Sáng nay (4/6) đến 15 giờ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Thời gian qua công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong ngành bộc lộ bất cập, có dấu hiệu buông lỏng, gây lãng phí. Giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng thừa nhận nhận vừa qua quy hoạch giao thông có đủ, từ đường bộ đến hàng không nhưng công tác quản lý quy hoạch còn bất cập. Theo Luật đường sắt, Bộ và cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý phần đất triển khai xây dựng và phần đất đảm bảo an toàn tàu chạy, còn hành lang lộ giới thì giao chính quyền địa phương để đảm bảo sau này có thể sử dụng.
Tuy nhiên công tác phối hợp giữa Bộ và chính quyền chưa tốt nên quy hoạch quản lý kém, chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch lạc hậu, điều này có thể thấy bên hàng không cũng rất nhiều. Việc này chúng tôi xin rút kinh nghiệm.
Bên trong những km đường 1.000 tỷ là gì?
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn, về chi phí làm đường. Bộ trưởng nghĩ như thế nào khi công nghệ kỹ thuật hiện đại như nhau nhưng 1 km đường của ta từ 700 đến 1.000 tỷ, còn các nước khác chỉ vài ba trăm tỷ. Tuổi thọ đường xá của họ khoảng 50 năm, của ta thì 2 đến 3 năm xuống cấp. Bộ trưởng cho biết bên trong vấn đề này là gì?
Trả lời đại biểu Bộ trưởng cho biết, có nhiều dư luận nói rằng, đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt, tuổi thọ kém và không đảm bảo so với mặt bằng trong khu vực. Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường ở Việt Nam với các nước trong khu vực.
Theo Bộ trưởng, chúng ta xây dựng đường phụ thuộc vào nền móng, nếu nền móng yếu như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung thì chúng ta phải xử lý đất yếu, vì lớp đất yếu dày có thể 30, 40m và xử lý nền đất yếu này rất tốn kém.
Đất của chúng ta khu vực đó là dất yếu, muốn dùng đất chất lượng tốt để đắp nền đường chúng ta cũng phải vận chuyển và tất cả các khoản chi phí này sẽ khác nhau với từng địa phương, từng nước khác nhau.
Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Một số nước chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng của chúng ta hiện nay liên quan đến nhà cửa, kiến trúc,... cũng tùy theo khu vực.
Do đó, suất đầu tư hiện nay nếu nói rằng từ 700 đến 1.000 tỷ/km cũng có thể đúng, đúng với một số đoạn chứ không phải đúng hết tất cả. Có những đoạn đường chúng ta làm giá rất thấp, có những đoạn đường làm giá cao, tùy thuộc vào địa chất, địa hình và giải phóng mặt bằng.
Còn bóc tách lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hiện nay, Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ Giao thông sẽ tiến hành thi công một số đoạn đường cao tốc thuần túy với công nghệ mới để chúng ta có được suất đầu tư. Hiện nay Bộ Xây dựng cũng rất tích cực, đã xây dựng đề cương, báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông đang phối hợp sắp tới sẽ triển khai một vài đoạn ở phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Chúng ta giám sát chặt chẽ các ca máy, giám sát chặt chẽ chi phí để chúng ta có được suất đầu tư đại diện cho các khu vực.
Vì sao chênh lệch giữa hợp đồng và kiểm toán dự án BOT
Các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc;...
Về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Về chênh lệch cao độ giữa đường và nhà dân sau khi nâng cấp, Bộ trưởng cho biết, luật pháp có quy định cốt, nền dự án giao thông ở đô thị, Bộ căn cứ vào đó để khống chế cốt đường. Tuy nhiên khu vực nggoài đô thị không quy định nên trong thời gian vừa qua có hiện tượng trên. Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của Bộ GTVT, trách nhiệm địa phương và cho biết về lâu dài Bộ sẽ tiến hành thực hiện giải pháp cào bóc mặt đường cũ, sau đó tiến hành thảm mới để không nâng cốt quá cao.
Về tiến độ thu phí không dừng, Bộ trưởng cho biết, toàn bộ các trạm BOT sẽ phải hoàn thành thu phí tự động vào cuối năm 2019. Đây là giải pháp công khai minh bạch, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Về phát triển giao thông khu vực Tây Bắc, Bộ rất hiểu tình hình khó khăn của vùng này, Bộ trưởng cũng đã đi thực tế và tham mưu cho Chính phủ thực hiện các dự án, tuy nhiên do điều kiện ngân sách hạn chế, nên nhiều công trình, dự án chưa có điều kiện bố trí vốn. Bộ sẽ tiếp tục khảo sát thực tế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. |
Nếu có sai sót liên quan đến Bộ, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm
Trả lời các ý kiến tranh luận của ĐBQH liên quan đến dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về thể chế, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ giải quyết được những vấn đề hiện nay. Trước đây chúng ta chưa có Luật, Nghị định cũng chưa hoàn chỉnh, chúng tôi cũng chỉ bám theo những quy định tại thời điểm đó.
Nhóm vấn đề liên quan đến người dân, khi triển khai dự án, chúng tôi đã lấy ý kiến của UBND các cấp. Hiện chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể là lấy ý kiến ai, cụ thể như thế nào, do đó, trong quá trình làm, chúng tôi đều thống nhất với UBND, thậm chí UBND các cấp triển khai giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Tại một số địa phương, chúng tôi còn lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội. Khi thực hiện dự án, chúng tôi căn cứ vào quy hoạch và chấp hành nghiêm.
Một số dự án chúng ta thấy rằng dân xây dựng nhà nhiều nhưng cốt nền không đồng đều. Chúng ta phải lấy bình quân, đảm bảo cốt theo quy định nên một số hộ nền nhà thấp, chúng tôi đã triển khai các đường dân sinh, đường gom kết nối.
