ngại với loại trái cây này.
Việc nông dân bôi Carbendazim lên trái sầu riêng là có thật. Đó là “sáng kiến” của một số nông dân với mục đích bảo vệ trái sầu riêng khỏi bệnh thối trái. Ngay lập tức, Cục BVTV và một cơ quan có liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, lấy nhiều mẫu sầu riêng ở các chợ trên địa bàn TP.HCM đem đi phân tích. Kết quả cho thấy, các mẫu có dư lượng Carbendazim đều ở dưới ngưỡng cho phép, tức là an toàn với người tiêu dùng.
Trong năm 2015, trên một số tờ báo, đã có một số bài viết cho rằng nông dân đang sử dụng hóa chất độc hại để làm trái cây nhanh chín. Thông tin đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ nhiều loại trái cây trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nhất là các loại trái cây như mít, sầu riêng…
Hay năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng ăn vải dễ bị nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, không dám mua vải về ăn dù loại quả này đang vào chính vụ. Hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn đã phải “điêu đứng” vì những thông tin trên, làm cho hàng trăm nghìn tấn vải thu hoạch không tiêu thụ được. Người nông dân ở vùng vải này đã phải “khóc đứng, khóc ngồi”.
Điển hình nhất phải kể đến vụ Nước mắm có arsen bởi các thông tin do Vinastas công bố đã gây nhầm lẫn và hoang mang dư luận vào năm 2016, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty CP thủy sản 584 Nha Trang (nước mắm 584), đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống lớn nhất tỉnh Khánh Hòa cho biết, dù chưa thống kê thiệt hại nhưng thông tin của Vinastas đã tác động tiêu cực đến hoạt động của DN này.
Ngày 21/11/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả xử lý vi phạm đối với các cơ quan báo chí đăng tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định và có đến 50 cơ quan báo chí liên quan vụ nước mắm bị xử phạt.
Còn rất nhiều, rất nhiều những thông tin chưa chính xác khác về các sản phẩm nông nghiệp, được báo chí đăng tải mà trong bài viết này tôi không thể liệt kê hết ra, nhưng hậu quả của những thông tin chưa chính xác này gây ra thật khôn lường. Đó là trái cây không tiêu thụ được, sản phẩm làm ra không bán được, đồng nghĩa với việc này là người nông dân và các doanh nghiệp không thể tái sản xuất, nợ nần chồng chất và nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Xin đừng để nông dân phải khổ vì những tin “chưa chính xác”
Trong buổi Hội thảo này, tôi rất tâm đắc với những ý kiến của Nhà báo Đặng Mạnh Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức & Cuộc sống và ý kiến của ông Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam.
Hai ông cho rằng, khi đưa những thông tin lên báo thì nhà báo và các cơ quan báo chí phải kiểm chứng từ nhiều nguồn, phải thông qua những kênh thông tin chính thống từ các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, các nhà báo, bạn đọc cũng cần phải tự nâng cao ý thức cảnh giác trước những thông tin chưa chính xác và chưa được kiểm chứng từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Với tôi, người viết bài này, đã có nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế để viết bài về nông dân, những sản phẩm về nông dân mới thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát bởi những thông tin chưa chính xác gây ra.
Tôi đã từng nghe một nông dân ở vùng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ, chính gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi thông tin ăn vải thiều sẽ mắc bệnh viên não Nhật Bản. Thời điểm đó, nhà có khoảng gần 2ha vải, đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhưng năm đó gần như gia đình tôi mất trắng, bởi vải chín rộ nhưng có bán được đâu.
Người nông dân vốn đã phải “một nắng, hai sương” làm lụng quanh năm vất vả với ruộng, vườn, chỉ mong sao đến ngày thu hoạch sẽ tiêu thụ được sản phẩm để sinh sống và phát triển kinh tế. Nhưng chỉ vì một bài báo với những thông tin chưa chính xác mà dẫn đến những thiệt hại vô cùng lớn cho người nông dân.
Thiết nghĩ, trong thời đại công nghệ số hiện nay, các nhà báo cần phải thực hiện đúng đạo đức nghề làm báo, không chỉ đối với toàn xã hội mà đối với nông dân cũng rất cần những bài báo thật sự chính xác, lan tỏa để những sản phẩm nông nghiệp không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Lấy mong muốn của một chủ trang trại trồng vải trên vùng đất Lục Ngạn làm câu kết: “xin đừng đưa thông tin chưa chính xác để làm khổ nông dân chúng tôi”, để mong rằng vấn nạn tin giả, tin chưa chính xác sẽ không làm tổn hại đến Đất nước và thiệt hại đến người nông dân.
Muốn vậy, các nhà báo, cơ quan báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng vào cuộc để đưa những thông tin chính xác nhất, nhanh nhạy nhất đến độc giả, cùng đồng hành để phản bác những thông tin không chính xác và các cơ quan quản lý Nhà nước phải xử thật nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả, thông tin chưa chính xác lên các trang mạng xã hội và trên các ấn phẩm.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.
Hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và nhân kỷ niệm 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai trồng hơn 1.000 cây xanh có hoa, lá màu sắc đẹp trên núi Kim Phụng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.