Thời điểm này các loại cây ăn quả như nhãn, vải và nóm cây có múi đang ra hoa, đậu quả, cũng là lúc thời tiết đang mưa phùn, độ ẩm cao rất thuận lợi cho sâu bọ phát sinh. Dó đó rất cần bà con ông dân phải chủ động tăng cướng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh
Hưng Yên là tỉnh có nhiều loại trái cây đặc sản đã làm nên tên tuổi của vùng đất Phố Hiến kinh kỳ xa xưa, trong đó nhãn lồng được nhiều người biết đến. Ngoài nhãn lồng còn có vải và các loại cây ăn quả có múi khác được bà con nông dân trồng ở nhiều nơi.
Nông dân xã Hoàn Long (Yên Mỹ) chăm sóc cây ăn quả có múi
Xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn hiện đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả. Vì thế công việc phòng chống sâu bệnh đang được bà con nông dân rất quan tâm.
Bà Trần Thị Bắc, nông dân xã Hồng Nam cho biết: Hiện nay, vườn nhãn của gia đình tôi và của các hộ trong xã đang vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, ra hoa. Qua kiểm tra tại các cây nhãn, hiện nay, bệnh sương mai, thán thư; sâu đục giò hoa, sâu đo xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác; bọ xít nâu qua đông bắt đầu gây hại và đẻ trứng; rệp sáp, rệp muội gây hại cục bộ ở một số vườn trồng dày, ít quan tâm cắt tỉa. Ngoài ra, rầy chổng cánh vân nâu gây hại cục bộ trên một số vườn nhãn đang ra lộc. Để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, tôi và các hộ trồng nhãn trong xã đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh với 963ha, trong đó cho thu hoạch là 810ha, tập trung ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Phan Sào Nam, Tiên Tiến, Tống Trân… Theo ngành Nông nghiệp và PTNT huyện, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây vải sinh trưởng và phát triển; người trồng vải trong huyện ngày càng quan tâm, chú trọng đến khâu chăm sóc cây thời kỳ sau thu hoạch, chăm sóc cây thời kỳ ra hoa và đậu quả non nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Bùi Văn Tràn, chủ vườn vải lai chín sớm có diện tích 1,5 mẫu đã được chứng nhận VietGAP ở thôn Tam Đa cho biết: Với hơn 10 năm trồng và chăm sóc cây vải lai chín sớm, theo tôi, muốn cho cây xanh tốt, luôn được mùa thì người trồng phải biết kết hợp kinh nghiệm với việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật. Trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả cần phải thường xuyên giữ ẩm cho đất, nếu để cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều, nhưng nếu tưới quá nhiều nước, độ ẩm cao cũng sẽ làm cho hoa và quả non rụng nhiều. Cùng với đó, tôi rắc vôi bột dưới gốc cây để tiêu độc, khử trùng, hạn chế sâu, bệnh trong đất; thường xuyên kiểm tra vườn và chủ động phun phòng trừ các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại cho cây.
Hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả
Ngay từ đầu năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phù Cừ đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng khâu chăm sóc cây vải giai đoạn ra hoa, đậu quả bởi đây là thời kỳ quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng quả. Giai đoạn này cây thường bị các đối tượng như: Bọ xít, rệp muội, sâu đo, bệnh sương mai, thán thư, nhện lông nhung gây hại...
Nông dân xã Tam Đa (Phù Cừ) phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh cho cây vải
Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu vải lai chín sớm, huyện Phù Cừ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký sản phẩm OCOP. Năm nay, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải được huyện đặc biệt quan tâm. Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Mặc dù từ nay đến vụ thu hoạch vải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, kỹ thuật thâm canh, giá bán, thị trường tiêu thụ khi thu hoạch… nhưng đầu vụ vải ra hoa sai đã tạo tâm lý phấn khởi đối với người sản xuất. Cùng với việc hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất, huyện chủ động thực hiện các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩmcho nông dân, như tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân....
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cũng cử cán bộ nông nghiệp đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo các nhà vườn chủ động áp dụng các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây vải như: Nếu xuất hiện mưa có tạp chất (mưa axit) cần phun xịt nước xạch để rửa tạp chất trên tán cây. Bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách kết hợp phun phân bón qua lá cùng với phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để giảm rụng quả non, bảo đảm năng suất và chất lượng quả. Đối với những cây sinh trưởng, phát triển còn kém có thể bón thêm phân phữu cơ ủ mục hoặc nước phân chuồng ngâm, phân lân để tưới bổ sung cho cây nở hoa, thụ phấn, đậu quả thuận lợi.
Hiện nay, trên cây ăn quả, sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại. Để đạt kết quả toàn diện, cán bộ chuyên môn, các nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại.