Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 1 năm 2024 | 9:57

Chủ động phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi

Trong những ngày này cả miền Bắc đang chìm trong đợt giá rét có nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông năm nay, nhiều địa phương đã có rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Do đó, các địa phương bà con nông dân đã chủ động nhiều biện pháp để phòng chống rét cho vật nuôi là cây lúa

Giữ đủ nước chống rét cho cây lúa

Tính đến ngày 17/1, toàn tỉnh Nghệ An đã gieo hơn 1.677 mạ, diện tích lúa đã gieo cấy là trên 29.575 ha, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm phổ biến từ 9 - 120 C. Rét đậm rét hại đúng vào thời điểm nông dân đang tập trung cấy lúa, nếu không có các biện pháp phù hợp lúa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ nông dân đã chủ động căng nilon và giữ đủ nước để phòng chống rét cho cây lúa.

Nông dân che chắn nilon bảo vệ mạ vụ xuân. Ảnh: Phú Hương

Gia đình chị Nguyễn Thị An ở Thanh Chương cho biết. “Lúa gia đình tôi mới gieo được 2 ngày nay, trước khi gieo tôi đã tăng thêm phân chuồng, lân bón ruộng, vào đúng thời điểm nhiệt đọ xuống thấp như mấy ngày hôm nay,  tôi để nước vừa đủ để giữ ấm và giúp lúa phát triển. Khi lá lúa lên khoảng 3-4 phân mà trời vẫn rét thì sẽ phun thuốc kích thích để tăng sức đề kháng, chống rét và giúp cây lúa ra rễ”.

Gia đình ông Lê Thanh Hải, khối Hạ Long, thị trấn Nam Đàn có 4 sào ruộng không gieo thẳng mà bắc mạ cấy từ ngày 5/1. Hiện tại, mạ đã bắt đầu có thể đưa ra cấy, thế nhưng trên ruộng mạ, nhiều đám mạ mọc lưa thưa vì bị chuột phá hoại, nhiều luống mất gần hết sạch, cách đây 5 ngày, ông phải đi mua thêm lúa giống để gieo lại hơn một nửa diện tích mạ.

Nhiệt độ xuống thấp, cũng như nhiều hộ nông dân khác, ông đang tạm dừng việc cấy lúa mà tập trung che chắn, chăm sóc cho diện tích mạ xuân, chờ khi thời tiết ấm lên mới đưa mạ ra cấy, tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa giai đoạn đầu vụ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Đối với những trà xuân cấy sớm, lúa đã bén rễ thì thời tiết rét như hiện nay không ảnh hưởng nhiều. Đáng lo ngại là diện tích mạ và lúa mới được gieo, những diện tích trà muộn đang chuẩn bị cấy và gieo sạ. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Tuyệt đối không cấy, gieo sạ lúa vào những ngày rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150 C). Trường hợp giống đã ngâm ủ phải tiến hành hãm mộng chờ thời tiết ấm mới tiến hành gieo.

Không bón thúc đạm trong thời tiết rét đậm, rét hại mà cần tăng cường thêm tro bếp hoặc kali để tăng khả năng chống rét cho mạ. Khi nhiệt độ ngoài trời cao trên 150C, thực hiện mở nilon hai đầu luống, không mở hoàn toàn ngay tránh mạ bị sốc nhiệt, đêm giá lạnh tiếp tục đậy nilon.

Trên những diện tích lúa đã cấy và gieo thẳng: Luôn duy trì mực nước tối thiểu 2 - 3 cm để giữ ấm cho cây. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ không tháo nước vào ruộng, duy trì ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm.

Phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Để bảo đảm cho vật nuôi phát triển khỏe mạnh, chính quyền địa phương và người dân ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi...

Cũng như những năm trước, cứ đến những ngày rét đậm, rét hại, gia đình ông Ngô Quang Hoài (thôn Đông Dương, xã Quảng Phương) lại dự trữ đầy đủ thức ăn khô, như: Cám gạo, ngô, chuối cây, rơm, cỏ để làm thức ăn cho đàn bò và đàn lợn của gia đình. Thường ngày, gia đình ông chăn thả đàn bò ở ngoài đồng, nhưng khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp thì nhốt bò trong chuồng và sử dụng nguồn thức ăn dự trữ từ trước để cho đàn bò ăn.

