Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023  
Thứ ba, ngày 6 tháng 6 năm 2023 | 10:12

“Báu vật” ở Tả Phìn

Một sớm tháng 6 ở Sapa (Lào Cai), bản làng vẫn còn chìm trong màn sương bàng bạc. Hương hoa hồng, hoa oải hương tràn ngập không gian. Những phụ nữ người Dao đỏ, váy áo rực rỡ vừa rảo bước vào khu vườn đầy hoa, rau và cây trái, vừa ríu rít trò chuyện... Vườn đá Tả Phìn dần bừng sáng dưới vùng trời xanh ngắt không một gợn mây.

Cách thị trấn Sapa khoảng 10km về hướng Bắc, Khu du lịch Vườn đá Tả Phìn Sapa  nằm dưới chân những ngọn đồi xinh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành đã biến nơi này thành điểm nghỉ dưỡng thiên đường.

Một ngày của Mẩy

Lý Lở Mẩy, cô gái người Dao, 30 tuổi, với nước da trắng hồng, đôi mắt nâu trong veo, ra khỏi nhà từ 6-7 giờ sáng. Công việc chính của Mẩy bây giờ không phải lên nương rẫy nữa mà tham gia vào các hoạt động thương mại dịch vụ du lịch. Việc gì Mẩy cũng biết làm, từ may vá thêu thùa thổ cẩm, hướng dẫn du khách đến hái lá thuốc tắm về bán cho các cơ sở phục vụ tắm lá thuốc.

Lý Lở Mẩy, cô gái Dao đỏ trong khu vườn đá.

Khu nghỉ dưỡng yên tĩnh của Vườn đá Tả Phìn.

Mẩy kể, công việc yêu thích của cô là lên rừng hái lá thuốc, đây cũng là việc mang lại nguồn thu nhập chính. Giống như nhiều cô gái bản địa người Dao đỏ ở Tả Phìn, Mẩy thuộc lòng nhiều bài thuốc, cây thuốc bởi cách đây chỉ hơn chục năm về trước, Tả Phìn còn như một ốc đảo vì giao thông đi lại rất khó khăn. Bản làng của cô sống bám vào các sườn núi, mưu sinh trong các khu rừng. Mọi người chỉ cho nhau những loại cây chữa lành cơn đau xương khớp do đi rừng, giúp người ốm yếu khỏe lên, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ vừa sinh con... rất thần diệu. Cây thuốc này tự mọc trong rừng, chỉ nhà ai cần mới vào rừng hái về, không truyền ra ngoài.

Con suối là điểm nhấn của đại sảnh.

Có điều, Mẩy không ngờ rằng chính núi rừng hoang sơ, bài thuốc cổ truyền, nghề thêu may truyền thống, cả những bài hát, điệu nhảy... trong cuộc sống thường ngày nhờ đó cô lớn lên, lại có giá trị lớn lao với... cả thế giới. Càng ngày người Mông, Dao ở Tả Phìn càng biết khai thác những giá trị ấy để làm cho cuộc sống của mình khấm khá hơn. Như những cây thuốc Mẩy đi hái về, kết hợp với hơn 20 loại thảo dược quý hiếm như: Cây cơm cháy, cây hoa ông lão, cây liên đằng hoa nhỏ, cây chù du, cây màng… chế ra một loại nước tắm, lá thuốc được đun trong 30 phút sẽ cho ra thứ nước màu đỏ đậm như rượu vang, có hương thơm quyến rũ, giúp người tắm hoạt huyết tan ứ, giảm đau nhức gân cơ, tinh thần thư giãn, rũ bỏ stress và có giấc ngủ ngon.

