Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 2 năm 2023 | 21:30

Bắc Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Ngày 28/2, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, một số tỉnh tiếp giáp với Bắc Giang có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Hiện tại, thời tiết đang là giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tăng cao trong dịp lễ hội đầu xuân nên mầm bệnh phát tán; việc tái đàn tại các địa phương, nhưng nhiều vật nuôi chưa được tiêm phòng.

Từ những nguyên nhân trên, nguy cơ các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là rất cao.

Trước thực tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật thông qua hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS).

Tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông qua các đoàn kiểm tra chuyên môn, đoàn kiểm tra liên ngành. Duy trì các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi đã thành lập.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh động vật, các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý khi dịch mới xuất hiện; báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh động vật, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật. Rà soát, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch và chưa được tiêm phòng, nhất là tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, vắc xin dại cho đàn chó và tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin long móng lở mồm cho gia súc, cúm gia cầm cho đàn gia cầm...

Thành lập các đoàn công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đoàn Kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh động vật tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh Bắc Giang. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các địa điểm tập kết, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu động vật, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc.

Cũng trong ngày 28/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023. Theo đó, tỉnh này sẽ triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 thực hiện 2 đợt tiêm phòng chính: Đợt 1 từ tháng 3/2023 - 5/2023; đợt 2 từ tháng 8/2023 - 10/2023 và thường xuyên thực hiện các đợt tiêm phòng bổ sung đối với gia súc, gia cầm đủ điều kiện tiêm phòng.

Về cơ chế hỗ trợ, đối với bệnh cúm gia cầm, hỗ trợ những hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con/hộ; những trang trại đã tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đối với bệnh lở mồm long móng hỗ trợ những hộ chăn nuôi quy mô dưới 20 con/hộ đối với mỗi loại lợn (nái, đực giống), trâu, bò và dê. Đối với bệnh dại động vật hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Đối với Viêm da nổi cục trâu bò hỗ trợ những hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô dưới 20 con/hộ. Các đối tượng còn lại người chăn nuôi chủ động tự tiêm phòng vắc xin bắt buộc theo quy định.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch khoảng 4,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn thực hiện phòng chống dịch là 1,1 tỷ đồng; kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là 545 triệu đồng; kinh phí thực hiện phòng chống dịch dại động vật gần 1,4 tỷ đồng; kinh phí thực hiện phòng chống dịch viêm da nổi cục trâu bò hơn 1 tỷ đồng.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top