Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 1 năm 2018 | 9:55

Người trồng hoa cảnh Nam Bộ đã sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán

Thời điểm cuối năm, cũng là lúc những người trồng hoa, cây cảnh tại các tỉnh bước vào những khâu chăm sóc cuối cùng để đưa sản phẩm ra phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên Đán. Ngược lại, nhiều hộ dân đang đứng trước khó khăn khi giá của nhiều loại cây – con xuống thấp, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của các hộ dân.

Hoa cảnh sẵn sàng cho tết Nguyên Đán 2018

Bà Rịa – Vũng Tàu: Những ngày cuối năm, người dân tại làng hoa truyền thống phường Kim Dinh của TP. Bà Rịa đang tất bật chăm sóc những khâu cuối cùng để đưa sản phẩm ra phục vụ người dân dịp tết. Dịp tết Nguyên Đán 2018, hộ dân trồng hoa cảnh nơi đây đang kỳ vọng một mua hoa tết bội thu.

Năm nay, người dân Kim Dinh trồng hoa cảnh trên diện tích hơn 20ha tăng 5ha so với năm ngoái và tập trung chủ yếu ở các khu phố như Hải Dinh, Kim Sơn, Kim Hải. Mỗi năm, làng hoa Kim Dinh cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận hàng triệu chậu cúc, vạn thọ, lay ơn… lớn nhỏ. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, người dân Kim Dinh dự tính đưa ra thị trường hơn 6.000 chậu hoa cúc, vạn thọ, lay ơn, hoa hồng.

Nhiều làng hoa trong khu vực Đông Nam Bộ đang hoàn tất những khâu chăm sóc cuối cùng để đưa hoa cảnh phục vụ người dân dịp Tết Âm lịch 2018

Bên cạnh những loại truyền thống trong dịp tết, năm nay người trồng hoa ở Kim Dinh đã mạnh dạn đầu tư hàng nghìn củ hoa ly ly nhập từ Hà Lan để kinh doanh vụ hoa tết. Dự tính mỗi cặp hoa ly ly năm nay được bán với giá 120.000 - 200.000 đồng, thu về cho mỗi người dân ở Kim Dinh số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo nhận định chung, năm nay trung bình giá mỗi loại hoa tăng 10% - 20% cộng với chi phí chăm sóc hoa ít hơn năm ngoái nên người dân hy vọng sẽ trúng lớn vụ hoa tết.

TP. Hồ Chí Minh: Những nông dân làng hoa kiểng trên địa bàn thành phố đang hoàn thành nhiều công đoạn để xuất ra thị trường những sản phẩm đẹp. Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, những sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sắp được đưa ra thị trường. Theo đó, Hóc Môn có truyền thống sản xuất mai vàng lâu đời, diện tích trồng mai đạt hơn 28ha trong đó có mai ghép và mai nguyên liệu được tập trung ở các xã như Tân Hiệp, Đông Thạnh, Nhị Bình, Bà Điểm. Cũng giống như nhiều vùng trồng hoa khác trong khu vực Đông Nam Bộ, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi do đó hàng ngàn chậu mai được chăm sóc kỹ càng đang chờ xuống phố để bung hoa khoe sắc.

Tại tỉnh Đồng Nai: Hai vùng trồng hoa tết nổi tiếng tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và xã Bảo Hoà (huyện Xuân Lộc) cũng đang tích cực chăm sóc những giống hoa như Păng xê, vạn thọ, mào gà, cúc pha lê…. Để đưa ra thị trường vào tết âm lịch. Nhiều hộ dân hiện đang dành nhiều thời gian ở vườn để chăm sóc hoa. Niên vụ hoa tết phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, tiết trời lạnh, mưa trái mùa, sương mù, sâu bệnh cùng cũng là những nguyên nhân khiến hoa khó ra hoa đúng dịp tết. Đòi hỏi, người trồng hoa phải quan sát, chăm sóc cho phù hợp. Với 2 làng trồng hoa tại 2 huyện của tỉnh Đồng Nai, nơi đây đã cung ứng cho thị trường lượng lớn hoa các loạI với nhiều màu sắc và tạo hình khác nhau.

Bình Phước: Giá dê xuống thấp, người nuôi gặp khó khăn

Thời điểm đầu năm 2018, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đang điêu đứng khi thương lái thu mua giá dê hơi chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoài. Chính giá dê hơi xuống thấp, kéo theo giá dê giống không có người mua. Cụ thể, tại xã Thiện Hưng đàn dê có số lương hơn 10.000 con, được phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, giá dê tụt mạnh tác động đến kinh tế người chăn nuôi. Theo đó, giá hiện xuống thấp khoảng 70 - 80 ngàn đồng/kg dê đực, dê cái khoảng 40 ngàn đồng/kg nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng bám trụ để chờ dê tăng giá.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, hiện nay toàn huyện có hơn 43.000 con dê, tăng 20% so năm 2016. Việc đàn dê phát triển nhanh trong thời gian qua gây bão hòa thị trường tiêu thụ khiến giá dê xuống thấp. Do vậy, các cấp, ngành huyện Bù Đốp đã định hướng nông dân chú trọng chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, thành lập các tổ liên kết để hỗ trợ kinh nghiệm, trao đổi khoa học - kỹ thuật và tìm đầu ra ổn định.

Tây Ninh: Người nông dân bỏ trồng mía và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Do giá cả xuống thấp, trồng mía không có lãi như những năm trước, nhiều nông dân trồng mía trong tỉnh Tây Ninh hiện thu hoạch tới đâu đã cho phá bỏ mía gốc (vụ ba) để chuyển sang trồng mì, hoặc các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này gây nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu chế biến mía đường trong những năm tới.

Do giá thu mua mía đường từ phía nhà máy xuống thấp, nhiều người dân tại tỉnh Tây Ninh đang phá mía để trồng cây khác có nguồn lợi cao hơn, điều này có thể gây thiếu nguồn nguyên liệu trong năm tới

Lý do người dân phá mía để trồng những loại cây khác được cho là do giá thu mua của nhà máy (thuộc Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa) năm nay chỉ 900.000 đồng/tấn (10CCS), nên sau khi tính toán trừ chi phí người trồng mía không còn khoản thu nhập nào, thậm chí còn bị lỗ.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, diện tích trồng mía năm nay trên địa bàn tỉnh có thể giảm mạnh do giá thu mua nguyên liệu thấp, nông dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng gặp không ít khó khăn do giá đường xuống thấp. Sắp tới, khi thuế nhập khẩu đường sẽ xuống còn 0% do Việt Nam thực hiện cam kết theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, giá đường sẽ còn giảm sâu, ngành chế biến mía đường buộc giảm giá thành sản xuất bằng cách giảm giá mua nguyên liệu đầu vào, đòi hỏi người trồng mía phải tính toán lại chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất./.

Lại Hùng (tổng hợp)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top