Về chi phí qua trạm BOT, chúng tôi cố gắng giảm thấp nhất. Về lâu dài thì chúng ta sẽ chỉ triển khai trên đường song hành.
Về tranh chấp giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Dân sự.
Đối với việc chỉ định thầu, Bộ triển khai theo quy định của pháp luật. Việc gì cho phép, Bộ mới làm. Có những dự án, chúng tôi phải xin và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Việc làm này hết sức công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
Về một số công trình dân sinh thiết kế chưa hợp lý, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã có điều chỉnh. Trong khả năng dự án còn tài chính chúng tôi đều có điều chỉnh bổ sung đảm bảo phương án tốt nhất có thể cho người dân.
Về trách nhiệm cá nhân có liên quan với những kết luận của kiểm toán, tôi xin nhắc lại, kiểm toán chỉ ra thời gian giảm là do chúng ta chưa sử dụng dự phòng. Giai đoạn triển khai dự án, lãi suất ngân hàng rất cao. Lập dự án lúc đó phải căn cứ vào mức lãi suất nào. Những phần dự phòng không cần dùng đến hoặc đẩy nhanh tiến độ hoặc làm hồ sơ kỹ nên không phát sinh khối lượng... Những phần không sử dụng này không phải là thất thoát. Hợp đồng nêu rõ là chúng ta sẽ căn cứ vào kết quả quyết toán để điều chỉnh thời gian thu phí. Việc ký ban đầu là ký hợp đồng trên dự án để nhà đầu tư có điều kiện để triển khai các bước tiếp theo.
“Xin khẳng định lại nếu có sai sót liên quan đến Bộ GTVT, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoặc nếu liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, hoặc các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói.
Cần điều chỉnh tổng thể quy hoạch các thành phố lớnĐại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, tình trạng xe quá tải phá nát đường dân sinh nhiều năm, nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng chưa được xử lý triệt để. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tồn tại này thuộc trách nhiệm của ai? Tình trạng trên có thể xử lý dứt điểm được hay không?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, vừa qua, các cơ quan chức năng tổ chức tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý xe quá khổ, quá tải. Theo đó, trước năm 2011 tình trạng xe quá tải quá khổ hoạt động phổ biến, đến thời thời điểm này theo thống kê, hiện còn 10% xe tải quá khổ quá tải nhưng chỉ hoạt động phạm vi hẹp, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh, ít trường hợp đi xuyên liên tỉnh vì đã có sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Hiện bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp các cơ quan để tăng cường kiểm tra xử lý tận gốc, để bảo quản đường nhà nước đầu tư cho nhân dân.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng việc xử lý xe quá khổ quá tải cần giải pháp mạnh tay hơn, không chỉ là chụp ảnh, ghi các thông số trên giấy đăng kiểm mà cần thiết phải thu hồi đăng kiểm. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành có thể xử lý hành chính hoặc thu hồi giấy phép tùy theo mức độ vi phạm của chủ phương tiện. Nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ sẽ xử lý được tình trạng xe quá tải...
Bộ nhận trách nhiệm "tham mưu kém" về đường sắt
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng vận tải đường sắt và giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt;... trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, đường sắt là tuyến đường quan trọng của đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều, tuy nhiên ngành GTVT "tham mưu kém" nên chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bộ nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu.
Về tai nạn giao thông đường sắt, bộ trưởng cho biết, hiện vẫn còn hơn 5719 đường giao cắt, trong đó 1519 giao cắt do Tổng công ty Đường sắt quản lý có bố trí có gác chắn, còn hơn 4200 đường dân sinh tự mở không có gác chắn,... Bộ đã làm việc với các địa phương để có giải pháp gắn trách nhiệm cụ thể của ngành, của địa phương trong thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt như: Dứt khoát không phát sinh thêm đường giao cắt mới, tăng cường cảnh báo tự động, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giao thông...
Bộ trưởng khẳng định, đường sắt là loại hình vận tải đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn, tuy nhiên thời gian qua, do tình hình khó khăn nên chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông đường sắt. Về lâu dài, để nâng cao chất lượng vận tải đường sắt, Bộ đã xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để đầu tư nâng cấp hệ thống đường sắt trong thời gian tới.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Bích Châu cho rằng, Bộ chưa quan tâm đến đường sắt vì trong báo cáo rất sơ sài, bên cạnh đó, Bộ trưởng chưa có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tục như những ngày vừa qua. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng không phải do Bộ "tham mưu kém" mà hầu như "bỏ rơi" đầu tư cho đường sắt vì đầu tư cho đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn....
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về những vấn đề yếu kém của ngành đường sắt xảy ra trong thời gian vừa qua. Tôi rất hoan nghênh về tinh thần đó. Nhưng tôi nghĩ với những yếu kém kéo dài, liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải và đồng chí Bộ trưởng không đủ sức để chịu trách nhiệm, bởi vì đó là tính mạng của người dân, đó là vấn đề không phát huy được hiệu quả của ngành đường sắt để chia sẻ với các phương tiện khác, làm cho lợi thế của ngành đường sắt giảm đi rất nhiều.
Tôi đề nghị và cử tri cũng mong muốn Bộ trưởng đưa ra những giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để khắc phục vấn đề này chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề trách nhiệm.
Ví dụ, vấn đề có thể khắc phục được ngay là vấn đề chất lượng toa tàu, vấn đề vệ sinh và chất lượng dịch vụ trên đoàn tàu. Gần đây tôi đã đi đường sắt và thấy chất lượng dịch vụ, nhất là vấn đề vệ sinh đã làm cho người đi tàu rất nản lòng và phật ý, không đủ để khuyến khích người dân đi tàu.
Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu để chấn chỉnh hoạt động dịch vụ đường sắt trong thời gian tới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.