Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2019 | 11:3

Vụ đấu giá Khu dân cư Hoà Lân: Dấu hiệu sai phạm của “nhóm liên minh”

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm vụ đấu giá đất tại Khu dân cư Hoà Lân, vừa qua Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) đã có đơn tố cáo gửi ngành chức năng và cơ quan báo chí về việc cố ý làm trái pháp luật.

Lộ diện “nhóm liên minh”

Theo đơn tố cáo của Công ty Thiên Phú, ông Phạm Đăng Bộ với vai trò giám đốc Agribank Chợ Lớn đã cùng các cá nhân câu kết thực hiện hành vi chiếm đoạt Dự án khu dân cư Hòa Lân. Cụ thể, từ việc cố ý làm trái trong thực hiện hợp đồng tín dụng cho đến việc đưa tài sản thế chấp ra bán đấu giá trái pháp luật nhằm chiếm đoạt trái phép tài sản có giá trị hàng ngàn tỷ đồng của Công ty Thiên Phú, gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, Công ty Thiên Phú là chủ đầu tư 3 dự án BĐS có vị trí tại tỉnh Bình Dương gồm dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4; Dự án Khu dân cư Cầu Đò và Dự án Khu dân cư Hòa Lân. Trong đó, dự án Khu dân cư Hòa Lân có tổng diện tích là 490.765,1 m2 (đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 218.964,7 m2; đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất là 246.853,1 m2).

Do biến động của thị trường, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán với ngân hàng nên Công ty Thiên Phú đã đồng ý để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) tổ chức bán đấu giá thu hồi tiền nợ vay theo quy định của pháp luật. Lúc này, Agribank Chợ Lớn đã chỉ định Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đứng ra bán đấu giá tài sản ở cả 03 Dự án nói trên.

Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn có nhiều dấu hiệu là “sân sau” của Agribank Chợ Lớn. Cụ thể là ông Nguyễn Việt Hưng đang là cán bộ Agribank Chợ Lớn (Thành viên ban xử lý nợ) thời điểm đó nắm giữ 76% vốn điều lệ. Mục đích thành lập ra Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn là để cùng vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh – ông Nguyễn Thuận thâu tóm trái phép 03 dự án của công ty Thiên Phú.

Cụ thể, ngày 05/12/2014, thông qua bán đấu giá (trong đó định giá cả đất không thu tiền vào giá bán) đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất của Dự án Khu dân cư Cầu Đò, tổng diện tích là 465.620,4 m2 (đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 287.260, 6 m2; giao không thu tiền sử dụng đất là 178.359,5 m2);

Tiếp đến, ngày 9/10/2015 cũng phương thức trên đã đem bán toàn bộ quyền sử dụng đất của Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 có tổng diện tích là 355.918,59 m2 (đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 176.045,99 m2; không thu tiền sử dụng đất là 179.872,6 m2);

Chưa dừng lại, ngày 25/5/2015, nhóm liên minh Agribank Chợ Lớn, Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thông qua hình thức bán đấu giá để thâu tóm tiếp Dự án Khu dân cư Hòa Lân có diện tích 490.765,1 m2 (đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 218.964,7 m2; đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất là 246.853,1 m2).

Vụ đấu giá tại dự án Khu dân cư Hoà Lân hiện có nhiều khuất tất, hiện Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.
Vụ đấu giá tại dự án Khu dân cư Hoà Lân hiện có nhiều khuất tất, hiện Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.

 Qua tìm hiểu, được biết Công ty TNHH Địa ốc Thuận Lợi (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Thuận Lợi) do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc đã mua Dự án Mỹ Phước 4 theo Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 11/2014/HĐMBTSBĐG ngày 16/10/2015 với giá 77 tỷ đồng; Dự án Cầu Đò theo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 16/2014/HĐMBTSBĐG ngày 05/12/2014 với giá hơn 232 tỷ đồng. Tổng cộng 309 tỷ đồng.

Sau đó, ngày 25/5/2017, bà Đặng Thị Kim Oanh đã mua tiếp dự án Khu dân cư Hòa Lân với giá 1.353 tỷ đồng. Tổng cộng cả 03 dự án của Công ty Thiên Phú đều bị “liên minh” ngân hàng Agribank Chợ Lớn, Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn và hai công ty của vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh – ông Nguyễn Thuận thâu tóm với giá rẻ mạt chỉ với giá 1.662 tỷ đồng.

Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Cũng theo đơn tố cáo của Công ty Thiên Phú, trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng của nhà nước gây thất thoát lãng phí và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Minh chứng được dẫn ra, việc vi phạm trong thực hiện hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD được ký ngày 26/3/2007 khiến Công ty Thiên phú trở thành nạn nhân của ngân hàng Agribank Chợ Lớn. Hợp đồng tín dụng này được ký dựa trên Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 03/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để vay 738,2 kg vàng hạt (tương đương 250 tỷ đồng hoặc tương đương số vàng là 18.634,266 lượng vàng AAA hoặc SJC).

