Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 2022 | 9:56

“Chìa khóa” trị bệnh khảm lá sắn

Cây sắn (mì) là một trong 13 cây chủ lực của quốc gia, có kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 - 1,5 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu (sau gạo và cà phê).

Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sắn đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp do các loại bệnh dịch, nhất là bệnh khảm lá sắn, làm ảnh hưởng lớn đến cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất.

Nguy cơ thu hẹp vùng nguyên liệu

Diện tích cây sắn của cả nước ổn định ở mức 500.000 – 530.000ha; sắn và các sản phẩn từ sắn đóng góp đáng kể trong giá trị các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tính riêng 10 tháng năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,6 triệu tấn, trị giá đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và hơn 20% giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn gây hại ngày càng tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng các vùng nguyên liệu là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành sắn Việt Nam. Riêng trong năm 2022, tính đến nay, bệnh khảm lá xuất hiện ở 19 tỉnh, diện tích nhiễm bệnh trên 70.000 ha, tăng khoảng 2.000 ha so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh khảm lá sắn đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Đắk Lắk là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước về diện tích trồng sắn (sau Gia Lai và Tây Ninh), với 45.000ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh, bệnh khảm lá sắn đang phát sinh trên diện rộng, chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sắn. Đến nay, Đắk Lắk có khoảng 2.500ha sắn bị nhiễm bệnh ở các địa bàn trọng điểm trồng sắn nguyên liệu, như: Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk, Ea Súp, Buôn Đôn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại vào tháng 5/2017 tại xã Tân Hà (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), sau đó lây lan nhanh sang các huyện khác trong tỉnh. Vi rút gây bệnh khảm lá sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam. Thực tế, 3 năm qua, tình hình dịch bệnh khảm lá sắn vẫn chưa được kiểm soát, khống chế hiệu quả. Diện tích bị khảm lá vẫn tăng, số tỉnh trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá không giảm. Các nhà máy đối diện với nguy cơ tiếp tục thiếu nguyên liệu cho vụ sản xuất 2022 - 2023.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn nếu không được giải quyết căn cơ thì các nhà máy sắn của Việt Nam có nguy cơ thiếu nguyên liệu. Do đó, tạo ra các giống năng suất cao, kháng được bệnh để phục vụ cho công nghiệp chế biến là nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Ông Dương cho biết, bệnh lan truyền qua hai con đường chính là hom giống và môi giới truyền bệnh. Hiện việc kiểm soát khâu tiêu hủy nguồn bệnh và công tác kiểm dịch thực vật nội địa chưa hiệu quả. Việc phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng khó thực hiện do sắn được trồng chủ yếu ở vùng đồi núi, khô hạn, trong khi thời vụ trồng sắn kéo dài, xuống giống liên tục, nguồn bệnh thường xuyên xuất hiện.

Đặc biệt, một số địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn dẫn đến thiếu nguồn hom giống sạch bệnh. Ngay sau khi phát hiện bệnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản, cử nhiều đoàn cán bộ cùng với các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết các địa phương nơi phát hiện có bệnh khảm lá vi rút đã tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiếp tục bùng phát, lây lan.

Tăng cường giải pháp về giống

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng khoa Nông - Lâm nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, cho rằng, để giải quyết được bệnh khảm lá sắn thì vấn đề về giống là căn nguyên. Do đó cần phải sớm nhân giống sắn kháng bệnh phục vụ sản xuất.

Cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn trên địa bàn huyện Ea Súp.

“Để nhân giống nhanh thì mỗi tỉnh, mỗi nhà máy nên có một nhà màng. Nhà màng này cung cấp hệ số rất lớn. Còn để nông dân tự làm nhà màng sẽ không được do nông dân không có điều kiện làm nhà màng mà làm chỉ phục vụ cho  1-2ha thì không đáng”, ông Minh cho hay.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn, trong phòng, chống bệnh khảm lá sắn, giống kháng bệnh là “chìa khóa” quan trọng nhất. Hiện Viện Di truyền nông nghiệp đã chọn tạo ra các giống mới kháng bệnh khảm lá sắn, như: HN1, HN36, HN80, HN97, HN3, HN5, nhưng để nhân nhanh các giống này cần phải có sự đồng hành, nỗ lực từ nhiều phía.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, để ứng phó với bệnh khảm lá sắn, ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường công tác phòng, chống bệnh thông qua các hoạt động thông tin truyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng giống sạch bệnh... Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình, dự án trình diễn sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh… Ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển sắn bền vững nhằm xác định những vùng sản xuất sắn ổn định, đặc biệt là các vùng có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sắn, phát triển giống sắn có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh hại cùng điều kiện thời tiết bất thuận; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đánh giá, chọn lọc và nhân nhanh các giống kháng bệnh khảm lá để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Dương, để đưa nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm lá vào sản xuất, cần có sự phối hợp và tận dụng hết các nguồn lực sẵn có ở các viện, trung tâm nghiên cứu và địa phương. Đến nay Viện Di truyền nông nghiệp đã đưa ra 6 giống kháng khảm lá. Trong đó, giống HN3 và HN5 đã được công nhận ở vùng Đông Nam Bộ, 4 giống còn lại đang được đánh giá để được công nhận cho các vùng khác. Tuy nhiên, trong điều kiện giống kháng bệnh đang còn thiếu thì bà con nông dân nên chọn những giống theo khuyến cáo của địa phương. Sau nữa là lựa ra những cây khỏe, không bị bệnh khảm lá sắn (trong cùng một nương/rẫy sắn) để giữ lại làm giống cho vụ sau. Đây là giải pháp tốt nhất để thực hiện phòng, chống bệnh khảm lá sắn hiện nay.

Bệnh khảm lá sắn do virus gây ra, cơ chế lây truyền bệnh là qua hom giống và qua môi giới bọ phấn trắng. Nếu trồng hom sắn đã nhiễm virus gây bệnh khảm lá thì cây sắn có triệu chứng bệnh ngay từ khi mới mọc mầm, lá quăn queo dị dạng làm giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng rất kém, giảm năng suất và khả năng tích lũy tinh bột.

Đặc biệt là, hiện nay chưa có thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ virus gây bệnh này.

 

Minh Thuận - Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc
Top