Thời gian qua, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Niềm vui có nhà kiên cố
Tháng 3/2022, gia đình ông Phùng Vĩnh Kiên, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chính quyền địa phương, cùng với sự giúp đỡ nhân công xây dựng từ anh em trong dòng họ, đến nay, căn nhà đã hoàn thành. Được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, ông Kiên cùng gia đình quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hiện, trên địa bàn xã Thổ Bình không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Số gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt 98,6%. Cùng với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, những năm qua, xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tự chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xây dựng 3 công trình vệ sinh đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 98,4%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100%.
Anh Hứa Văn Thiện, ở thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp (Na Hang), cho biết, gia đình vừa được hỗ trợ làm ngôi nhà mới 75m2, tổng kinh phí trên 100 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của Tỉnh Đoàn, các nhà hảo tâm và số tiền tích cóp. Được tổ chức Đoàn cùng anh em dòng họ giúp đỡ về nhân công trong quá trình xây dựng, trong tháng 6 này, căn nhà cấp 4 vững chãi sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Tại xã Kiên Đài (Chiêm Hóa), trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí thứ 9 “Về nhà ở, dân cư” là một trong những tiêu chí khó. Để thực hiện được tiêu chí này, cần huy động rất lớn nguồn lực từ nhân dân, hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng, sửa chữa nhà ở, đảm bảo đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Đến nay, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. 671/810 hộ (đạt 83%) có nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Gia đình anh Hoàng Văn Tiến, ở thôn Làng Chang, xã Bạch Xa (Hàm Yên), là hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở. Nhằm giúp hộ nghèo xoá nhà tạm, làm nhà ở ổn định, huyện Hàm Yên và các tổ chức chính trị của huyện đã ủng hộ được 50 triệu đồng từ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động giúp gia đình anh Tiến có thêm kinh phí xây dựng ngôi nhà mới. Ngôi nhà cấp 4 diện tích 70m2 đang trong quá trình xây dựng. Không lâu nữa, gia đình anh Tiến có thể vào ở mà không lo mỗi khi mùa mưa tới.
Huy động mọi nguồn lực cùng tham gia
Thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Yên Sơn giai đoạn 2021-2025 là giải pháp quan trọng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện trên 2,8%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 2-3%/năm. Trong năm 2022, Yên Sơn phấn đấu xóa 662 nhà ở tạm, dột nát. Trong đó, làm mới 546 nhà, sửa chữa 116 nhà. Toàn huyện tập trung nguồn lực giúp các hộ nghèo với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà đối với làm nhà mới, và tối đa 25 triệu đồng/nhà sửa chữa.
Tại Sơn Dương, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã vận động ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo” trên 3,5 tỷ đồng, tiếp nhận từ cấp trên hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ 285 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở. Riêng năm 2021, toàn huyện đã sửa chữa và làm mới 60 nhà cho hộ nghèo với tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo Trung ương hỗ trợ 10 nhà, Quỹ Vì người nghèo của huyện hỗ trợ 9 nhà, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank) hỗ trợ 16 nhà, Ngân hàng Công Thương (VietinBank) hỗ trợ 25 nhà.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương tổ chức làm mới nhà ở theo mẫu thiết kế của Bộ Công an trong giai đoạn 1 là 600 nhà, xong trước ngày 15/7/2022, giai đoạn 2 là 128 nhà, xong trước ngày 15/8/2022. Nhà ở đảm bảo 3 tiêu chí “nền cứng, vách cứng, mái cứng”; tường móng, trụ móng xây gạch; cột bằng kẽm sơn tĩnh điện, tường bao xung quanh nhà bằng tấm panel EPS; mái lợp bằng tôn cách nhiệt PU giấy bạc, tôn dày 0,35mm; diện tích sử dụng bên trong nhà là 32,699m2.
Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, cho biết, toàn tỉnh có 3.820 hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát, có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở. Năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành “Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đến năm 2025, sẽ hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 3.820 hộ nghèo với tổng kinh phí cần huy động trên 167 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/hộ đối với làm mới nhà ở và 25 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa nhà ở.
Năm 2022, theo Đề án, toàn tỉnh Tuyên Quang tập trung hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 1.606 hộ nghèo. Trong đó, làm mới 1.144 hộ, sửa chữa 462 hộ, với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tài trợ, chương trình an sinh xã hội…, mục tiêu đến cuối năm 2025, hoàn thành việc thực hiện xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% số hộ nghèo. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án trên 167 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục, tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ đóng góp nguồn lực, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tích hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo; tăng nguồn vốn chính sách xã hội. Thực hiện hiệu quả cơ chế lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn huy động trong và ngoài nước.
Tuyên Quang phấn đấu đến hết năm 2025, xóa 100% nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh theo tiêu chí chuẩn nghèo mới, không để người dân nào “bị bỏ lại phía sau”. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên. Đến năm 2030: Duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; phấn đấu không còn huyện nghèo, cơ bản không còn xã thuộc Khu vực III. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.