Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Qua đó thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Hiệu quả vốn vay
Gia đình chị Lưu Thị Hằng ở thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch) vay vốn NHCSXH theo 2 chương trình: Chương trình giải quyết việc làm (GQVL) 70 triệu đồng và Chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn 20 triệu đồng. Chị đầu tư làm chuồng trại nuôi chim cút, hiện tổng đàn hơn 2 vạn con cùng với 3 lò ấp trứng.
Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, cơ sở của chị Hằng chỉ còn 1 lò ấp hoạt động, thuê 2 lao động với mức thù lao 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở của chị có cả bán buôn và bán lẻ; khách hàng bán buôn thường xuyên đến lấy trứng, còn bán lẻ, chị giao cho các sạp hàng tại chợ, cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội với giá 95.000 đồng/100 quả bán lẻ, 80.000 đồng/100 quả bán buôn. Tổng thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/tháng.
Chị Trương Thị Thảo, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Mạch, cho biết: Chị Hằng là một trong số hội viên vay vốn NHCSXH. Khi biết được nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, Hội đã tư vấn cho chị Hằng vay vốn Chương trình GQVL. Tôi phụ trách 3 thôn và 8 tổ vay vốn với dư nợ trên 11 tỷ đồng. Hội viên vay vốn đều có trách nhiệm trả lãi, trả gốc đều đặn, không nợ đọng. Đáng chú ý là, trong 3 thôn tôi phụ trách không còn hộ nghèo, hộ khá - giàu ngày một tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã Đại Mạch phát triển.
Chúng tôi đến thăm làng nghề làm đậu phụ làng Chài (xã Võng La), nghề gắn bó với mảnh đất này đã hàng trăm năm. Với bí quyết riêng của người làng nghề, sản phẩm đậu phụ có vị ngon khác biệt. Dù trải qua bao thăng trầm, người dân làng Chài vẫn giữ được nghề và có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày một nâng lên.
Bí thư Đoàn xã Võng La Phan Văn Đạt, Giám đốc HTX thanh niên Võng La, khá thành công với mô hình làm đậu phụ. Với ý tưởng giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, anh Đạt cùng 6 thanh niên thành lập HTX thanh niên Võng La.
Ngoài nguồn vốn đóng góp cùng với 7 suất được vay theo Chương trình GQVL 350 triệu đồng từ NHCSXH, các anh đầu tư máy móc, trang thiết bị khoảng 700 - 800 triệu đồng. HTX sản xuất đậu phụ kết hợp cách làm truyền thống của làng nghề cùng với vận dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm tốt nhất cung cấp cho người tiêu dùng.
Anh Đạt chia sẻ, làm đậu cần lựa chọn kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, hạt đậu tương phải đồng đều, vỏ mỏng vàng nhẵn bóng, sau đó phơi khô giòn, ngâm nước đến độ ẩm 55 - 60%. Đậu tương đem xay, pha đông kết nước giống lên men tự nhiên. Từ những hạt đậu nành chất lượng tạo nên miếng đậu phụ tươi sạch, giàu dinh dưỡng, chắc, béo, bùi, không có bã và bảo quản được lâu hơn so với sản phẩm đậu cùng loại.
HTX cung cấp ra thị trường nhiều dòng sản phẩm như: đậu phụ trắng, đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy, đảm bảo 3 không: không chất phụ gia, không chất bảo quản, không thạch cao. Đáng chú ý khi cả 3 sản phẩm trên đều được UBND TP. Hà Nội đánh giá phân hạng 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX tạm dừng hoạt động. Từ đầu năm nay, hoạt động trở lại, với 6 lao động thường xuyên, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các bếp ăn trường học, doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ngày, cao điểm bán được 1 tấn đậu/ngày.
Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô cung cấp thức ăn cho các trường học, do vậy, cần nhiều vốn; bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển sản phẩm đậu, góp phần giữ gìn làng nghề đậu Chài Võng La.
Tập trung cho vay GQVL
Xác định chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay GQVL là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đông Anh luôn chủ động phối hợp với UBND các xã, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời, hàng năm căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Phòng giao dịch thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao.
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đông Anh, tổng nguốn vốn cho vay đến 31/3/2022 đạt 518.445 triệu đồng, tăng 6.072 triệu đồng so với đầu năm; nguồn vốn huy động đạt 59.810 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 31/3/2022 đạt 571.945 triệu đồng, tăng 5.932 triệu đồng so với đầu năm, trong đó: dư nợ cho vay giải quyết việc làm 300.828 triệu đồng; dư nợ nước sạch - VSMTNT 121.091 triệu đồng; hộ cận nghèo 11.569 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo 53.302 triệu đồng…
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đông Anh, cho biết: Hướng tới mục tiêu mở ra cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu đề xuất để tăng nguồn vốn cho vay GQVL làm từ Trung ương, kiến nghị UBND huyện quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định dự án cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Tính đến hết năm 2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đông Anh đã cho trên 12.000 lượt hộ vay vốn, góp phần thu hút gần 7.500 lao động. Trong đó, cho vay 226 hộ cận nghèo, 1.141 hộ mới thoát nghèo, 51 hộ vay là người khuyết tật; cho vay giải quyết việc làm 5.874 lượt hộ, cho vay nước sạch - VSMTNT trên 6.700 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới trên 13.500 công trình nước sạch, công trình VSMTNT; hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cải tạo 175 căn nhà ở cho hộ nghèo… |