Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2019 | 13:33

Xây dựng trái phép tràn lan: Đừng để “nhờn luật”!

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan. Thậm chí, nhiều dự án đang có tranh chấp, mặc dù yêu cầu của ngành chức năng phải giữ nguyên hiện trạng nhưng việc xây dựng vẫn diễn ra.

tr10.jpg
Hoạt động xây dựng trái phép diễn ra tại chùa Long Vĩnh bất chấp yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng khu đất.

Việc xử lý không rốt ráo đã và đang có nguy cơ tạo thành tiền lệ xấu về vấn đề này.

Tràn lan xây dựng không phép, sai phép

Công trình tại số 360 - 360D Bến Vân Đồn (phường 1) vừa bị UBND quận 4 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức vi phạm là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm, cụ thể: Phần xây dựng công trình khung sắt, vách kính, mái kính + tôn với diện tích (7.82 +7.02)/2 x 35,2m = 261.184m2. Thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”.

Tuy nhiên, kể từ ngày ban hành Quyết định tự khắc phục hậu quả, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông vẫn không có bất cứ động thái gì để khắc phục.

Trong các ngày 25/9/2019, 01/10/2019, 8/10/2019, UBND phường 1 liên tục ban hành các văn bản thông báo về việc tháo dỡ công trình vi phạm tại 360 – 360D Bến Vân Đồn nhưng Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài ven sông không thực hiện tháo dỡ theo quy định.

Trước vấn đề này, UBND quận 4 đã ban hành Quyết định số 1460/QĐ-UBND-CCXD ngày 29/10/2019 về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. UBND quận 4 giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 thực hiện lập, trình thẩm định phương án tháo dỡ và dự toán kinh phí.

Mới đây, UBND quận 12 ban hành quyết định cưỡng chế 11 dự án, trong đó có dự án Khu nhà ở Gò Sao tại phường Thạnh Xuân. Tại dự án này, chính quyền địa phương yêu cầu chủ đầu tư của dự án này phải xử lý dứt điểm, tự khắc phục phần xây dựng sai phép. Tuy nhiên, mọi việc vẫn không nhúc nhích!

Ngày 20/11, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân Nguyễn Bá Đàn lại tiếp tục có thông báo về việc tổ chức cưỡng chế. Theo quyết định của quận, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhà mẫu dự án Khu dân cư Gò Sao. UBND phường Thạnh Xuân cũng yêu cầu Công ty Gia Cư phải di dời toàn bộ tài sản, vật tư ra khỏi công trình, tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trong trường hợp Công ty Gia Cư không tự nguyện chấp hành thì ngày 26/11/2019, UBND phường Thạnh Xuân sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, mọi thiệt hại và chi phí Công ty Gia Cư phải chịu. Tuy nhiên, sáng 26/11, một lần nữa UBND phường Thạnh Xuân đưa đoàn cưỡng chế đến rồi về.

Công ty Gia Cư cho rằng, dự án đang trong quá trình thực hiện pháp lý đầu tư và họ đang kiến nghị với các sở ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án. Đồng thời, công ty tiếp tục lý lẽ trường hợp các sở không thống nhất cho nhà mẫu của dự án được tồn tại do vi phạm trật tự xây dựng, công ty cam kết tự nguyện tháo dỡ trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản không đồng ý của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh.

Tại quận 2, vụ việc tranh chấp khu đất 1,8ha giữa chùa Long Vĩnh cho liên doanh Công ty CP Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ (gọi tắt là Công ty Lê Vũ) và Công ty TNHH Ngôi Sao Sài Gòn từ năm 2001 để làm dự án nhà ở. Tuy nhiên, thời điểm khu đất đang được TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết tranh chấp, chùa Long Vĩnh đã thuê doanh nghiệp vào tiến hành xây xây dựng.

Vấn đề này được thể hiện trong biên bản làm việc giữa UBND phường Bình Trưng Đông với các bên liên quan. Cụ thể, ông Huỳnh Công Nghĩa, Phó chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, xác định: Hiện thửa đất trên đang được tòa án xem xét giải quyết đơn tranh chấp, đến nay chưa có quyết định cuối cùng. Do đó, UBND phường yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng chờ kết quả giải quyết của tòa án. Nếu bên nào cố tình thay đổi hiện trạng đất làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

 

tr10a.jpg

Bất chấp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng của TAND quận 2, khu đất 1,8ha đang tranh chấp vẫn ngang nhiên xây dựng mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra, can thiệp nào của chính quyền phường Bình Trưng Đông.

 

Liên quan đến việc xây dựng trên phần đất tranh chấp, theo ông Nghĩa, “về việc lắp dựng tường rào, chùa Long Vĩnh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tại UBND phường. Nếu không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng, yêu cầu nhà chùa tháo dỡ, trả nguyên hiện trạng cũ”.

Trái với lời khẳng định của lãnh đạo UBND phường Bình Trưng Đông, ghi nhận của phóng viên vào sáng  24/10/2019, các hoạt động xây dựng bên trong khu đất vẫn được tiến hành. Thậm chí, phía bên ngoài hàng rào bằng tôn đã được dựng kiên cố thay cho hàng rào bằng lưới B40 trước đó. Thậm chí, việc xây dựng diễn ra công khai ban ngày và được đẩy nhanh tiến độ bằng việc tận dụng làm cả ca đêm bất chấp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng của ngành chức năng.

Đừng để doanh nghiệp “ngồi trên” luật pháp!

Liên quan đến dự án Khu nhà ở Gò Sao, ngày 03/7/2017, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND quận 12 ký công văn cho phép Công ty Gia Cư được xây dựng thi công tạm nhà mẫu để phục vụ thi công xây dựng công trình chính thì đến ngày 23/8/2019, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 ký Quyết định số 5378/QĐ-CCXP về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhà mẫu vì không có giấy phép xây dựng.

Trong khi nhiều lần trì hoãn việc cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt thì đến ngày 25/11/2019, Bộ Xây dựng có Văn bản số 366/BXD-HĐXD gửi Công ty Gia Cư cho rằng, công trình tạm phục vụ thi công công trình chính thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện phá dỡ công trình xây dựng tạm khi đưa công trình chính của dự án vào khai thác sử dụng theo quy định.

Lý giải điều này trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, dự án vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, có văn bản ủng hộ của Bộ Xây dựng. Theo kế hoạch, sáng 26/11, UBND phường Thạnh Xuân tổ chức cưỡng chế nhưng chủ đầu tư xin gia hạn đến cuối tháng 11 sẽ chấp hành. Vì thế, UBND P. Thạnh Xuân có xác lập biên bản cho chủ đầu tư tự xây dựng phương án tháo dỡ. Dự kiến, UBND quận 12 sẽ tổ chức cuộc họp với các sở ngành liên quan để thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

Dưới góc nhìn luật pháp, hiện nay, việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản.

Hiện hệ thống pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, các chế tài để xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng, kể cả đối với những trường hợp vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt thì vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các nghị định hướng dẫn về xử lý vi phạm trật tự xây dựng quy định rất chi tiết về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm, căn cứ và thẩm quyền xử lý vi phạm.

Bởi vậy, trường hợp để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thì chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, thanh tra xây dựng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn có chế tài hình sự để xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng nhà ở trái phép.

 

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top