Hợp đồng tín dụng này có thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 25/10/2010. Tuy nhiên, ngày 29/10/2010, NHNN ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 29/10/2010 và thay thế cho Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1, theo đó NHNN chỉ cho phép tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn bằng vàng đối với mục đích sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, các HĐTD cho vay theo QĐ 432/2000/QĐ-NHNN1 được thực hiện cho đến khi hết thời hạn HĐTD.

Theo quy định của pháp luật, Ngân hàng Agribank không được tiếp tục duy trì HĐTD kể từ ngày 26/10/2010 (HĐTD 28.0307.15/HĐTD hết thời hạn vào ngày 25/10/2010) và chậm nhất phải quy đổi dư nợ bằng vàng ra VND tại ngày 29/10/2010 (ngày hiệu lực của Thông tư 22/2010/TT-NHNN). Tuy nhiên, sau ngày 29/10/2010 Ngân hàng Agribank vẫn tiếp tục duy trì HĐTD cho vay 18.634,266 lượng vàng (ngày 11/01/2013 Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú tiếp tục ký Phụ lục số 28.0307.15/06/PKHĐ của HĐTD quy định tổng số vàng cho vay là 18.634,266 lượng vàng và đến ngày 31/12/2013 Agribank Chợ Lớn mới quy đổi vàng ra VNĐ như văn bản thông báo ngày 18/04/2019 Agribank Chợ Lớn). Điều này cho thấy nhiều dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

 

Liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực dự trữ và cho vay vàng thời điểm này, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận thanh tra số 3117/KL-TTCP ngày 24/12/2013 cho rằng Agribank Chi nhánh Chợ Lớn đã vi phạm quy định về cho vay vàng. Cụ thể, vi phạm của ông Phạm Đăng Bộ trong trường hợp này: “Ngân hàng Nông nghiệp đã thiếu trách nhiệm khi thực hiện xử lý rủi ro: ngày 26/12/2008 NHNo chuyển cho chi nhánh Chợ Lớn 560.937,690 triệu đồng (tức là 560.937.690 000, 000 đồng để mua 318.714,597 chỉ vàng cho xử lý rủi ro (theo giá vàng tại thời điểm chuyển là 1,76 triệu đồng/chỉ). Tuy nhiên, NHNo không chỉ đạo chi nhánh Chợ Lớn khẩn trương mua vàng và chi nhánh đã không thực hiện đúng việc mua vàng theo mục đích xử lý rủi ro. Chính vì vậy, đến thời điểm 20/6/2012 chi nhánh Chợ Lớn mua được 80.000 chỉ vàng, số còn lại chưa mua 238.714,597 chỉ vàng, tương đương 363.998 triệu đồng (tức là 363.998.000.000 đồng). Như vậy do không mua vàng ngay tại thời điểm 26/12/2008 dẫn đến hậu quả phải bỏ thêm chi phí hàng trăm tỷ đồng (363.998.000.000 đồng) mới có thể mua đủ số vàng theo yêu cầu xử lý rủi ro”.

Theo kết luận này, ông Phạm Đăng Bộ đã gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền là gần 364 tỷ đồng. Với nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành Agribank Chi nhánh Chợ Lớn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý hình sự đối với ông Phạm Đăng Bộ.

Ngoài ra, vi phạm pháp luật trong ký hợp đồng thế chấp tài sản (Agribank buộc thế chấp cả đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất). Ngày 15/3/2011 Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn đã ký hợp đồng thế chấp tài sản số 6220 – LAV – 200300/TC tại Văn phòng Công chứng số 01 tỉnh Bình Dương đối với đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất của 03 Dự án nêu trên với tổng diện tích 707,219 m2, được thống nhất giá là 1.079.569 triệu đồng.

Cùng ngày 15/3/2011  Agribank Chợ Lớn lập hợp đồng thế chấp tài sản số 6220 – LAV – 201130011/TC không công chứng (ký tay) đối với đất ‘Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất” với tổng diện tích là 605.085,10 m2 và yêu cầu Công ty Thiên Phú ký thế chấp trái pháp luật vi phạm khoản 2 Điều 109 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Mặt khác, Công ty Thiên Phú tố cáo vi phạm pháp luật trong định giá tài sản. Cụ thể, việc định giá cả đất công, đem bán đấu giá. Cụ thể, Công ty Thiên Phú phát hiện Agribank chi nhánh Chợ Lớn đã đem cả đất không thu tiền sử dụng đất để định giá và lấy kết quả này để đem làm báo giá (nội dung chi tiết trong Kết luận 62/TTr-BTP không phát hiện để đưa vào kết luận thanh tra) dẫn đến hàng loạt sai phạm sau này.

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top