Đó là giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phiên chất vấn sáng nay (6/6) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và các thành viên Chính phủ làm rõ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn trong thời gian tới.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu vấn đề, báo cáo năm 2022 cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ tăng không đáng kể. Tỷ lệ này ở nông thôn thấp hơn nhiều so với ở thành thị. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nguyên nhân do đâu và có giải pháp gì nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn?.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên).
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu rõ, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều với các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm có mặt còn hạn chế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong thời gian tới.
ĐBQB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng nhấn mạnh, Việt Nam là nước nông nghiệp, nông thôn là chủ yếu. Do vậy, Nhà nước ta đã có Đề án 1956 dành cho đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Đây là Đề án lớn nhất từ trước tới nay cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện Đề án này chưa được như mong đợi.
ĐBQB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk).
Đại biểu đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có câu trả lời thật thấu đáo về vấn đề này, việc triển khai Đề án này như thế nào? Hiệu quả ra sao? Nguồn kinh phí triển khai Đề án này đã được sử dụng như thế nào, có gây thất thoát lãng phí hay không?
Trả lời câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn thấp hơn nhiều so với ở thành thị không phản ánh đúng thực tiễn của thị trường lao động. Sau đại dịch Covid-19, gần 3 triệu người di chuyển ra thành phố tìm việc nên đa số dừng công việc ở đơn vị cũ; một bộ phận quay trở lại doanh nghiệp, đơn vị cũ. Tuy nhiên, số lao động quay trở lại công việc cũ không nhiều mà phần đông chuyển sang đơn vị mới, công việc mới. Do đó, tỷ lệ đào tạo mới cho những trường hợp này sẽ nhanh hơn, nhiều hơn.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm đổi mới cơ cấu và phương thức đào tạo nghề lao động nông thôn với phương châm chỉ đào tạo khi dự báo được công việc và đào tạo khi công việc có hiệu quả cao hơn, thu nhập cao hơn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình trước Quốc hội.
Về nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ cũng như các cấp rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc đào tạo nghề đã được phân vai rất rõ, trong đó đào tạo nghề khu vực cán bộ, công chức, viên chức phân công cho Bộ Nội vụ; đào tạo nghề phi chính thức do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thực hiện; đào tạo nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương triển khai.
Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chỉ đưa ra về nguyên tắc, chỉ đào tạo khi dự báo được công việc và hiệu quả khi đào tạo ra, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt như có thời điểm một xã đào tạo chỉ chuyên về sửa xe máy thì không hiệu quả.
Giải trình trước Quốc hội các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 6/6.
Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.
Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghệ nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 19, một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ là tư duy sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan giải trình về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Do vậy, cùng cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo… Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường của Bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Bộ cũng yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, cũng được đào tạo, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả…