Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 11 năm 2023 | 10:0

“Chìa khóa” tăng giá trị và tăng tốc sản xuất vụ đông

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Nông nghiệp các địa phương đang tăng tốc sản xuất vụ đông, đẩy mạnh kết nối lưu thông hàng hóa...

Thanh Hóa: “Chìa khóa” tăng giá trị trong sản xuất vụ đông

Vụ đông 2023-2024, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 47.000 ha, giá trị sản xuất đạt trên 3.525 tỷ đồng trở lên. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã giảm dần các cây trồng truyền thống để trồng các loại cây rau màu giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Người dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) chăm sóc cây trồng vụ đông.

Những ngày thời tiết thuận lợi, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo người dân ở các xã, thị trấn nhanh chóng thu hoạch diện tích sản xuất lúa thu mùa để tạo quỹ đất gieo trồng cây trồng vụ đông. Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông nên người dân đã có kinh nghiệm sản xuất, chủ động đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như: dưa bao tử, dưa chuột, ớt, bí xanh, cà chua, rau đậu các loại, khoai tây, khoai lang... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, thuê, mượn đất để sản xuất vụ đông, phấn đấu gieo trồng từ 3.780 ha trở lên. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sản xuất nông sản an toàn, hướng dẫn người dân đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng đúng thời vụ. Xác định khoa học - kỹ thuật là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX hướng dẫn người dân sản xuất các loại rau, quả trong nhà lưới, sử dụng phân bón sinh học, sử dụng nhà màng phủ nông nghiệp trong trồng dưa hấu, lạc, trồng cà chua bằng giống ghép, làm bầu đối với bí xanh, su hào, ươm cây giống đối với ớt... Bên cạnh đó, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp không chỉ làm tốt nhiệm vụ làm “cầu nối” giữa người dân và doanh nghiệp mà còn chủ động thu mua sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Với đặc thù về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của từng vùng, mỗi địa phương trong tỉnh đang lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để nâng cao giá trị trong sản xuất vụ đông. Năm nay, hầu hết các địa phương đều tiếp tục phát triển sản xuất vụ đông theo định hướng nâng cao giá trị kinh tế. Do đó, những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được các địa phương ưu tiên gieo trồng có lợi thế, như: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại... Và các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như: khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành, tỏi... Bên cạnh việc chú trọng sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, các địa phương cần thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chủ động trong công tác phòng trừ, như: sâu keo mùa thu, sâu đục quả, sâu cuốn lá... và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Bên cạnh những thuận lợi thì việc thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nỗi lo “được mùa, mất giá” vẫn là những khó khăn mà người dân phải đối mặt.

Để nâng cao giá trị sản xuất vụ đông, bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc, áp dụng khoa học thì các địa phương cũng cần chủ động trong việc tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa cho biết: Ngay sau khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, huyện đã có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với những nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhất là, tập trung sản xuất các loại nông sản có khả năng bảo quản, tiêu thụ nội địa tốt như ngô hạt, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu...

Vụ đông 2023-2024, toàn tỉnh sẽ có khoảng 25 đến 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết sản xuất, như: Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt, HTX tiêu thụ sản phẩm Toàn Năng Thái Bình...

Bắc Ninh: Hợp tác xã điển hình sản xuất giống vụ đông

Nằm trên vùng truyền thống sản xuất cây màu vụ đông, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã An Thịnh, Lương Tài) duy trì bền vững mô hình liên kết tiêu thụ cây ngô giống không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần thay đổi cách thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà duy trì liên kết sản xuất tiêu thụ ngô giống khoảng 50 tấn/năm.

Theo ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, toàn thôn hiện có 300 hộ thành viên tham gia HTX, diện tích sản xuất 56 ha. Với sự cần cù, chịu khó và kinh nghiệm canh tác, những năm qua, hầu hết diện tích  trồng hành, tỏi, bí, cà rốt… của HTX đều đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa như mong muốn do phần nhiều nông dân vẫn tiêu thụ tự do, phụ thuộc vào thương lái, có mùa vụ chịu rủi ro từ thời tiết.

Quyết tâm nâng cao giá trị canh tác cho nông dân, năm 2009, HTX tìm hiểu và đặt vấn đề liên kết bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra với Viện Nghiên cứu ngô. Lúc này, không ít nông dân còn e ngại, một số vẫn quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhận thức chưa đầy đủ nên mặc dù ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường tăng lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn. Ban Quản trị HTX đứng ra làm trước, rồi vận động thành viên tự nguyện quy vùng chuyên canh sản xuất ngô giống. Qua những mùa vụ đầu tiên, nông dân thấy rõ hiệu quả nên tích cực tham gia chuỗi liên kết, đến nay diện tích đạt 6,1 ha.

