Trước tình trạng trên thị trường bất động sản (BĐS) có xuất hiện một số chủ đầu tư, hoặc doanh nghiệp dịch vụ môi giới có những hoạt động kinh doanh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, bền vững của thị trường BĐS. Các hành vi như đưa nhiều thông tin không đúng sự thật về dự án nhằm mục đích để lừa dối khách hàng, thế chấp dự án và căn hộ đã bán cho người tiêu dùng, một căn hộ bán cho nhiều người.
Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức buổi trao đổi “Đạo đức trong kinh doanh và khởi nghiệp của doanh nghiệp BĐS” nhằm góp phần xây dựng và phát triển thị trường BĐS minh bạch, ổn định, lành mạnh và bền vững.
Tuân thủ pháp luật trong kinh doanh BĐS
Tại đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thẳng thắn nhìn nhận trên địa bàn thành phố đa số chủ đầu tư kinh doanh BĐS đều có trách niệm, có tâm, văn hoá doanh nghiệp đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, phục vụ người nhu cầu của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp môi giới uy tín, đã góp phần quan trọng trong kết nối chủ đầu tư với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại, tố cáo, hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Trong năm 2017 HoREA đã từng phát đi hơn 20 văn bản để cảnh báo đến cơ quan chức năng về các hoạt động của công ty BĐS như Kim Phát, Việt Hưng Phát… nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Gần đây, HoREA tiếp tục phát đi cảnh báo về trường hợp của Công ty CP Địa ốc Alibaba, khi doanh nghiệp này tiến hành huy động vốn của khách hàng theo hình thức đặt chỗ cho một dự án nằm trong khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, trong khi dự án này chưa có phê duyệt quy hoạch, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 và chưa được cơ quan chức năng phê duyệt dự án. Theo đó, đến nay đã có khoảng 500 người đặt chỗ dự án này với tổng số thu hơn 17 tỷ đồng.
Cùng vấn đề huy động vốn trái pháp luật, luật sư Trương Thị Hoà, Phó Chủ tịch HoREA cũng đánh giá, trong thời gian qua đã xuất hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS gây nhiều bức xúc như gian lận, huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn góp của khách hàng, bán sản phẩm hình thành trong tương lai không đúng thiết kế, triển khai dự án không đúng quy hoạch, thế chấp tài sản, bán một sản phẩm cho nhiều người. Tuy nhiên, theo luật sư Hoà cho rằng hiện nay có nhiều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh BĐS như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, một nguyên tắc bất kỳ doanh nghiệp nào thì việc hoạt động cũng phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật hiện hành.
Cần xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh BĐS để giúp minh bạch và lành mạnh thị trường
Liên quan đến vấn đề pháp lý, theo luật sư Hoà, Bộ Luật Hình sự 2018 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có quy định pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, sẽ có 33 tội phạm liên quan đến hành vi pháp nhân. Trong đó, hành vi gian lận kinh doanh, sử dụng vốn huy động trái phép, sử dụng không đúng theo cam kết, thông tin sản phẩm không minh bạch… sẽ được điều chỉnh cụ thể trong Bộ Luật Hình sự 2018 sắp tới. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS còn được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở, Luật Cạnh tranh. “Theo tôi, các doanh nghiệp BĐS phải chấp hành nghiêm pháp luật và hết sức chú ý để giữ đạo đức trong kinh doanh. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tự xem xét lại những gì chưa đúng để kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt ngay những sai sót, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm BĐS”, luật sư Hoà chia sẻ.
Tại buổi trao đổi, nhiều ý kiến cho rằng ngoài các quy định của pháp luật hiện hành, HoREA cần có quy định về đạo đức kinh doanh BĐS đến các hội viên. Cụ thể, theo Phó Chủ tịch HoREA bà Đỗ Thị Loan cho rằng, trách nhiệm xã hội đầu tiên của doanh nghiệp không những làm ra nhà ở, giải quyết nhà ở cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhân viên mà còn các hoạt động từ thiện, hướng về cộng đồng….
Alibaba vẫn thách thức chính quyền
Buổi trao đổi tiếp tục “nóng” khi xoay quanh vấn đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua là vấn đề Công ty CP Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại cái gọi là dự án Alibaba Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Về vấn đề này, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi nói trên của Công ty CP Địa ốc Alibaba là không đúng với các quy định của pháp luật. Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với PC46 – Công an TP. Hồ Chí Minh và C46 – Bộ Công an thu thập, củng cố hồ sơ để xử lý. Tuy nhiên Công ty CP Địa ốc Alibaba không có thái độ hợp tác. Ông Nam cũng cho biết hiện dự án mà Công ty CP Địa ốc Alibaba tự chia quy hoạch, vẽ sơ đồ nên chưa được thành phố giao đất và khu đất này nằm trong dự án Khu đô thị Tây Bắc huyện Củ Chi, chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 1/2000, thành phố đang kêu gọi đầu tư. Việc đứng ra huy động khách hàng ký phiếu đặt cọc giữ chỗ dự án dưới danh nghĩa chủ đầu tư là sai luật trong khi chưa có quy hoạch 1/500, chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa giải phóng mặt bằng, vẫn còn nhiều người dân sinh sống.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi gian dối trong bán hàng, ký kết thực hiện một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng dự án BĐS và nhận tiền đặt cọc dự án mà địa ốc Alibaba đang triển khai hoàn toàn trái pháp luật. Nếu dự án “bất thành” thì rủi ro đối với khách hàng là rất lớn. Theo Luật Kinh doanh BĐS việc làm của địa ốc Alibaba vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành. Việc xem xét để xử lý hình sự nhằm răn đe, ngăn chặn và lấy lại niềm tin của người dân đối với cơ quan chức năng là điều cần thiết lúc này. Điều này, giúp loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn gian dối bán những dự án “ma” không phải của mình, giúp làm minh bạch, lành mạnh thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, tại toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới rất kỳ vọng thị trường BĐS sẽ hoạt động minh bạch hơn, bền vững hơn với cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh./.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.