Chỉ biết xót xa nhìn những cây “tiền tỉ” của mình chết dần, chết mòn mà không có cách cứu vãn, đó là thực trạng buồn của không ít chủ vườn trồng tam thất ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai).
Anh Chùa xót xa nhìn những cây tam thất của mình bị chết dần mà không có cách cứu chữa.
Cây mang hy vọng thoát nghèo
Ông Giàng Seo Sì (thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai) là người có công mang cây tam thất về địa phương. Trong quá trình đánh trâu sang tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) để bán rồi nhập ngựa từ nước bạn về, thấy người dân huyện Mã Quan, Châu Vân Sơn (cái nôi tam thất của Trung Quốc) giàu “nứt đố đổ vách” từ tam thất, ông Sì quyết tâm học bằng được bí quyết trồng loại dược liệu “hái ra tiền” này.
Năm 2013, ông Sì bắt đầu trồng những cây tam thất đầu tiên. Sau 8 tháng, cây trổ bông trắng muốt, ông cắt được gần 1 tạ nụ hoa bao tử tươi, đổ buôn cho thương lái được 40 triệu đồng. Đáng mừng hơn, củ tam thất đã to gấp 3 lần lúc mới trồng. Tháng 11/2015, ông thu hoạch toàn bộ diện tích cây tam thất, sản lượng đạt hơn 5 tấn củ tươi. Với giá trung bình trên thị trường khoảng 500.000 đồng/kg củ tam thất tươi, trừ chi phí ông còn thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Việc ông Sì tự bỏ tiền đầu tư trồng cây tam thất đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng và nhiều hộ dân ở Si Ma Cai. Mô hình của ông liên tục đón đoàn cán bộ của huyện, tỉnh, Trung ương đến tham quan, học tập.
Ông Giàng Seo Châu, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, chia sẻ: “Chi phí đầu tư cho 1ha trồng tam thất từ 500 - 700 triệu đồng. Nếu chỉ tính trọng lượng trung bình mỗi củ là 20g (tương đương 50 củ/kg), một ô sẽ cho thu hoạch 7kg củ. Với giá trên thị trường khoảng 300.000-400.000 đồng/kg, doanh thu đạt ít nhất 1,7 tỷ đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng”.
Cứu cây “tiền tỷ”
Cũng từ “cái liều” của ông Sì mà hiện tại huyện Si Ma Cai phát triển được 7,5ha diện tích trồng cây tam thất. Tuy nhiên, do đây là loại cây mới, chưa rõ kỹ thuật trồng nên hiện nay nhiều bà con đang lao đao do cây mắc bệnh lạ.
Đơn cử như anh Giàng Seo Chùa ở xã Mản Thẩn, cách đây 2 năm, anh cùng với một vài anh em chung vốn đầu tư thuê đất, tạo mái che để mua giống cây tam thất về trồng trên diện tích 1ha với chi phí hơn 600 triệu đồng. Qua 2 năm, diện tích tam thất của gia đình anh phát triển, tăng trưởng tốt, đặc biệt cây đã cho hai vụ hoa và lá, anh thu được gần 100 triệu đồng. Dự tính theo đà này, chỉ đầu năm 2017 gia đình anh sẽ thu hoạch lứa củ tam thất đầu tiên. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, hơn một tháng qua, vườn tam thất của gia đình anh Chùa có hiện tượng vàng lá, thân cây chết dần, thối củ, ban đầu chỉ là đám nhỏ rồi lan rộng ra hàng trăm mét vuông, xen giữa các luống khắp vườn.
Anh Chùa xót xa: “Tất cả tài sản gom góp được chúng tôi đều đầu tư vào loại cây này nhưng không hiểu sao hơn 1 tháng qua cây bị vàng lá, thân cây chết dần và thối củ. Xót của, chúng tôi tìm đến một số nơi hỏi mua thuốc nhưng không có. “Kêu cứu” lên ngành chức năng nhưng họ cũng “lực bất tòng tâm”.
Không chỉ vườn tam thất nhà anh Chùa mắc chứng bệnh trên mà rất nhiều vườn tam thất ở các xã Quan Thần Xán, Màn Xán,… đều có hiện tượng tương tự.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Khi diện tích tam thất có hiện tượng thối củ, chúng tôi đã báo cáo lên Sở và các ban ngành khác. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận cụ thể cũng như biện pháp xử lý loại bệnh này. Chúng tôi chỉ biết khuyến cáo các hộ trồng khi phát hiện nên đào bỏ, thậm chí tiêu hủy những cây dịch bệnh tránh lây lan ra diện rộng”.
Cây mang hy vọng thoát nghèo nhưng giờ đây lại khiến nhiều nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng. Đây cũng là bài học cho không ít nông dân quá nôn nóng phát triển theo phong trào mà chưa tìm hiểu rõ quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Thiết nghĩ, ngành chức năng huyện Si Ma Cai cần sớm phối hợp với các nhà khoa học tìm hiểu cách phòng trị loại bệnh này để cứu diện tích tam thất của bà con, giúp bà con ổn định sản xuất.
Nhất Nam
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.