Nhiều bà con trong bản đã chiết xuất thuốc tắm đóng chai, để các cơ sở tắm thuốc trong và ngoài tỉnh dễ dàng sử dụng và du khách có thể thuận tiện đem đi mọi miền đất nước. Vườn đá Tả Phìn là một trong những cơ sở ít ỏi vẫn hàng ngày mua lá tươi của bà con về nấu nước tắm cho du khách nên có hiệu quả tức thì. Hôm nay, Vườn đá Tả Phìn đón rất nhiều khách nên Mẩy vui, cô biết khách đến nghỉ tại đây hầu như đều ưa thích được trải nghiệm bài thuốc tắm này, nhiều khách hiểu rõ công dụng đã chủ động dẫn theo bạn bè, người thân của mình đến tắm, rũ bỏ mệt mỏi sau một hành trình đường xa. Thu nhập của Mẩy tăng đáng kể, tiền bán lá thuốc cũng được 500.000 - 700.000 đồng/ngày, gấp đôi gấp ba ngày thường.

Cuối ngày, Mẩy lại cùng bà con nán lại trong Vườn đá Tả Phìn vừa tranh thủ nghỉ ngơi, vừa trò chuyện với du khách và giới thiệu những món đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Rất nhiều sản phẩm địa phương đã “hữu xạ tự nhiên hương” trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi những tiêu chí “thân thiện với môi trường”, “đậm bản sắc”, “hàng thủ công”... mà không nơi nào khác có được.

Điểm đến văn hoá

Thật hiếm nơi nào của Sapa mà lại giữ gìn và hội tụ được nhiều bản sắc văn hoá đến thế, Vườn đá Tả Phìn cái gì cũng “mộc”, từ vật dụng trang trí cho đến khu nghỉ dưỡng tiện nghi, điểm check-in... đó lại chính là “hồn cốt” của một điểm đến mà người kiến thiết đã khéo léo “mang cảnh sắc thiên nhiên” về nhà. Khiến du khách lần đầu tiên bước chân vào sảnh chính mà như vào một hang động cao rộng với con suối uốn lượn, hàng trăm con cá lớn tầm 5 -7kg lững lờ bơi lội. Rồi sau đó, lại mở ra một khu vườn rộng hơn 2ha tràn ngập bóng mát, rực rỡ sắc hoa. Mùa hè, hoa hồng, hoa oải hương, hoa dại đua nhau khoe sắc. Mùa xuân, hoa đào cánh kép, hoa Nhất Chi Mai, lan Trần mộng... Đông đến, vườn hoa cải vàng bát ngát tầm mắt. Rồi mận, đào, lê, các loại rau củ mùa nào thức nấy. Lạc trong cây cối, núi non một lúc, du khách mới đến được những ngôi nhà bằng đá, ốp gỗ biệt lập, yên tĩnh nhìn ra phía bản làng xa xa, hoặc những ngọn đồi thoai thoải. Đến đây, dường như chỉ còn sự tĩnh lặng quá đỗi, mọi cảm xúc phố xá dường như lắng lại đến mức có thể hiểu được tiếng hát vừa xa vừa gần vẳng lại mà cô gái địa phương nào đó đang trao gửi tâm tư cho bạn tình.

Những người phụ nữ Dao ngồi thêu trong khuôn viên vườn đá.

 Một góc vườn, không gian đốt lửa trại.

Phòng nghỉ rất gần gũi thiên nhiên.

Khu nghỉ dưỡng nằm riêng biệt giữa những vườn hoa.

Anh Trần Chí Thành, chủ cơ sở Vườn đá Tả Phìn, không phải người bản địa nhưng đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, như người con của bản làng Dao đỏ cho biết, vợ chồng anh đã mất rất nhiều công sức cải tạo khu vườn nhưng không phải theo cách bê tông hoá mà giữ gìn, chăm chút từng gốc cây, ngọn cỏ. Dòng suối uốn lượn ra kia cũng là suối tự nhiên, nước ở trên núi chảy xuống. Những gì thuộc về thiên nhiên đều được giữ lại nguyên trạng kể cả tảng đá trồi lên, khe hốc rêu phủ, lách theo nó, biến nó thành “thế mạnh” của khu vườn. Vườn đá khai thác dịch vụ du lịch nhưng chủ yếu dựa vào cộng đồng bản địa từ tắm lá thuốc, các món ăn đặc sản cho đến các mặt hàng du khách có thể mua về đều là những sản phẩm bà con các dân tộc sản xuất tại địa phương... Không chỉ cho du khách một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định để bà con nâng cao chất lượng cuộc sống. Quan điểm của ông Thành đã khiến Vườn đá Tả Phìn như một điểm đến văn hoá, thường xuyên diễn ra những sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương. Và không phải ngẫu nhiên mà Vườn đá Tả Phìn lại được tỉnh Lào Cai chứng nhận là sản phẩm OCOP về du lịch đạt 3 sao đầu tiên và duy nhất tại tỉnh này hiện nay.

