Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 1 năm 2024 | 14:0

Bình Định ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, nông dân Bình Định đã có nhiều thay đổi trong canh tác, từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp bằng nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, mô hình dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất lúa đang đem lại hiệu quả tốt tại địa phương.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, góp phần bảo vệ sức khoẻ, thời gian qua, nông dân ở Bình Định đã ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone) vào sản xuất. Thiết bị này có tính năng thiết lập đường bay tự động, điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng với cơ chế đầu phun liên tục xoáy tròn, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau. 

Tại tỉnh Bình Định, các HTX đã liên kết đưa công nghệ trên vào thực hiện phun thuốc trên diện tích lúa của địa phương mình.

Nông dân ở Bình Định ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone) vào sản xuất.

Đơn cử tại TX. An Nhơn, năm 2022, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời đưa mô hình Drone vào canh tác sản xuất lúa tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc HTX này cho biết: Vụ lúa đông xuân năm 2021 - 2022, HTX áp dụng mô hình công nghệ Drone phun trên diện tích 47ha. Mô hình này mang lại hiệu quả về độ chính xác cao trong xử lý nên có thể dập dịch hại theo cụm và ngăn chặn bùng phát, thuốc phun đều và mịn, sử dụng ít nước, tránh lãng phí thuốc, phân, giúp bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường. Mô hình này cũng kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV trên nông sản, giúp người sử dụng tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV so với phun thuốc thủ công thông thường. Ngoài ra, mô hình còn giúp HTX giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân công mỗi lần đến kỳ phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa. 

Ông Nguyễn Văn Non, thành viên HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2, cho hay: Trước kia, tôi phun thuốc trừ sâu bằng bình đeo sau lưng nên thường bị thuốc bắn vào người. Dù có mang găng tay, khẩu trang và áo mưa để bảo hộ nhưng do tiếp xúc trực tiếp vào những ngày thời tiết nắng nóng, phun xong vẫn chóng mặt, đau đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm 2022, HTX tổ chức thực nghiệm mô hình thiết bị bay không người lái, lúc ấy bà con ai nấy cũng phấn khởi tham gia và nhận thấy được những lợi ích như không phải lội trực tiếp xuống ruộng nên hạn chế được tình trạng dẫm đạp lúa khi phun thuốc thủ công, giúp phun thuốc đều hơn trên mặt ruộng, chủ động, đỡ tốn thời gian hơn…. Bên cạnh đó, việc phun thuốc sâu bằng thiết bị bay giúp đảm bảo đúng tỉ lệ pha thuốc, đặc biệt nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc nên ít gây hại đến sức khỏe.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đưa mô hình phun thuốc Drone vào canh tác sản xuất lúa rất hiệu quả

Ông Hà Công Uẩn là một trong số những hộ dân đăng ký sử dụng dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng Drone. Theo ông Uẩn, nếu phun thủ công thì mỗi lần đến kỳ phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, nông dân rất vất vả. Mọi người phải trang bị kỹ càng từ đầu xuống chân để hạn chế việc thuốc trừ sâu bắn trực tiếp vào da, mỗi khi phun rầy nâu cho lúa phải dùng đòn gánh vén luống để phun được thân lúa. 

“Năm vừa rồi, tôi đăng ký sử dụng dịch vụ với HTX thì thấy đỡ vất vả hơn. Máy phun đều, thời gian phun nhanh, tiết kiệm chi phí, công lao động, đảm bảo đúng tỉ lệ pha thuốc, tránh hư lúa, tránh lây lan bệnh… Trong khi phun thuốc, gió từ cánh quạt máy bay vạch từng nhánh lúa khiến thuốc BVTV đi vào tận gốc, trong khi nếu phun thuốc thủ công không thể làm được điều này”, ông Uẩn cho biết thêm.

Tại huyện Tuy Phước (Bình Định), nhận thấy hiệu quả của công nghệ Drone, các HTX Nông nghiệp Phước Quang, HTX Nông nghiệp Phước Hưng cũng đã đưa công nghệ trên vào thực hiện phun thuốc.

Ông Nguyễn Văn Ghe, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Quang, cho biết: Đơn vị đã ký kết với Tập đoàn Lộc Trời dùng công nghệ Drone thực hiện phun thuốc BVTV cho diện tích liên kết sản xuất lúa giống với quy mô 100ha/450 hộ nông dân tại địa phương tham gia. Mô hình này giúp ích nhiều cho HTX và bà con chẳng hạn như về mặt khoa học kỹ thuật phun thuốc BVTV được số nhiều. Công nghệ này giúp xác định được thời gian chuẩn hơn, phun được đại trà để phòng ngừa dịch hại an toàn về lúa. Ngoài ra, giá thành mỗi lần phun thuốc thấp hơn bơm thủ công, hạn chế gây tác hại môi trường xung quanh khi dùng thuốc BVTV. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục duy trì mô hình này để thực hiện làm các cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu của HTX. 


Dương Hùng - Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
Top