Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 8 năm 2024 | 10:57

Cà Mau tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Cà Mau cùng các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất, sản lượng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

 Trong quá trình nuôi tôm, ngoài yếu tố về quy trình, kỹ thuật, điều kiện môi trường,… con giống đóng vai trò quan trọng và quyết định sự thành công của mô hình nuôi. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi được các cấp, các ngành quan tâm, với mong muốn giúp người nuôi tôm có vụ mùa bội thu, nâng cao chất lượng và giá trị cho con tôm Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau có hơn 280.000 ha đất nuôi tôm, dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm khoảng 40 tỉ con giống. Việc quản lý chất lượng tôm giống phục vụ cho người dân nuôi tôm là vấn đề đặt ra hàng đầu đã và đang được cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống và người nuôi tôm quan tâm. Nguồn con giống uy tín và đạt chất lượng là mong muốn của nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh, nhất là các hộ nuôi với quy mô gia đình, nhỏ lẻ.

Ông Lê Minh Toàn, ngụ ấp Công Trung, xã Trần Thới, huyện Cái Nước kỳ vọng: “Nhiều năm trước, thời tiết, môi trường thuận lợi, việc nuôi tôm cũng đạt kết quả khả quan. Vài năm trở lại đây, trước tình hình biến đổi khí hậu, môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh gia tăng làm năng suất nuôi tôm bị sụt giảm nhiều. Do đó, ngoài được tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật nuôi, người dân chúng tôi rất cần nguồn tôm giống uy tín, đạt chất lượng để phần nào cải thiện năng suất, sản lượng tôm nuôi. Hiện nay, chúng tôi chỉ biết tìm mua tôm giống tại các cơ sở trên thị trường, không rõ chất lượng cũng như khả năng sinh trưởng, chống chịu điều kiện thời tiết, dịch bệnh như thế nào. Nếu các cơ sở này có kiểm dịch, kiểm tra của cơ quan chức năng sẽ là thuận lợi lớn cho người dân”.

Nhu cầu tôm giống thì lớn, trong khi năng lực sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng 50% giống tôm nuôi, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và lân cận. Trên địa bàn tỉnh hiện có 359 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, có 260 cơ sở sản xuất, với quy mô 70.000m3 và 99 cơ sở ương dưỡng tôm giống, với quy mô 1.000 m3. Năm 2023, số lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh đạt trên 19,5 tỉ con, với 2 nguồn giống tôm sú và giống tôm thẻ chân trắng. Trong đó, số lượng giống kiểm dịch xuất tỉnh là 800 triệu con, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nuôi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau tích cực kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nguồn tôm giống.

Thực tế cho thấy, các trại sản xuất giống ở Cà Mau tuy nhiều nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, công nghệ ứng dụng vào sản xuất phát triển chậm, chất lượng con giống chưa ổn định mặc dù tỉnh có lợi thế rất lớn về tôm sú bố mẹ. Đã qua, tỉnh Cà Mau luôn nỗ lực tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu giống chất lượng, phục vụ trong nuôi tôm. Vì vậy, công tác kiểm dịch, kiểm tra tình hình sản xuất tôm giống, cũng như kiểm soát việc vận chuyển tôm giống từ các tỉnh vào tỉnh Cà Mau thời gian qua được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành, địa phương tích cực tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm giống. Theo đó, tỉnh đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành 2419 để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường vận chuyển đường thủy, đường bộ và các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Tại các huyện cũng thành lập các đoàn liên ngành để phối hợp quản lý tốt chất lượng tôm giống. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng, kỹ thuật để sản xuất con giống đạt chất lượng theo quy định”.

Nhờ đó, chất lượng tôm giống sản xuất tại địa phương từng bước được nâng cao. Bước đầu, tôm giống trong tỉnh đã tham gia vào chuỗi tôm giống trong và ngoài tỉnh cung cấp cho người nuôi mang lại hiệu quả, đã tạo dựng được lòng tin cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, công tác quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống vẫn gặp một số khó khăn. Một nữa lượng tôm giống đáp ứng nhu cầu trong tỉnh phải nhập về từ các địa phương khác, việc quản lý chất lượng, quy trình vận chuyển đối với nguồn giống này là bài toán khó cho ngành Nông nghiệp tỉnh. Thêm vào đó, phần lớn cơ sở sản xuất tôm trong tỉnh quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ đã xuống cấp, không còn đảm bảo điều kiện sản xuất theo quy định và không công bố tiểu chuẩn áp dụng, không công bố hợp quy đối với giống thủy sản của cơ sở sản xuất, do đó chất lượng chưa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người nuôi.

Để quản lý tốt hơn chất lượng giống thủy sản, nhất là con tôm giống sản xuất tại địa phương và nhập vào tỉnh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng thông tin thêm: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về quản lý chất lượng, kiểm dịch giống thủy sản. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các tỉnh có nhập giống thủy sản vào Cà Mau trong công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, thường xuyên cập nhật trao đổi thông tin 2 chiều về công tác quản lý kiểm dịch tôm giống đã được ký kết phối hợp. Ngoài ra, sắp xếp lại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, giảm dần số lượng cơ sở quy mô nhỏ, khuyến khích đầu tư phát triển các doanh nghiệp sản xuất giống có quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi của tỉnh. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ nuôi vỗ tôm bố mẹ, quy trình sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tôm bố mẹ và tôm giống có chất lượng cao”.

 

Bích Ngọc/Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau
Ý kiến bạn đọc
Top