Một mùa hè nữa đã về, cũng là mùa cao điểm du lịch, dịp mà những du khách như tôi muốn được rời xa những xô bồ phố xá, guồng quay náo nhiệt để tìm về những nơi yên tĩnh, trong lành như Vườn đá Tả Phìn, được hít căng ngực mùi ngai ngái của cây cối, mùi ngọt ngào của hoa hồng, thưởng thức món gà nướng, lợn bản, cá suối và rau củ ngọt lịm. Hoặc chỉ đơn giản ngồi nhấp chén trà bên bờ suối để những ưu phiền tuột trôi...

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên: Tặng hơn 700 suất quà cho học sinh vùng sâu, vùng xa

    Phú Yên: Tặng hơn 700 suất quà cho học sinh vùng sâu, vùng xa

    Ngày 25/9, Tạp chí Kinh tế nông thôn - Văn phòng đại diện tại Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH Quang Sơn, chùa Kim Sơn (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên) và các mạnh thường quân cùng Ban giám hiệu Trường tiểu học và THCS Sơn Hội, huyện Sơn Hòa tổ chức tặng quà cho các em học sinh.

  • Hơn 50 triệu đồng và 20 chiếc xe lăn hỗ trợ người khuyết tật

    Hơn 50 triệu đồng và 20 chiếc xe lăn hỗ trợ người khuyết tật

    Sự kiện chạy bộ “Không khoảng cách - Không giới hạn” diễn ra sáng nay (23/9) tại Quảng trường 24/3 (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) với sự tham gia của 300 vận động viên người khuyết tật của 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

  • Sa Pa thiệt hại 94 trại nuôi cá nước lạnh do lũ ống

    Sa Pa thiệt hại 94 trại nuôi cá nước lạnh do lũ ống

    Thống kê thiệt hại sơ bộ sau lũ ống ở Sapa (Lào Cai) tính đến ngày 17/9, có 94 trại nuôi cá nước lạnh, 6 công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông phải sửa chữa và vẫn còn 2 người mất tích chưa được tìm thấy.

  • Tập đoàn Thắng Lợi tài trợ kinh phí xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc”

    Tập đoàn Thắng Lợi tài trợ kinh phí xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc”

    Mong muốn giúp thầy cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn yên tâm công tác, gắn bó tận tâm với nghề trong hành trình đào tạo những thế hệ tương lai, Tập đoàn Thắng Lợi vừa phối hợp cùng chính quyền địa phương, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông và ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành trao tặng “Ngôi hành hạnh phúc” cho vợ chồng thầy Mai Đăng Khánh và cô Võ Thị Thu Hiền hiện đang là giáo viên công tác tại TH&THCS Vừ A Dính (xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

  • CLB Tennis báo chí Nghệ An tặng quà Trung thu cho trẻ em khuyết tật và vùng khó khăn

    CLB Tennis báo chí Nghệ An tặng quà Trung thu cho trẻ em khuyết tật và vùng khó khăn

    CLB Tennis báo chí Nghệ An phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Nghệ An vừa đến tặng quà Trung tâm Trẻ mồ côi khuyết tật mẹ Terexa Alcutta Tân Hương (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc) và các cháu Trường mầm non xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) nhân dịp Tết Trung thu.

  • Giải pháp chống sạt lở bờ biển ở Cà Mau

    Giải pháp chống sạt lở bờ biển ở Cà Mau

    Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Top