Hàng năm, cứ từ cuối tháng 12, các ruộng được chia luống trồng giống ngô bố, ngô mẹ riêng. Doanh nghiệp cử cán bộ về thường trú tại địa phương, cùng HTX bám sát, đồng hành với nông dân từ giai đoạn xuống đồng đến hết thời kỳ thụ phấn, bảo đảm chất lượng hạt giống tốt nhất, không lẫn tạp. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp về thu mua tươi tại ruộng, giá bán khoảng 11.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu 2,5 - 3 triệu đồng/sào, một năm trồng 2 vụ cho thu khoảng hơn 5 triệu đồng/ sào. Thậm chí năm 2022, do thời tiết mưa lớn khiến cây gẫy, đổ, doanh nghiệp hỗ trợ HTX gần 200 triệu đồng chi phí để sản xuất lại nên nông dân rất yên tâm.

Ông Nguyễn Hữu Bảy có 1,2 mẫu sản xuất ngô giống cho biết: “Nhiều người vẫn nghĩ trồng ngô có giá trị kinh tế thấp nên không còn mặn mà sản xuất nữa. Tuy nhiên, cây ngô có ưu điểm dễ chăm sóc, ít tốn công, chi phí nên khi được bao tiêu đầu ra có thể đem về nguồn thu ổn định. Chúng tôi tuân thủ theo đúng lịch thời vụ do HTX sắp xếp, chịu khó dọn cỏ, xử lý thụ phấn như được hướng dẫn nên sản phẩm thu hoạch đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp cho doanh nghiệp. Ở diện tích trồng ngô giống, chúng tôi vẫn có thể canh tác thêm 1-2 vụ ngô thương phẩm, tổng thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/sào/ năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa và một số cây màu trước đây”.

Được biết, để liên kết bền vững, hàng năm HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đứng ra ký hợp đồng cung cấp giống với cam kết về sản lượng và chất lượng, định giá thu mua từ đầu mỗi vụ. Về phía nông dân, HTX làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức sản xuất, thường xuyên cập nhật quy trình kỹ thuật để đạt yêu cầu cung ứng khoảng 50 tấn ngô/ năm.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lương Tài, đánh giá: “Thông qua liên kết sản xuất theo đặt hàng, nông dân vừa được chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, ít rủi ro hơn sản xuất tự do. Việc HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Thanh Hà tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ ngô giống là điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương, của mô hình kinh tế tập thể rất cần được nhân rộng”.

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà sản xuất hơn 10 ha cây màu các loại. Ngoài ngô giống, HTX đang tìm liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thêm một số loại cây khác như hành, tỏi… “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ xây dựng tưới tiêu tự động để mở rộng diện tích, thuận tiện cho việc canh tác; giới thiệu liên kết, xúc tiến thương mại với các đối tác và hợp đồng cung cấp mới. Từ đó, HTX tiếp tục làm tốt vai trò chủ thể trong việc tập hợp hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị sản xuất và là điểm tựa cho các hộ thành viên” - Giám đốc HTX Nguyễn Đình Hải bày tỏ.

Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2022 đạt 4,702 triệu tấn, các cây trồng có sản lượng tăng là ngô, lạc và rau - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phấn đấu giá trị sản xuất vụ đông đạt 40.000 tỷ đồng

Vụ đông 2023, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ổn định diện tích khoảng 380.000 ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Như Cường,  Cục trưởng Cục Trồng trọt, cơ cấu nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỉ lệ khoảng 50% tổng diện tích cây vụ đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 50% tổng diện tích.

Cục trưởng Cục trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường, tăng tối đa diện tích nếu có thể, đặc biệt các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng lợi thế như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,...

Theo ông Cường: "Các địa phương miền Bắc cần ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh trong chiến lược phát triển trồng trọt, xác định vụ đông là vụ sản xuất chính. Do đó, các ngành, địa phương và người dân tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông bài bản, hiệu quả hơn.

Để vụ đông năm 2023 thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị các địa phương cần sớm chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ đông. 

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ đông lớn.

Sở NN&PTNT các địa phương cần tổ chức sản xuất theo "cánh đồng lớn", dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ đông tập trung, quy mô lớn; xây dựng, phổ biến và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình canh tác tiết kiệm, giảm vật tư đầu vào.

Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ vụ Mùa bảo đảm diện tích cây trồng vụ đông ưa ấm, tuyên truyền trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, sản xuất cây vụ đông theo chuỗi giá trị.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top