Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 19:58

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão Yagi

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh này các cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

 Theo đó, Bộ NN-PTNT có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi lũ rút, nhằm tiêu diệt các mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Bước đầu, việc làm sạch các khu vực chăn nuôi, xử lý chất thải và ngăn chặn ô nhiễm môi trường được coi là biện pháp cấp bách, giúp giảm thiểu sự lây lan của các bệnh dịch nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng và viêm da nổi cục ở trâu, bò.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đặc biệt nhấn mạnh tới việc nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết. Các sở, ngành được chỉ đạo tổ chức rà soát và tiêm phòng vacxin đầy đủ cho gia súc, gia cầm, đặc biệt ở những khu vực từng xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ cao. Đây là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Bộ NN-PTNT yêu cầ các tỉnh, thành đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi sauu bão số 3. Ảnh Báo Yên Bái.

Một điểm đáng chú ý khác là việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật trên đàn vật nuôi, xử lý kịp thời khi phát hiện các ca nghi ngờ mắc bệnh. Chủ vật nuôi được khuyến cáo báo ngay cho chính quyền và các cơ quan thú y khi phát hiện vật nuôi ốm yếu, tránh việc giết mổ, mua bán, hoặc vứt xác vật nuôi chết ra môi trường, gây nguy cơ lây lan bệnh tật. Các đơn vị thú y cần phối hợp chặt chẽ để tiến hành điều tra và xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Bộ NN-PTNT cũng khuyến nghị các tỉnh, thành cần có phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau lũ, bao gồm hỗ trợ con giống, thuốc, vacxin và hóa chất xử lý môi trường. Điều này không chỉ giúp khôi phục sản xuất mà còn góp phần ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh diện rộng. Công tác báo cáo về tình hình khó khăn, vướng mắc, và nhu cầu hỗ trợ từ các địa phương cũng được yêu cầu thực hiện thường xuyên để Bộ NN-PTNT có cơ sở tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời với Chính phủ.

Ngoài ra, cần thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp những khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp. 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top