Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 4 tháng 2 năm 2024 | 10:35

Bến Tre chăm sóc cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đúng theo nội dung cốt lõi của tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trong đó, tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp đảm bảo phù hợp với sản xuất hàng hóa hướng đến thị trường tiêu thụ, tạo được giá trị tăng thêm, nâng cao đời sống người dân. Ở lĩnh vực này, xã Tân Phú (Châu Thành) được xem là đơn vị điển hình.

Vườn sầu riêng của ông Lê Hoàng Phục vừa thu hoạch trước thời điểm bước vào mùa hạn mặn 2023-2024.

Thuận thiên, lợi nhuận cao

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trần Hoàng Liêm cho biết, những năm gần đây, xã tập trung phát triển các loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh. Trong năm 2023, các loại cây trồng chủ lực của xã duy trì phát triển ổn định, có sự chuyển dịch nhẹ giảm diện tích chôm chôm, dừa, diện tích sầu riêng tăng. Cụ thể, diện tích chôm chôm 431,5ha, ước đạt sản lượng khoảng 2.761 tấn, giảm 2,8% so với năm trước. Sầu riêng 867,13ha, sản lượng khoảng 5.360 tấn, tăng 26,11% so với năm trước. Diện tích bưởi da xanh khoảng 92,6ha, sản lượng khoảng 97,8 tấn, ổn định so với năm trước. Ngoài ra, dừa với diện tích giảm còn 31,33ha, ước đạt sản lượng 1,25 triệu trái, giảm 47,92% so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Út Tám, ấp Tân Nam, xã Tân Phú, gia đình ông có 5 công đất trồng sầu riêng, cây trồng trung bình khoảng 13 năm tuổi trở lên. Những năm trước đây, ông Út Tám chăm sóc sầu riêng cho ra trái vào vụ thuận. Ngay cả những nông dân trồng cây chôm chôm cũng cho cây ra trái thu hoạch vào vụ thuận. Cây trồng thu hoạch trái vào vụ thuận đỡ tốn công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư. Tuy nhiên, người trồng không quyết định được giá bán sản phẩm do trùng với thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác. Vậy nên, người trồng sầu riêng, chôm chôm ở Tân Phú nói riêng, các xã trồng cây ăn trái ở huyện Châu Thành, Chợ Lách nói chung thường rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Những năm gần đây, BĐKH diễn ra ngày càng rõ nét. Thời tiết cực đoan. Đặc biệt, mặn theo các sông chính ngày càng lấn sâu vào đất liền. Độ mặn 1%0, cao điểm 4%0 có thời điểm gần như bao trùm Bến Tre. Tại xã Tân Phú, có hệ thống đê bao được đầu tư ngày càng khép kín. Tuy nhiên, vào thời điểm cây đơm bông kết trái để cho trái thu hoạch vụ thuận thì mặn diễn ra gay gắt. Người dân phải đóng cống không cho nước mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm cây trồng rất cần nước ngọt để nuôi dưỡng trái phát triển.

“Gia đình ông cũng như các hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm không thể chống lại “thiên”. Mình phải “thuận thiên”, ông Nguyễn Văn Út Tám nói. Từ một vài nhà vườn tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thành công trong xử lý cho cây trồng ra trái nghịch vụ, rải vụ đã nhanh chóng nhân rộng. Hiện khoảng 70% diện tích đất trồng sầu riêng được xử lý cho ra trái nghịch vụ; số còn lại cho trái thu hoạch cũng né vụ thuận. Chôm chôm thì khoảng 30% cho trái thu hoạch nghịch vụ và 70% cho ra trái thu hoạch sau đó nhưng cũng không để rơi vào vụ thuận.

Theo ông Lê Hoàng Phục - Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) xã Tân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành), để cây sầu riêng cho trái thu hoạch nghịch vụ, rải vụ thì tháng 4 âm lịch phải tiến hành xử lý vườn cây trồng. Khi xử lý có giai đoạn siết nước, tức là không cần nhiều nước. Việc này cũng đồng nghĩa “thuận thiên”, thời điểm mùa khô, hạn mặn cùng vào thời điểm siếc nước cây trồng. Cây trồng cho trái vụ nghịch, luôn bán được giá cao.

