Xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, được các cấp, ngành, các địa phương sát sao thực hiện. Như bao địa phương trên cả nước, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đang tập trung thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo một cách tích cực, trong đó phát huy tối đa những lợi thế của địa phương là một giải pháp quan trọng.
Vườn đinh lăng của gia đình anh Phạm Văn Thắng, bản Đồng Tâm (Đồng Vương - Yên Thế).
Nỗ lực giảm nghèo
Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, Yên Thế có diện tích trên 303km2, trong đó diện tích đất lâm nghiệp (chủ yếu là đồi núi thấp) là 13.285,11ha, chiếm 43,36% tổng diện tích tự nhiên; đất nông nghiệp 25.874,8ha, chiếm 84,55%; đất phi nông nghiệp 4.664,8ha, chiếm 15,2%; đất chưa sử dụng 97,44ha, chiếm 0,32%. Toàn huyện có 19 xã, 2 thị trấn với 3 trung tâm kinh tế - xã hội là thị trấn Cầu Gồ, thị trấn Bố Hạ và trung tâm cụm xã vùng cao Mỏ Trạng; dân số trên địa bàn có khoảng 10 vạn người, với 14 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao Lan, Hoa, Sán Dìu,… Cuộc sống của nhân dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với thế mạnh là chăn nuôi gà, trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, bưởi Diễn và một số mô hình khác cho giá trị kinh tế cao.
Những năm qua, toàn thể cán bộ và nhân dân huyện Yên Thế đã đoàn kết, sáng tạo cùng nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; số hộ giàu tiếp tục tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm; đặc biệt, tình trạng tái nghèo hầu như không có.
Nhìn lại 6 năm về trước (2011), cuộc sống của người dân Yên Thế còn rất khó khăn. Khi ấy, thu nhập của người dân trên địa bàn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm khoảng 20%. Tới nay, bà con các dân tộc trên địa bàn đều biết cách làm ăn, sản xuất tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi luôn cao, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên; năm 2016, thu nhập bình quân của huyện đạt 25 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo là 17,79% (theo chuẩn nghèo đa chiều), tỷ lệ hộ cận nghèo là 15,3%. Điều đáng mừng nhất là, tỷ lệ tái nghèo hầu như không có; phát sinh nghèo cũng rất thấp, nếu có hầu như rơi vào các hộ gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau nặng, tai nạn bất ngờ,...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Để có được thành tích đáng mừng như hôm nay, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ kịp thời của cấp trên, cũng như sự chung tay xóa đói giảm nghèo của các tổ chức, cá nhân, tốc độ giảm nghèo trên địa bàn ngày càng nhanh, tỷ lệ tái nghèo hầu như bằng không.
Một trong những nhân tố làm nên thành công đó là các dự án giảm nghèo được huyện Yên Thế triển khai mạnh mẽ như: Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn hay các dự án về nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện.
Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cũng được huyện triển khai đầy đủ, nghiêm túc; đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có vốn để phát triển sản xuất; giai đoạn 2011-2015, số lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất/tổng số hộ có nhu cầu vay vốn đạt 94% (18.582/19.775 hộ). “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, muốn giảm nghèo bền vững chỉ có cách đẩy mạnh phát triển kinh tế mà then chốt vẫn là phát huy những lợi thế của địa phương; một trong những lợi thế đó chính là thương hiệu gà đồi, vải thiều, cây ăn quả có múi và kinh tế rừng”, ông Sơn nhấn mạnh. Năm 2016, diện tích cây ăn quả của Yên Thế đạt 4.700ha, sản lượng quả tươi 20.000 tấn; tổng đàn gia cầm 4,5 triệu con, trong đó đàn gà lên tới 4 triệu con; trồng được 1.354ha rừng tập trung, 307.000 cây phân tán; khai thác trên 1.256,5ha rừng trồng, với sản lượng trên 108.753m3 gỗ các loại, giá trị ước đạt 382,105 tỷ đồng. Năm 2017, chúng tôi tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 14,8 %.
