Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 27 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024 | 10:8

Cần ngăn dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng bùng phát, lan rộng tại nhiều tỉnh phía Bắc, ngành chức năng địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn trên địa bàn...

Bắc Kạn: Dịch tả lan rộng khắp tỉnh

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, đến 16/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan đến trên 2.200 chuồng trại nhà dân, ở trên 530 thôn thuộc 94/108 xã, phường thuộc tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn, làm gần 9.600 con lợn chết, tiêu hủy với trọng lượng gần 374 tấn.

Trong số đó, các huyện Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì, thành phố Bắc Kạn có 100% số xã, phường đều ghi nhận dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi.

Các xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) và xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm) đã qua 21 ngày không phát sinh trường hợp lợn mắc bệnh. Thế nhưng, 91 xã chưa qua 21 ngày, trong đó có 6 xã đàn lợn mắc bệnh lần 2.

Cán bộ thú y kiểm tra và phun khử khuẩn tại chuồng trại của một hộ dân. Ảnh: Ngọc Tú

Tới thời điểm hiện tại, chỉ xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) đủ điều kiện công bố hết dịch. Trước đó, ngày 13/6, qua kiểm tra, nắm tình hình công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Kạn, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Văn Long đã đề xuất, tỉnh Bắc Kạn cần công bố dịch tả lợn châu Phi quy mô cấp tỉnh để nâng mức độ phòng, chống dịch cao hơn, huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, chỉ đạo phối hợp với chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt; cán bộ chuyên môn thiếu từ cấp tỉnh đến cơ sở; chưa có hướng dẫn kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh...

Được biết, dựa trên những con số hiện tại, 5% tổng đàn lợn ở Bắc Kạn đã nhiễm dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, thiệt hại có thể sẽ ngày càng tăng lên.

Thông tin từ ông Đỗ Xuân Việt - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, tình trạng giấu dịch, buôn bán lợn ốm, lợn chết trong vùng dịch vẫn còn diễn ra gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn nhận định, dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội là do chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm 70% nên khó phòng, chống dịch. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ vùng dịch trong nội tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một bộ phận người chăn nuôi lơ là chưa báo cáo dịch kịp thời. Thời tiết đang ở giai đoạn giao mùa nên mầm bệnh dễ bùng phát.

Ngoài ra, từ khi xóa trạm thú y cấp huyện để thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khiến cho việc chỉ đạo nảy sinh bất cập, khó khăn. Tỉnh Bắc Kạn cần Trung ương hỗ trợ khẩn cấp khoảng 10.000 lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia.

Ông Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, về lâu dài và căn cơ để đẩy lùi dịch bệnh trên đàn lợn là thực hiện tiêm vaccine đầy đủ. Thực tế cho thấy, tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao đã phòng bệnh rất tốt.

Lạng Sơn nỗ lực ngăn chặn dịch

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương, từ đầu năm đến nay (số liệu tính đến ngày 13/6), dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hơn 1.000 hộ/227 thôn/75 xã/10 huyện, thành phố (huyện Đình Lập chưa xảy ra dịch). Tổng số lợn chết, phải tiêu hủy hơn 3.270 con, tổng trọng lượng trên 159.860 kg.

Theo thông tin từ Cục Thú y, đến ngày 9/6/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 392 xã/148 huyện của 40 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy 17.723 con, nhiều nhất là tại các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến ngày 9/6, cả nước còn 199 ổ dịch/199 xã, phường/63 huyện, thị xã, thành phố/18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Bình Gia đã quyết định công bố dịch bệnh này ở 15/19 xã. Lãnh đạo UBND huyện Bình Gia cho hay, việc công bố dịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi, khoanh vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm để triển khai các biện pháp cấp bách ngăn dịch bệnh lây lan. Toàn bộ số lợn mắc bệnh, bị chết bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Nguyễn Mạnh Tuấn yêu cầu, Chủ tịch UBND các xã có dịch chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của xã, các thôn và nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh; thực hiện đồng bộ biện pháp bao vây dập dịch; đặt biển báo, lập chốt kiểm soát nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra, vào vùng có dịch; tiến hành tiêu độc khử trùng theo quy định.

Mặc dù, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều xã, huyện ở tỉnh Lạng Sơn diễn biến khá phức tạp song đàn lợn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, chưa bị nhiễm bệnh dịch này.

Ông Vi Văn Thu ở xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình có 12 con lợn vẫn khỏe mạnh, an toàn trong khi nhiều hộ trên địa bàn xã lợn nuôi đã bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Ông Thu chia sẻ, khoảng tháng 4/2024, gia đình mua giống của cơ sở uy tín khi lợn được một tháng tuổi. Để phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cùng với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng khu chăn nuôi tách biệt, thường xuyên tiêu độc, khử trùng, dọn vệ sinh chuồng trại, gia đình ông đã mua vaccine dịch tả lợn châu Phi về tiêm cho đàn lợn.