Cụ thể, năm 2023, nhà vườn ở Tân Phú thu hoạch trái sầu riêng bán được giá từ 70 - 120 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá khá hấp dẫn đối với người trồng sầu riêng. Như vậy, hộ dân chăm sóc cây sầu riêng cho ra trái thu hoạch nghịch vụ, rải vụ vừa thuận thiên vừa có được lợi nhuận cao.

Cho trái vào thời điểm thích hợp

Theo ông Lê Hoàng Phục, để xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ, rải vụ vào những thời điểm thích hợp, yếu tố kỹ thuật rất quan trọng. Nhiều năm qua, người trồng sầu riêng ở xã Tân Phú tiếp cận, cập nhật khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ rất nhiều đầu mối. Trong đó, có vai trò của ngành hữu quan thông qua mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Cách đây khoảng 1 năm, xã Tân Phú ra đời Tổ KNCĐ. Tổ gồm 7 thành viên là cán bộ nông nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, đại diện Hội Nông dân xã... đảm nhận các phần việc như: Phụ trách kỹ thuật, pháp lý, quan hệ với nông dân...Hàng tháng Tổ KNCĐ đều duy trì họp để nông dân trong các tổ hợp tác trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, chôm chôm, nuôi heo, nuôi dê, nông dân chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân.

Điều ghi nhận là nông dân Tân Phú rất chịu khó học hỏi để nâng cao kiến thức về chăm sóc cây trồng vật nuôi. Trong đó, có quan tâm chăm sóc cây trồng theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Sản phẩm làm ra hướng đến người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ. Từng hộ dân đã ý thức sự cần thiết phải đầu tư chi phí vào diện tích vườn cây trồng như: Đầu tư hệ thống đường ống để dẫn nước tưới cây trồng, máy bơm nước, máy đo độ mặn, tham gia nhóm zalo để cập nhật tình hình hạn, mặn...

Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú đã gắn kết với ngành hữu quan trong xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng và chôm chôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho nông dân đúng giá, chất lượng đảm bảo, thu mua sản phẩm của nông dân..., góp phần giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận (đầu ra) cho nông dân. Từ đó, thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống được cải thiện.

Theo Chủ tịch UBND xã xã Tân Phú Trần Hoàng Liêm, thời gian gần đây, xã tiếp tục chú trọng xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đầu tư xây dựng đường giao thông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và xây dựng các thiết chế văn hóa. 19 tiêu chí xã nông thôn mới hoàn thiện góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, đường xá thông thoáng việc vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Thương lái vào tận vườn thỏa thuận mua sản phẩm của nông dân. Bên cạnh đó, xã tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn. Trên địa bàn xã, có 8 điểm du lịch hoạt động xuyên suốt các ngày trong tuần. Hàng năm, lượng khách tập trung đông vào các ngày lễ lớn (30-4, 1-5, Giổ Tổ Hùng Vương, Tết Đoan ngọ...); thu hút nhiều khách đoàn và khách lẻ tham quan vườn chôm chôm, sầu riêng.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, hiện có hơn 50% diện tích trồng cây ăn trái tại các xã chủ lực thuộc huyện Châu Thành và Chợ Lách đã chủ động xử lý cho cây trồng ra trái thu hoạch nghịch vụ, rải vụ vừa thích ứng với BĐKH vừa né được những thời vụ thu hoạch rộ ở các vùng khác.

“Hướng tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có thêm nhiều diện tích đất trồng cây ăn trái xử lý cho cây trồng ra trái thu hoạch nghịch vụ, rải vụ. Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre xúc tiến thành lập Tổ KNCĐ tại các xã. Thông qua đó, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng, xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất theo hướng xanh - sạch - bền vững... Qua đó, giúp cho người dân nắm vững khoa học kỹ thuật và vận dụng chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao trong điều kiện BĐKH diễn ra ngày càng gay gắt", ông Đức nói.

 

Trần Quốc/Báo Đồng Khởi
Ý kiến bạn đọc
Top