Những mô hình phát triển kinh tế và giảm nghèo tiêu biểu
Với các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện Yên Thế đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình của gia đình anh Nguyễn Xuân Hiếu (thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm). Anh Hiếu cho biết: Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, ngành chức năng bằng việc phổ biến kiến thức, giúp đỡ vốn, xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế nên việc chăn nuôi của gia đình khá thuận lợi. Hàng năm, tổng doanh thu từ chăn nuôi gà của gia đình đạt khoảng 1 tỷ đồng với sản lượng lên tới 30-40 tấn gà thịt mỗi năm. Anh tâm sự: “Có được như ngày hôm nay, việc chăn nuôi của gia đình tôi đã phải trải qua 3 lần dịch cúm, thời gian đó gia đình tôi khốn khó vô cùng: gà, thức ăn đều không được vận chuyển, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Khi ấy, gia đình tôi thực sự nghèo, nợ nần chồng chất. Từ năm 2008 đến nay hầu như không bị dịch bởi chúng tôi rất thấm thía nên gia đình nào cũng có ý thức tự phòng dịch, các cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y thường xuyên bám sát nông dân, bám sát địa bàn nhằm không để dịch lớn xảy ra”.
Mô hình kinh tế vườn đồi của anh Phạm Văn Thắng (bản Đồng Tân, xã Đồng Vương) có cách làm khác với nhiều hộ trong thôn; trên tổng diện tích 14ha đất rừng, anh Thắng chọn trồng trám, sấu, đinh lăng để lấy cây, củ, quả và trồng bạch đàn ở khu vực đồi cao. Theo cách tính toán của anh, hiện nay mỗi kilogam củ đinh lăng có giá khoảng 30.000 đồng, sau 3 năm mỗi cây cho khoảng 3kg; mỗi ha trồng được 3 vạn cây, như vậy với 1ha đinh lăng anh có thể thu được khoảng 900 triệu đồng.
Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Quang Huy (thôn Tràng Bắn, xã Đồng Vương) cũng là một trong những mô hình tiêu biểu khi mang về doanh thu 500 triệu đồng mỗi năm từ 400 gốc bưởi Diễn. Bên cạnh đó, vườn nhà anh luôn có khoảng 1.000- 2.000 con gà mỗi năm, với mục đích nuôi gà vừa để lấy thịt bán, vừa để lấy phân bón cho cây. Vào thăm mô hình sản xuất của gia đình anh Huy, ai cũng có cảm giác như đi vào một biệt phủ giữa vùng đồi núi Yên Thế; nơi đây, vườn rộng, nhà cao, xe hơi đỗ bên nhà.
Nhờ mô hình kinh tế vườn đồi, gia đình anh Đỗ Văn Chiến cũng được xếp vào danh sách hộ mới thoát nghèo của thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm. Với việc nuôi gà, trồng cây ăn quả có múi, gia đình anh đã thoát nghèo, thậm chí còn có tiền xây ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Chị Trần Thị Hải (vợ anh Chiến) tâm sự: “Gia đình tôi trước đây khó khăn lắm, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo trong xã bởi anh Chiến sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn. Nhưng nhờ các chính sách, dự án mà huyện triển khai, nay gia đình tôi đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng chăm sóc 300 gốc vải, vài trăm con gà và một số cây trồng khác”.
Ở Yên Thế, giảm nghèo là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; không khí giảm nghèo luôn có mặt ở khắp các hội nghị của các ban ngành, thôn xóm, khu dân cư... Từ giai đoạn 2011- 2015 cho tới nay, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất phát triển, các phong trào Vì người nghèo, Tết vì người nghèo, Quỹ vì người nghèo vẫn luôn duy trì và phát huy hiệu quả. Tin rằng, với đà này, không khí ấy kết hợp với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và sự tự giác vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Thế sẽ giảm nhanh hơn trong thời gian tới.
Đình Hợi
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.