Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 4 năm 2022 | 10:5

Cà Mau chỉ đạo tăng cường kiểm tra cua nuôi chết bất thường

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các huyện, TP. Cà Mau tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết trên địa bàn.

cua-chet.jpg

Cua chết bất thường gây thiệt hại cho người nuôi. Ảnh: TTĐTCM

 

Theo Cổng thông tin điện tử Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi thủy sản, dịch bệnh trên tôm, cua trên địa bàn tỉnh, kịp thời hướng dẫn, xử lý nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền các tác nhân gây bệnh và giải pháp khắc phục đồng bộ trước mắt (thu hoạch, thả giống, cải tạo ao nuôi, chọn con giống, mật độ thả giống, xử lý mầm bệnh, nguồn nước,...) để người dân nắm, chủ động triển khai thực hiện, hạn chế lây lan dịch bệnh; đồng thời, chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, quy trình phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi cho người dân và tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp xã chỉ đạo sản xuất phù hợp với lịch thời vụ và đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, các viện, trường và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức nghiên cứu các giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng (giáp xác chân tơ) gây ra trên cua nhằm giúp người nuôi giảm thiệt hại, sớm ổn định sản xuất.

UBND các huyện, thành phố Cà Mau chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo trong trường hợp bệnh dịch diễn biến phức tạp, không để lây lan ra trên diện rộng.

Theo người dân địa phương, thời gian gần đây, tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển, xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm của người dân chết bất thường.

Hiện tượng phổ biến là cua chết nổi trên mặt nước, nằm trên mé bờ, có màu sắc bị sậm, thân bị đóng rong, có ký sinh trùng bám khi quan sát trong mang. Những con cua còn sống khi bắt lên quan sát thì thấy thịt ốp, sau vài giờ có biểu hiện yếu dần và chết. Mức độ thiệt hại từ 30 đến 100%.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, qua kết quả kiểm tra, phân tích mẫu trên cua biển tại các hộ dân, bước đầu đã tìm được nguyên nhân gây ra cua biển nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường những ngày qua.

Theo Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, hiện cua bệnh chết là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỉ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1% và mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.

Ngoài ra, còn có vi khuẩn V.parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao, trên 1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Cơ quan chức năng Cà Mau nhận định, cua nuôi tại địa phương thường được người dân thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.

Trong khi chờ các nghiên cứu khoa học sắp triển khai nhằm có giải pháp đặc trị bệnh trên cua, ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo nhà nông cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi, cải tạo vuông nuôi…

 

 

P.V/theo Camau.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Top