Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược...
Bám sát thực tiễn và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, phù hợp tình hình, thực thi hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế... Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 16/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022.
Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Trước đó, ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật.
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022 tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các cơ quan trình, thẩm định đã làm việc rất trách nhiệm, đúng quy định; các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện chính kiến rõ ràng.
Các dự án luật, đề nghị xây dựng luật đã tập trung cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Cương lĩnh năm 2011 của Đảng, Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan đã bám sát quy trình, quy định, rất cố gắng để cải thiện đáng kể về chất lượng và tiến độ các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, nhất là bảo đảm chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Các dự án luật, đề nghị xây dựng luật cũng cho thấy các cơ quan đã bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đề xuất các chính sách, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là các dự án luật bổ sung, sửa đổi.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan trình tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, tôn trọng các ý kiến khác nhau, kể cả các ý kiến phản biện để có đầy đủ thông tin, cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu nhất, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, thực thi có hiệu quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với các vấn đề mới, khó, nhạy cảm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phương án phù hợp, khả thi, có cơ sở khoa học, thực tiễn và tạo đồng thuận khi trình.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát các luật, nghị định, thông tư liên quan tới lĩnh vực quản lý, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, tích cực xây dựng, chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo để trình các cấp có thẩm quyền.
Bộ Tư pháp tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đúng quy định, trình tự, thời hạn và nâng cao chất lượng. Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm về chế độ, chính sách, nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất… cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; các cơ quan liên quan phối hợp để giải quyết nhanh các vấn đề đặt ra, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan trình, thẩm định để làm tốt công tác truyền thông khi cơ quan có thẩm quyền đã cho ý kiến, tạo không khí sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm khi lấy ý kiến về các dự thảo luật, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan nhà nước và trong nhân dân.
Cũng tại phiên họp, liên quan tới kế hoạch mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, triển khai việc mở cửa trường học, du lịch quốc tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình, ban hành các quy định, quy trình, tiêu chuẩn liên quan để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Từ thực tiễn bao phủ vaccine tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã phát huy hiệu quả rất tốt, số ca tăng nặng và tử vong giảm sâu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tích cực đôn đốc, kiểm tra chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc.
Đồng thời, Bộ Y tế thúc đẩy sản xuất trong nước vacine phòng COVID-19 theo tinh thần nhanh nhất về thủ tục hành chính và bảo đảm các yêu cầu về khoa học, chuyên môn; chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị trong nước theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, tiêu cực; khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền cho phép việc lưu thông, phân phối thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả…
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.