Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023 | 15:28

Cần tạo điều kiện cho khuyến nông cộng đồng đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển khuyến nông cộng đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mục đích chính của buổi tọa đàm giúp cán bộ khuyến nông rút ra những kinh nghiệm để áp dụng thực tiễn tại địa phương.

Củng cố và phát triển mô hình khuyến nông cộng đồng 

Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng trở thành lực lượng chủ lực của ngành Nông nghiệp ở cơ sở, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm - thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện theo nội dung Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”; phối hợp với các địa phương đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông HTX, khuyến nông cộng đồng…

Tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống vừng VS-1. ảnh: Mỹ Nhân.

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu UBND huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, định hướng để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ chính như: nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho nông dân, đồng hành với nông dân; hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp ở địa phương (bao gồm cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn); tư vấn, dịch vụ, thương mại nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông dân; tư vấn tổ chức lại sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2023, tỉnh đã thành lập 89 tổ khuyến nông cộng đồng, trong đó 2 tổ thí điểm thuộc Đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tỉnh cũng đã xây dựng được 480 nông dân chuyên nghiệp từ các tổ khuyến nông cộng đồng để hoạt động bền vững và hiệu quả hơn.

Tỉnh Bến Tre tuy không nằm trong phạm vi thí điểm của Đề án, nhưng đến nay đã thành lập được 90 tổ khuyến nông cộng đồng với 720 thành viên. Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 10 tổ khuyến nông cộng đồng điểm để làm cơ sở nhân rộng.

Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng tham gia các mô hình nông nghiệp có nguồn vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo nguồn kinh phí hoạt động cũng như tăng thêm thu nhập và trình độ chuyên môn cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng.

Định hướng thị trường

Qua hơn 1 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”,  cả nước đã mở rộng thêm 30 tỉnh, thành phố, thành lập được 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng tại khu vực ĐBSCL, một số địa phương nằm ngoài vùng thí điểm của Đề án nhưng đã củng cố và thành lập được các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả ở hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá, kết quả đến thời điểm hiện tại của Đề án là ngoài mong đợi. Mặc dù Đề án đang trong giai đoạn thí điểm nhưng các địa phương liên tục nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng và hình thức hoạt động cũng rất đa dạng, có hiệu quả. Quan trọng nhất là kết nối cộng đồng tham gia vào hoạt động khuyến nông.

Theo ông Thanh, nhiều tổ khuyến nông cộng đồng đã kết nối được với các doanh nghiệp, xây dựng phát triển các HTX sản xuất, đặc biệt là hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thẳng thắn trình bày, chia sẻ về khái niệm, vai trò, vị trí của công tác khuyến nông ở cơ sở trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của công tác khuyến nông trong gắn với các nhiệm vụ liên kết sản xuất, tập trung vào vùng nguyên liệu nâng cao các mặt hàng chủ lực, tổ chức hình thức hoạt động, các chính sách cho cán bộ khuyến nông cũng như bàn các giải pháp và định hướng phát triển mạng lưới khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới hiệu quả trong hoàn cảnh hiện nay.

Ông Thanh nhấn mạnh, tổ chức khuyến nông cộng đồng sẽ không có mô hình mẫu, mà chỉ là những nguyên tắc cơ bản. Qua đó làm sao kêu gọi cộng đồng, bao gồm doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, nông dân giỏi, có kinh nghiệm để tham gia vào hoạt động khuyến nông.

Không để tổ khuyến nông cộng đồng “tự bơi”

Từ cách làm của tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao và xem đây là một trong những giải pháp cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của tổ khuyến nông cộng đồng theo tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, công khai, dân chủ, nhưng phải có sự giám sát của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước, không để các tổ khuyến nông cộng đồng “tự bơi”.

Những cán bộ khuyến nông phải được đào tạo về cách thức tổ chức HTX, liên kết với doanh nghiệp; cầm tay chỉ việc cho nông dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Đồng thời, phải nắm vững thông tin thị trường để định hướng cho nông dân sản xuất, trồng cái gì, giá cả thế nào, bán ở đâu, thậm chí là tìm đầu ra cho nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ, nên có các hoạt động tạo điều kiện cho lực lượng khuyến nông cộng đồng đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp. Cách làm này vừa hỗ trợ nông dân, vừa tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho đội ngũ khuyến nông, đảm bảo sứ mệnh là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp.

Đối với vùng ĐBSCL, đây là vùng sản xuất nông nghiệp năng động, vì thế, hoạt động khuyến nông cũng rất đa dạng, không khu biệt vào một mô hình nào. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương trong vùng cùng doanh nghiệp phối hợp để xây dựng đội ngũ khuyến nông cộng đồng thật sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất.

“Xây dựng được đội ngũ khuyến nông cộng đồng thật sự quan trọng, không nên vội vàng, xây dựng một loạt tổ khuyến nông cộng đồng mà không có nội dung và kinh phí để họ hoạt động. Phải thận trọng, bình tĩnh, chậm mà chắc trong xây dựng tổ chức khuyến nông cộng đồng, nếu không, thành lập một thời gian rồi giải tán, muốn thành lập lại cực kỳ khó”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Đối với những địa phương đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị phải củng cố lại, thường xuyên tập huấn để nâng cao trình độ cho lực lượng này. Song song đó, tạo mối liên kết dọc - ngang chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và đội ngũ khuyến nông cùng tham gia vào tiến trình hỗ trợ, đào tạo để xây dựng nông dân chuyên nghiệp.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông của Việt Nam được xây dựng, phát triển từ Trung ương tới cơ sở theo các Nghị định của Chính phủ về khuyến nông. Đến năm 2015, tổng số cán bộ khuyến nông các cấp trên toàn quốc đạt 36.812 người, bao gồm các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã, cấp thôn bản và có khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông ở các vùng, miền trong cả nước.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top