Toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 260ha trồng sầu riêng, sản lượng ước đạt 1.800 tấn/năm. Tuy sản lượng chưa nhiều so với các vùng trọng điểm khác, song, với hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại, rất cần hướng đi đúng và bền vững cho loại nông sản có giá trị cao này.
Nhà vườn ấp Hòa B, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) thu hoạch sầu riêng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện năng suất sầu riêng của Kiên Giang bình quân đạt 7 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, Tân Hiệp và TP Phú Quốc. Trong đó, chỉ duy nhất xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) được cấp 2 mã vùng trồng với tổng diện tích sầu riêng 28,5ha. Ông Lương Văn Sáng, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, người đại diện vùng mã vùng trồng (VN.KGOR.0102.SAU.EU), cho biết: "Sau gần 2 năm được cấp mã vùng trồng, đến nay 15ha sầu riêng Ri 6 canh tác theo hướng VietGAP của bà con ở đây vẫn chưa liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ. Chúng tôi vẫn phải bán cho thương lái nên bị ép giá là chuyện thường ngày". Theo ông Sáng cũng như các nhà vườn trồng sầu riêng trong tỉnh, nếu giá giữ ổn định từ 40.000-50.000 đồng/kg thì sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Mưng, ngụ ấp Hòa A, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) cho biết, năm 2023, ông bán sầu riêng tại vườn với giá 48.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông lãi khoảng 700 triệu đồng từ 1,3ha trồng sầu riêng.
Tỉnh Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng, giá thu mua đang giảm từ 60.000-70.000 đồng/kg so với đầu vụ cách nay hơn 1 tháng. Cụ thể, sầu riêng Ri 6 hiện có giá 65.000 đồng/kg, Monthong 120.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng), cho biết: "Nhờ thu hoạch sớm cách nay gần 2 tháng nên tôi bán được hơn chục tấn sầu riêng Ri 6 với giá từ 120.000-130.000 đồng/kg". Theo ông Phong, sầu riêng là cây lâu năm, trồng từ 4-5 năm mới cho thu hoạch. Với chi phí đầu tư cho đến khi có trái vào khoảng 50 triệu đồng/1.000m2. Do đây là vụ thu hoạch đầu tiên nên ông chưa thể tính toán được lợi nhuận cụ thể.
Ðể sầu riêng không bị lép vế trước sầu riêng của vùng trồng ngoài tỉnh và các nước, nhất là đi vào vết xe đổ dội chợ rất cần một hướng đi riêng. Theo ông Ðặng Xuân Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, toàn xã có 33ha sầu riêng. Trước tình hình giá thị trường sụt giảm mạnh, thương lái ép giá, bỏ cọc, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên cập nhật theo dõi giá cả thị trường, tình hình tiêu thụ sầu riêng của địa phương, báo cáo định kỳ hằng tuần, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu mua, tiêu thụ sầu riêng theo hướng có lợi cho nông dân.
Thực tế cho thấy, hầu hết quy mô trồng sầu riêng ở Kiên Giang là nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định, chủ yếu bán qua thương lái. Chưa kể, hầu hết nông dân chưa được tập huấn về quy trình canh tác cây sầu riêng nên thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, quản lý sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, chất lượng sầu riêng. Ông Ðỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Không đảm bảo chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc thì sầu riêng không xuất khẩu được, lại ùn ứ, dội chợ, người nông dân lãnh đủ. Do đó, thời gian tới, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh đưa sầu riêng vào danh mục cây trồng được theo dõi, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật chi tiết cho sản xuất sầu riêng đến người nông dân".
Cũng theo ông Ðỗ Trần Thịnh, Hội Nông dân tỉnh lưu ý các cấp hội khi tuyên truyền cần phân tích hiệu quả, lợi ích của việc liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập mã vùng trồng, sản xuất theo hướng an toàn… cho nông dân hiểu và áp dụng vào những vụ mùa sầu riêng tiếp theo. Hội sẽ tích cực tạo điều kiện để liên kết các vùng sản xuất sầu riêng trong tỉnh theo mô hình kinh tế tập thể để liên doanh một số doanh nghiệp mua sầu riêng xuất khẩu. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trồng sầu riêng.