Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019 | 14:8

Ba tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao

Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao hiện nay: Công nghệ biofloc; Nuôi tôm 2 giai đoạn; Nuôi tôm trong nhà màng.

Ao nuôi tôm nước lợ cần được trang bị hệ thống sục khí.

Công nghệ biofloc, nuôi tôm ít thay nước

Trong ao nuôi tôm có một lượng lớn chất thải được bài tiết từ vật nuôi và thức ăn thừa tích lũy, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nuôi nghiêm trọng, có thể cải thiện bằng kỹ thuật bioflocs thông qua việc kiểm soát tỉ lệ cácbon và nitơ.

Bioflocs là hệ thống mà thức ăn có hàm lượng protein  thấp và các nguồn cácbon, nitơ vô cơ được đưa vào ao sẽ được chuyển hóa thành sinh khối vi sinh vật. Cộng đồng vi sinh vật sẽ phát triển, tập hợp lại và hình thành các khối nhỏ chứa vi sinh vật, với tên gọi là bioflocs. Bioflocs có thể trở thành nguồn thức ăn của vật nuôi trong ao. Sự phát triển của các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, tảo và vi sinh vật khác sẽ tạo vòng tuần hoàn dưỡng chất trong ao nuôi. Ao nuôi với công nghệ biofloc cho thấy tăng 41,3% sản lượng tôm, hiệu quả chuyển đổi protein tăng 12%, và tỉ lệ chuyển hóa thức ăn thấp hơn 7,22%.

Hệ thống biofloc kết hợp với quy trình nuôi ít thay nước có thể giảm 70% lượng nước thay thế và giảm thất thoát 77% lượng nitơ so với hệ thống nuôi thay nước truyền thống. Đối với hệ thống bioflocs trong nuôi tôm sú còn có thể tiết kiệm 20-30% giá trị thức ăn cần thiết.

Nuôi tôm 2 giai đoạn

Công nghệ này giúp tăng sản lượng 20-30% và giảm giá thành sản xuất. Mật độ ương từ 500-10.000 PL/m3 với cỡ thu từ 0,3-3g (1-3 kg/m3), người nuôi thả tôm từ PL45 trở đi thay vì PL10-12 như trước đây nên tỷ lệ sống tăng, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm 20-30 ngày và giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn 10-30%. Đồng thời cũng làm giảm bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi, tạo con giống khỏe mạnh và được thuần dưỡng trong môi trường ương trước khi thả nuôi. Tôm lớn sẽ có hệ miễn dịch phát triển hoàn chỉnh hơn tôm nhỏ. Ương tôm cũng là biện pháp ngừa bệnh đốm trắng đối với vùng nuôi có nhiệt độ thấp.

Đối với việc quản lý thức ăn, cần chọn thức ăn không bị vụn nát vì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. Chọn thức ăn có protein, năng lượng cao, cách 2 giờ cho tôm ăn 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh tùy thuộc vào kết quả kiểm tra sàng ăn, chất lượng nước và tốc độ tăng trưởng của tôm.

Quá trình vận chuyển tôm từ ao ương sang ao nuôi rất quan trọng, nếu không tốt sẽ dễ gây sốc cho tôm, tôm yếu và tăng mức độ mẫn cảm với mầm bệnh. Điều quan trọng nhất là đảm bảo cung cấp ôxy đầy đủ trong quá trình vận chuyển và mật độ khi vận chuyển. Đối với ao ương sát bên ao nuôi có thể vận chuyển trong thùng có thể tích 20 lít nước có sục khí và chứa được 2 kg tôm cỡ 0,4-1g/tôm. Với khoảng cách xa hơn có thể vận chuyển 20-40 kg tôm trong thể tích bể vận chuyển 1.000-2.000 lít.

Nuôi tôm trong nhà màng

Mô hình nuôi tôm trong nhà màng đang được nhân rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bởi cho thu nhập cao và kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đầu tư cho mô hình khá hiện đại và khép kín nên tốn kém, đòi hỏi có sự quản lý tốt mới mang lại hiệu quả.

Người nuôi có thể thả nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ 200-250 con/m2, sau thời gian nuôi 2,5-3 tháng với năng suất 60-70 tấn/ha.

Cơ sở nuôi phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng như máy phát điện dự phòng, máy bơm nước, máy móc, dụng cụ đo các yếu tố môi trường... và các thiết bị phụ trợ khác. Ao nuôi cần được trang bị tốt hệ thống sục khí để có thể cung cấp đủ oxy trong quá trình nuôi. Diện tích ao lắng chiếm ít nhất 25% tổng diện tích mặt nước trang trại nuôi.

Nhà bao che trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là một hệ thống mái che nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu của yếu tố bên ngoài đến tôm nuôi. Việc thiết kế và xây dựng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu của vùng nuôi tôm.

Hàng ngày kiểm tra các yếu tố chất lượng nước như pH, nhiệt độ nước, ôxy hòa tan, độ trong. Ngoài ra còn cần chú ý xi phông để loại thải chất cặn bã. Các chỉ tiêu khác cần kiểm tra theo định kỳ 2-3 ngày/lần như NO2-N, NH3-N, PO4-P, độ kiềm, H2S, Vibrio tổng số. Quan trọng nhất là việc duy trì chất lượng nước ổn định và an toàn sinh học trong quá trình nuôi.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top