Nộp tiền để được đấu nối sử dụng nước sạch gần 2 năm nay nhưng hàng trăm hộ dân xã An Mỹ (Bình Lục - Hà Nam) vẫn chưa được lắp đặt hệ thống cung cấp nước, trong khi chính quyền xã đổ lỗi cho Trung tâm nước sạch, còn Trung tâm nước sạch lại “tố” xã nợ tiền nên không lắp cho người dân.
Nhà máy nước sạch tại xã Đồng Du (Bình Lục, Hà Nam).
Mỏi mòn chờ nước
Cuối năm 2013, người dân 5 xã: Đồng Du, Tràng An, Bình Nghĩa, Đồn Xá, An Mỹ của huyện Bình Lục vui mừng khi được UBND tỉnh Hà Nam cho phép xây dựng nhà máy cấp nước sạch đóng tại xã Đồng Du với công suất 4.500m3/ngày đêm. Dự án có tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam làm chủ đầu tư.
Khi dự án đi vào hoạt động, người dân hứng khởi, bảo nhau bỏ nước mưa, lấp giếng khoan để dùng nước sạch. Nhiều người dân trong các xã đã đăng ký để được lắp đặt đường ống sử dụng nguồn nước sạch này. Vào đợt đầu, có hàng nghìn hộ dân đăng ký, thấy nước sạch sinh hoạt tiện lợi, người dân nhiều xã bắt đầu đăng ký đợt hai.
Tuy nhiên, tại xã An Mỹ, các hộ dân đã đóng tiền đợt hai để đăng ký lắp đặt hệ thống nước sạch được gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được dùng nước.
Theo phản ánh của người dân xã An Mỹ, vào đầu tháng 9/2015, hơn 100 hộ dân trong xã đến nộp 968.000 đồng/hộ cho xã để đăng ký đấu nối sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch liên xã.
Đóng tiền, chờ mãi không thấy bất kỳ cơ quan nào đứng ra đấu nối cho các hộ dân, nhiều gia đình kiến nghị đến xã nhưng vẫn không ăn thua. Đến nay, việc đấu nối, lắp đặt nước sạch cho các hộ dân này bị rơi vào quên lãng.
Ông Nguyễn Văn Ân, người dân trong xã, cho biết: “Nhà tôi rất mong có nước sạch sử dụng, nhưng không hiểu họ thu tiền của chúng tôi làm gì mà suốt mấy năm trời không cung cấp nước, bây giờ nước giếng khoan bơm lên có mùi tanh không thể dùng được mà nước sạch thì chẳng thấy đâu”.
Trong khi đó, nhiều hộ dân đã đăng ký lắp đặt đợt một cũng bắt đầu có ý kiến về chất lượng nước của công trình này không đảm bảo.
Đổ lỗi cho nhau, dân chịu thiệt
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND xã An Mỹ, cho biết: “Trước đây, nguồn nước ngầm của địa phương bị ô nhiễm thì vấn đề thiếu nước sạch thật sự đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi có nước máy, nỗi lo cũng chẳng giảm đi vì chất lượng nước chưa đảm bảo. Hơn thế nữa, hiện nay các hộ dân nộp tiền đợt một đã có nước, còn đợt hai có 141 hộ đã đóng tiền nhưng vẫn chưa được cấp nước. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đề nghị sớm cung cấp nước cho người dân theo cam kết nhưng cơ quan này không có bất cứ câu trả lời nào. Không còn cách nào khác, số tiền thu của dân UBND xã chỉ biết gửi vào ngân hàng”.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Nam, cho biết: “Việc người dân nộp tiền mà chưa được cấp nước sạch là do UBND xã An Mỹ còn nợ chủ đầu tư 500 triệu đồng trong việc đấu nối 956 công tơ cho các hộ dân trong xã, địa phương nhùng nhằng không chịu thanh toán nên chủ đầu tư không tiếp tục đấu nối cho các hộ dân còn lại. Các hộ dân nộp tiền đợt hai của UBND xã An Mỹ không nằm trong dự án ban đầu, đây là các hộ đăng ký thêm, nhiều lần chúng tôi làm việc với xã là hãy giải quyết dứt điểm các tồn đọng nợ cũ. Sau khi quyết toán xong chúng tôi mới giải quyết các hộ còn lại”.
Về việc người dân phản ánh chất lượng nước không đảm bảo, ông Thắng cho hay: “Nguyên nhân khiến nước sạch bị đục bẩn là do một đơn vị làm đường khi thi công đã làm vỡ đường ống nước. Khi vá đường ống, nhà máy không tiến hành súc xả đầy đủ dẫn đến nước bị bẩn và nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm”.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin vụ việc.
Trung Hiếu
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.