Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2019 | 13:52

Xây dựng trái phép, không phép ở TP. HCM: Buông lỏng hay “nhờn luật”?

Thời điểm hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, tại nhiều quận trên địa bàn thành phố, việc xây dựng, cơi nới sai phép, không phép vẫn diễn ra, chưa có dấu hiệu của việc sẽ xử lý dứt diểm.

 

tr10.jpg
Khu đất hơn 1,8ha đang tranh chấp tại phường Bình Trưng Đông (quận 2) dựng rào kiên cố, các hoạt động xây dựng sai phép diễn ra bất chấp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất của ngành chức năng.

 

Ngang nhiên xây dựng không phép

Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã vào cuộc tìm hiểu Trung tâm hội nghị, tiệc cưới Riverside Palace tại số 360 - 360D Bến Vân Đồn (phường 1, quận 4) cơi nới, lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan và vi phạm trật tự xây dựng. Điều đáng nói, việc xây dựng không phép, lấn chiếm vỉa hè diễn ra ngang nhiên và chỉ cách UBND phường 1 “vài bước chân”.

Mới đây, UBND phường 1 đã có văn bản trong đó nêu rõ việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông (Riverside) đã có hành vi lắp dựng công trình khung thép, vách kính, mái kính + tôn tại địa chỉ trên nhưng không có giấy phép xây dựng.

Sát với ngày phóng viên đặt câu hỏi, UBND phường 1 mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông về hành vi xây dựng không có Giấy phép xây dựng. Đồng thời, UBND phường này có Tờ trình gửi UBND quận 4 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tiếp đến, UBND quận 4 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức vi phạm là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm, cụ thể: Phần xây dựng công trình khung sắt, vách kính, mái kính + tôn với diện tích (7.82 +7.02)/2 x 35,2m = 261.184m2 tại số 360 - 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. Thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”.

Ngày 16/9, phóng viên liên hệ với Chủ tịch UBND phường 1, để có thông tin về việc tự khắc phục tháo dỡ công trình vi phạm tiến độ thực hiện ra sao? Nếu chủ đầu tư không tự khắc phục, hướng giải quyết tiếp theo của chính quyền sở tại là gì? Tuy nhiên, không nhận được câu trả lời từ Chủ tịch phường này.

Căng tin “biến” thành... nhà hàng

 

tr10a.jpg
Trung tâm hội nghị tiệc cưới có phần xây dựng không phép sát UBND phường 1, quận 4.

 

Một vụ việc tương tự, diễn ra tại Công ty CP Tập Đoàn Capella (trước đây là Công ty Địa ốc Bến Thành), chủ đầu tư cao ốc The One Sai Gon (đường Ký Con, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tự ý mở rộng diện tích khu căng tin, văn phòng, kỹ thuật tại tầng 21, 22, 23 và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng… sai mục đích, không được cơ quan chức năng cấp phép. Hiện Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận 1 xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND TP. Hồ Chí Minh xin ý kiến chỉ đạo. 

Trước đó, người dân sống trong cao ốc The One SaiGon phản ánh, chủ đầu tư tự ý kinh doanh hai quán bar trên tầng 21 và tầng thượng của tòa nhà không kiểm soát được âm thanh, tiếng ồn khiến cuộc sống của cư dân bị ảnh hưởng. Hai quán bar còn sử dụng thang máy của tòa nhà để đưa khách lên xuống khiến việc đi lại của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, theo các cư dân, việc cơi nới này diễn ra gần 3 năm qua, cư dân nhiều lần phản ánh đến UBND quận 1 và Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Xây dựng trên đất đang tranh chấp

Liên quan đến việc tranh chấp tại khu đất hơn 1,8ha tại khu vực phường Bình Trưng Đông (quận 2) giữa Công ty CP Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ và Công ty TNHH Ngôi Sao Sài Gòn với Chùa Long Vĩnh, Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh, hiện đang được TAND TP. Hồ Chí Minh giải quyết. Tuy nhiên, việc xây dựng trên đất đang tranh chấp cũng như việc chính quyền địa phương chấp thuận cho xây dựng trên phần đất này vẫn diễn ra bất chấp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

 

tr10b.jpg
Công ty CP Tập đoàn Capella (trước đây là Công ty Địa ốc Bến Thành), chủ đầu tư cao ốc The One Sai Gon,  “biến” căng tin thành... nhà hàng.

 

Cụ thể, ngày 1/11/2017, UBND phường Bình Trưng Đông ra Thông báo số 215/TB-UBND nội dung: “Về việc xác định chủ đầu tư lắp dựng hàng rào tại vị trí thửa đất số 1000, tờ bản đồ số 3 (tài liệu 299TTg), phường Bình Trưng Đông, quận 2” để xác định chủ đầu tư, xử lý vi phạm. Đã xác định chủ đầu tư là Chùa Long Vĩnh nhưng UBND phường Bình Trưng Đông không xử lý, cưỡng chế theo quy định pháp luật, hàng rào vẫn tồn tại.

Trong biên bản làm việc giữa UBND phường Bình Trưng Đông với các bên liên quan trước đây, ông Huỳnh Công Nghĩa, Phó chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông xác định: Hiện thửa đất trên đang được tòa án xem xét giải quyết đơn tranh chấp, đến nay chưa có quyết định cuối cùng. Do đó, UBND phường yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng, chờ kết quả giải quyết của tòa án. Nếu bên nào cố tình thay đổi hiện trạng đất làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến việc xây dựng trên phần đất tranh chấp, theo ông Nghĩa, “về việc lắp dựng tường rào, Chùa Long Vĩnh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tại UBND phường. Nếu không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng, yêu cầu nhà chùa tháo dỡ, trả nguyên hiện trạng cũ”.

Tuy nhiên, khi cơ quan báo chí đặt câu hỏi dựa vào cơ sở nào để phường cấp phép cho nhà chùa xây dựng tường rào trên thửa đất nông nghiệp mà nhà chùa đã bị bác đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất, ông Nghĩa đưa ra lý do: Bên phía nhà chùa có một số sư cô đang ở và sinh hoạt tại đây. Để đảm bảo an toàn, an ninh cho các sư cô, phường đã đồng ý cấp phép cho nhà chùa dựng tường rào, gắn camera an ninh… Thực tế, việc xây dựng này được làm trên phần đất không còn thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà chùa nên đây là lý do rất thiếu thuyết phục.

Bố trí lại cán bộ nơi xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chỉ thị 23 – CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ thị nhận diện rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực.

“Có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ; lực lượng môi giới, ”cò” bán đất, bán nhà trái pháp luật, các doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý” - chỉ thị nêu rõ.

Tương tự, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm về vi phạm xây dựng và tiêu cực ở địa phương. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận - huyện trong xử lý vi phạm vừa chồng chéo, vừa sơ hở, thiếu hiệu quả.

Chỉ thị nêu rõ, phường - xã - thị trấn nào xảy ra xây dựng không phép và sai phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, bố trí lại cán bộ ở nơi có nhiều vi phạm về trật tự xây dựng.

 


 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top