Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2023 | 13:57

Cần giải pháp căn cơ cho tình trạng thoái hóa đất

Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều chủng loại cây ăn quả, với nhiều cây ăn quả đặc sản từ ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới tại các vùng miền khác nhau.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc thoái hóa đất đã gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm tại nhiều địa phương.

Lạm dụng phân bón vô cơ khiến đất đai bị bạc màu, chai cứng

Nhiều năm qua, cây ăn quả là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương phía Bắc; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn.

Thế nhưng, ngày nay, đất đai đang dần bị thay đổi về đặc tính và tính chất ban đầu theo chiều hướng xấu do tác động của điều kiện tự nhiên và con người, gây ra tình trạng sản phẩm sau thu hoạch không đồng đều, năng suất không ổn định và có xu hướng giảm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, diện tích cây có múi tại địa phương bị suy thoái trong giai đoạn 2018 - 2021. Từ năm 2022 đến nay, mức độ suy thoái giảm do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, diện tích suy thoái chủ yếu trên cây cam, quýt.

Sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo, tăng sức khỏe của đất.

Đơn cử, tại vùng sản xuất cam huyện Cao Phong, năm 2020 có khoảng 2.330ha, trong đó 1.813ha ở giai đoạn kinh doanh nhưng đến hết năm 2022 còn 1.357ha, trong đó 1.328ha ở giai đoạn kinh doanh (tổng diện tích giảm 973ha và giảm 485ha diện tích kinh doanh).

Trong khi đó, 50% diện tích cam thời kỳ kinh doanh tại huyện Kim Bôi phát triển kém, bị suy thoái, chất lượng quả giảm.

Qua đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số diện tích trồng mới không đủ điều kiện về đất, qua quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến đất bị chai cứng, nhiễm dịch hại nguy hiểm như vàng lá thối rễ, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ..., gây suy tàn, thoái hóa nhanh chóng vườn cây, ngay cả vườn tái canh trong giai đoạn kiến thiết.

Theo Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, kỹ thuật canh tác chưa được áp dụng phổ biến, bón phân sai cách cũng là nguyên nhân khiến đất bị chua (độ pH giảm dưới 5). Cũng như nếu việc quản lý cỏ không tốt, không tạo được độ che phủ bề mặt thì khả năng đất bị rửa trôi là rất cao.

Ngoài ra, việc lạm dụng các loại phân, thuốc hóa học, hóa chất độc hại phòng trừ sâu bệnh trong thời gian dài canh tác, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ phì của đất. Các nguyên tố hóa học, kim loại nặng khi tích tụ lâu ngày sẽ làm phá vỡ cấu trúc đất, khiến đất bị trơ và khó canh tác.

Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ

Có thể nói, phân bón hóa học có đóng góp rất lớn trong việc nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu lương thực hơn thế kỷ qua. Tuy nhiên, bên cạnh làm tăng chi phí đầu vào thì sử dụng phân hóa học làm tăng rửa trôi các chất dinh dưỡng và phát thải khí nhà kính. Do đó, việc chuyển dịch từ nền nông nghiệp dựa vào phân bón hóa học sang nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Phân bón hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật hay động vật, cung cấp chất hữu cơ và dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng, giúp kích thích sự phát triển của vi sinh vật, tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, hay thoái hóa, bạc màu của đất. Từ đó giúp cải thiện sức khỏe đất, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Để tránh tình trạng đất bị suy thoái do canh tác lâu năm, các chuyên gia nông nghiệp nhận định, thời gian tới, nông dân cần thay thế phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ. Việc bón phân hữu cơ cho cây, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất, còn duy trì cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật, làm đất tơi xốp, giúp rễ cây hút dinh dưỡng tốt hơn. Chưa kể tác dụng của chất hữu cơ là nguồn lớn cung cấp CO2 cho cây quang hợp. Chất hữu cơ còn chứa một số chất có hoạt tính sinh học, kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, làm nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Phân hữu cơ có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, các cơ quan, ban ngành, các địa phương cần hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và ATTP.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất; tích cực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học đối với đất trồng cây nông - lâm nghiệp; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát việc kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn... 

Che phủ đất là biện pháp canh tác mà nhà vườn cần áp dụng để có thể khôi phục nền đất bị thoái hóa, bạc màu. Nếu đất trồng không được che phủ, dưới tác động của nắng, mưa và gió khiến đất trở nên khô cằn, nén chặt, chai cứng, rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong đất.

Bổ sung cho đất nguồn phân hữu cơ và các vật chất hữu cơ. Các loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất cực tốt như phân chuồng (phân bò, trâu), phân ủ từ rác nhà bếp,…Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…), xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..).

Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt. Cải thiện nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.

Theo PGS. TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đất canh tác bị suy thoái có thể do giống,  canh tác, phân bón, nhưng có cả do chính chúng ta. Cần nhìn nhận và xác định giải pháp căn cơ bền vững đưa cây có múi phát triển bền vững. Câu chuyện từ Hòa Bình, chúng ta cần tiến hành, rà soát đánh giá phân loại từng vấn đề một. Từ phân loại mới áp dụng được các nhóm giải pháp hiệu quả.

Để phát triển bền vững, hiệu quả theo đúng định hướng sinh thái, nâng cao giá trị, đảm bảo xây dựng được thương hiệu quả có múi của Việt Nam, PGS. TS. Doanh cho rằng, công việc đầu tiên các địa phương cần làm là cải thiện môi trường đất cho cây, từ hệ vi sinh, rễ cây đến chất dinh dưỡng…

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top