Nông dân huyện Quảng Trạch che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Ngoài việc xây chuồng trại kiên cố bằng bê tông, ông Hoài còn ủ ấm cho đàn bò, đàn lợn của mình bằng rơm khô và che chắn bạt xung quanh chuồng trại. Ông cho biết, gia đình thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên ti vi, đài phát thanh để biết các đợt không khí lạnh. Đồng thời tranh thủ hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền địa phương, ngành chức năng để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của gia đình.

Huyện Quảng Trạch hiện có gần 61.480 con gia súc, trên 722.000 con gia cầm. Số lượng đàn gia súc, gia cầm khá lớn và là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân nên công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm vào mùa đông luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành cho biết, để giúp người dân chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, trung tâm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh.

Đặc biệt, đến thời điểm mưa rét, trung tâm cử cán bộ thú y, phối hợp với cán bộ Hội Nông dân (HND) huyện về cơ sở hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, khuyến cáo, yêu cầu các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, che chắn kín gió, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Những ngày nhiệt độ xuống dưới 12oC, tuyệt đối không được thả rông gia súc, gia cầm ra khỏi chuồng nuôi; đồng thời tuân thủ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi.

Phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi

Trước tình hình rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có văn bản đề nghị khuyến nông các địa phương phía bắc tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Từ đó, giảm thiệt cho cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, ổn định sản xuất trong vụ xuân 2024.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh kiểm tra chống rét cho cây trồng

Theo đó, đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay; với nhóm rau ăn lá cần che chắn cây trồng bằng nylon tránh mưa, rét; tưới đủ ẩm, bón thêm phân kali, lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới thêm một số loại chế phẩm sinh học để tăng cường sức chống rét cho cây trồng. Đối với những ruộng mạ đã gieo bà con cần che phủ kín bằng nylonylon.

Các loại rau màu như: hành, ớt, cà chua, khoai tây, bắp cải, su hào, súp lơ... cần tưới đủ ẩm, tăng cường bón kali, tro bếp đồng thời phun bổ sung phân bón lá 7 đến 10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét cho cây.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng cho biết: “Đối với những ruộng mạ đã gieo, bà con cần che phủ kín bằng nylonylon”.

Đối với vật nuôi, tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi trời mưa, hoặc khi nhiệt độ môi trường dưới 10 độ C; gia cố chuồng trại tránh gió lùa, mưa tạt vào chuồng nuôi, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, giữ chuồng nuôi luôn khô ráo. Khi thời tiết rét đậm, rét hại hoặc kèm theo mưa thực hiện nuôi nhốt gia súc gia cầm trong chuồng, mặc ấm cho gia súc; chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống ấm cho gia súc, gia cầm...

Lĩnh vực thủy sản, trước các đợt rét bà con nông dân cần cho ăn đầy đủ hơn; ao được che bằng nylon, bạt hoặc thả bèo tây 1/2-2/3 diện tích mặt ao về phía đông bắc để chắn gió; thức ăn cho thủy sản cần bổ sung các loại vitamin, men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.

Một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, diện tích ao nuôi nhỏ, có thể sử dụng bạt chắn kín mặt ao hoặc nuôi trong nhà kính, bên trong sử dụng bóng đèn sưởi để nâng nhiệt cho ao nuôi, giúp hạn chế rủi ro khi thời tiết lạnh kéo dài.

Bảo vệ vật nuôi và lúa mới gieo cấy trong những thời điểm nhiệt độ xuống thấp như thế này là hết sức quan trọng, do đó các địa phương cần kiểm tra và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cây lúa và đàn gia súc, gia cầm để không bị thiệt hại cho bà con nông dân.

 

Theo báo Nghệ An, Quảng Bình và Nhân dân

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top