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Lạng Sơn khoảng hơn 181.200 con. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh khá cao, do tập quán chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ của người dân. Thời tiết thay đổi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của con nuôi... Do vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi nói chung, đàn lợn nói riêng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tỉnh đặt mục tiêu tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn ở tất cả 200 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó, tiêm cho đàn lợn khoảng 150.000 lượt con.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 7/2023, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Hùng khuyến cáo, virus tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại trong môi trường trong thời gian dài, do vậy, người chăn nuôi lợn luôn phải chú trọng công tác khử khuẩn chuồng trại, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, khi mua con giống về tái và tăng đàn nên chọn lựa nguồn con giống có đủ giấy tờ kiểm dịch thú y; bố trí khu vực chăn nuôi lợn giống mới, sau 21 ngày nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập đàn…

Quảng Ninh: Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại hàng tỷ đồng

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 14/5 - 09/6/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 06 huyện, thị xã, thành phố gồm Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 1.132 con, trọng lượng hơn 55 tấn, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Virus dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi và gây bệnh.

Một số đơn vị đã chủ động trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Bà Đặng Thị Liên (Giám đốc HTX Vạn Thịnh Phát, TP Móng Cái), chia sẻ, HTX luôn đề cao trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

"Chúng tôi rắc vôi, khử trùng chuồng trại định kì 2 lần/tháng, thức ăn cũng phải kiểm soát, nấu chín thức ăn trước khi cho đàn lợn ăn. Cùng với đó, các chủ hộ chăn nuôi thuộc HTX hạn chế di chuyển sang vùng có dịch cũng như hạn chế cho người lạ vào chuồng trại để đảm bảo vật nuôi trước tình hình dịch đang bùng phát ở nhiều nơi", bà Liên nhấn mạnh.

Lợn Móng Cái của HTX Vạn Thịnh Phát được chăn nuôi theo quy trình phòng bệnh nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát khống chế ổ dịch tả lợn châu Phi qua Văn bản số 2080-CV/TU ngày 04/6/2024 về việc phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi lợn phải xác định công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nhất là trong thời điểm thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch với mục tiêu khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây lan diện rộng trên địa bàn. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Để kiểm soát, khống chế ổ dịch, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các xe chở gia súc, gia cầm đặc biệt các xe chở lợn lưu thông trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, trang trại “đóng kín” chuồng nuôi, kiểm soát các nguồn đầu vào có nguy cơ lây nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất từ hộ, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; không nhập con giống từ các địa phương đang có dịch; không nuôi mới, tái đàn khi chưa công bố hết dịch; không đến tham quan trang trại, không tổ chức họp trực tiếp với chủ cơ sở, người chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại, khu chăn nuôi.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn với tỉ lệ chết gần như 100%. Virus gây bệnh có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh. Virus có sức đề kháng cao, chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt lợn sống hoặc ở nhiệt độ không cao có thể tồn tại được 3-6 tháng, vi rút bị chết ở 70 độ C.

Do sức đề kháng của virus cao nên bệnh có khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát và chưa có thuốc điều trị. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.

Hiện nay, đã có vacxin phòng bệnh và được Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo tiêm cho lợn thịt, tuy nhiên, thực hiện với quy trình giám sát nghiêm ngặt. Năm 2023, một số tỉnh đã thử nghiệm tiêm vacxin và đang đánh giá hiệu quả.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến đáng lo ngại tại Hàn Quốc

Thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc hôm 16/6 cho biết, nước này đã xác nhận trường hợp thứ 4 mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) từ các trang trại chăn nuôi lợn trong năm nay.

Trường hợp ASF mới nhất được phát hiện tại một trang trại ở thành phố Yeongcheon, phía đông nam của tỉnh Gyeongsang Bắc, cách thủ đô Seoul 243 km về phía đông nam vào ngày 15/6.

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh ngừng hoạt động trong vòng 48 giờ đối với các trang trại chăn nuôi lợn và những cơ sở liên quan ở khu vực lân cận.

ASF không ảnh hưởng đến con người nhưng lại gây tử vong cho lợn. Hiện tại, vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc chữa trị căn bệnh này.

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc cho biết, vụ việc này sẽ có ảnh hưởng hạn chế đến thị trường thịt lợn địa phương, đồng thời kêu gọi các trang trại tuân thủ triệt để những bước kiểm dịch cần thiết.

Theo laodong.vn, nongnghiep.vn, baotintuc.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top