Hiện nay, đang là thời điểm thích hợp để dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm dễ bùng phát, vì thế công tác phòng chống dịch, bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Tiêm phòng cho đàn gia súc và tiêu hủy gia cầm bị mắc bệnh cần phải được triển khai tích cực.
Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân về tình hình hình dịch bệnh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát gia cầm cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển đi các địa phương.
Nghệ An liên tiếp phát hiện gia cầm nhiễm bệnh
Trang trại nuôi gà của ông Nguyễn Xuân Trường, xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân vừa có 500 con gà đẻ bị chết đồng loạt, có dấu hiệu bệnh cúm H5N1. UBND xã Nghi Ân đã báo cáo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Vinh cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Chăn nuôi Thú y Nghệ An, Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm.
Đàn gà được đưa đi tiêu hủy ngay trong đêm 1/4. Ảnh: Phú Hương
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III cho thấy mẫu bệnh phẩm gà của hộ ông Nguyễn Xuân Trường (xã Nghi Ân) dương tính với H5N1, UBND xã Nghi Ân đã phối hợp tổ chức tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 2.500 con gà của gia đình (gồm 900 con gà đẻ và 1.600 con gà 1 tháng tuổi, tổng trọng lượng 1.830 kg, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng). Toàn bộ tổng đàn gia cầm của gia đình chưa được tiêm phòng vắc-xin H5N1.
Tại xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành có 2 hộ dân phát hiện đàn gà bị chết không rõ nguyên nhân, chính quyền địa phương đã khẩn trương tiêu hủy 117 con gà theo đúng quy định.
Ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 55 hộ chăn nuôi gia trại, có khoảng hơn 200.000 con gà và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đáng lo ngại là hiện nay, ngoài một số gia trại đã chủ động tiêm phòng vắc-xin H5N1, thì vẫn còn một số chưa tiêm, khả năng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao; và đặc biệt có khả năng lây lan sang các địa bàn lân cận các xã Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Kim, Nghi Phú và Hưng Lộc.
Hiện, xã đang đề xuất Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế, UBND thành phố Vinh xem xét có cơ chế hỗ trợ công tác tiêu hủy và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã, hỗ trợ hộ dân chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng bệnh H5N1 và hỗ trợ cho hộ gia đình bị thiệt hại.
Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu phẩm của Chi cục Thú y vùng III với dương tính H5N1, ngày 29/3 và 30/3, huyện Yên Thành đã công bố bệnh dịch Cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Hùng Thành và các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp gồm: Đồng Thành, Phúc Thành, Hậu Thành và Lăng Thành.
Hà Tĩnh tăng cường tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm
Các huyện Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc, góp phần phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn.
Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn phối hợp với các xã Sơn Lâm, Sơn Tiến tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Tổng đàn trâu bò của xã Sơn Lâm thuộc diện tiêm phòng trong đợt này là 678 con, dự kiến sẽ hoàn tất công tác tiêm phòng vào ngày 1/4/2023. Xã Sơn Tiến đã tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đợt này, xã Sơn Tiến sẽ tiến hành tiêm vắc-xin cho 2.779 con gia súc.
Cán bộ thú y xã Sơn Tiến đã tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Ông Phan Xuân Yên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn cho biết. Sau khi hoàn tất tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, từ ngày 20/4, huyện Hương Sơn sẽ tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho 28.802 con trâu bò cùng số lượng lớn gia cầm trên địa bàn 25 xã, thị trấn. Dự kiến, đến hết ngày 15/5, huyện sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm phòng đợt 1 năm 2023.
Huyện Đức Thọ cũng tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đợt 1 cho gần 22.337 con gia súc trên địa bàn. Theo thống kê của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ, trong đợt 1, toàn huyện có hơn 22.337 con gia súc thuộc diện phải tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
Huyện đang đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh cho hơn 22.337 con gia súc, 104.940 con gia cầm trước 1/5/2023.
Cả nước đã có 6.569 con gia cầm bị chết và phải tiêu hủy
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, đàn gia cầm cả nước có khoảng 523,6 triệu con, trong đó đàn gà có hơn 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm hơn 103 triệu con (chiếm 20%).
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 huyện của 4 tỉnh; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy là 6.569 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm 71,26%. Tuy nhiên, virut cúm gia cầm (các chủng virut A/H5, như: H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).
Hiện tại, việc giao thương, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm từ gia cầm trong nước gia tăng, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Do đó, có nguy cơ rất cao sẽ xuất hiện một số chủng virut cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Đề cập về các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị: Các tỉnh khu vực biên giới cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, yêu cầu không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật, nhất là gia cầm, sản phẩm từ gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung phòng bệnh cho đàn gia cầm; rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh cho đàn gia cầm ở nơi đang có dịch, có nguy cơ cao; lưu ý đàn vật nuôi tại khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 80% tổng đàn. Người dân cũng cần tăng cường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm ngay từ trang trại.
Tích cực tuyên truyền phòng chống bệnh cúm gia cầm
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, mới đây, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp của địa phương khẩn trương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Nam.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát vận chuyển gia súc (ảnh minh họa)
Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh). Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cũng vừa có Công văn số 02/VIPA gửi các doanh nghiệp, đơn vị thuộc hiệp hội về việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Cụ thể, VIPA khuyến cáo không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa "giải cứu" của các tư thương
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc-xin cúm gia cầm và các loại vắc-xin khác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…