Thời điểm này cây nhãn và một số cây ăn quả khác được bà con nông dân Hưng Yên trồng, đang ở thời kỳ ra hoa, đậu quả. Đây cũng là lúc thời tiết giao mùa, rất thuận lợi cho một số loài sâu bệnh phát sinh và gây hại. Do đó, cơ quan chức năng đã hướng dẫn cho bà con nông dân chủ động phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh.
Thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển
Hiện nay, Hưng Yên có 4.815 héc-ta trồng nhãn, 1.313 héc-ta trồng vải, chuối có 2.617 héc-ta, cây cam 1.819 héc-ta, cây bưởi 2.122 héc-ta, còn lại là các cây ăn quả khác. Thời điểm này, trên cây ăn quả như nhãn, vải và nhóm cây có múi đang ở thời kỳ phân hóa hoa, ra hoa, đậu quả. Dự báo thời tiết trong thời gian tới tiếp tục sẽ có nhiều ngày âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho một số loài sâu bệnh phát sinh và gây hại.
Bà con nông dân huyện Tiên Lữ phòng trừ sâu bệnh hại nhãn.
Khoái Châu là một trong những “thủ phủ” trồng nhãn của tỉnh, toàn huyện hiện đang trồng 1.374ha nhãn, trong đó hình thành nhiều vùng trồng nhãn hàng hóa quy mô tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình… Thời điểm này, cây nhãn đang phân hoá mầm hoa, ra hoa và chuẩn bị đậu quả.
Ở huyện Tiên Lữ có 954,4 héc-ta trồng cây ăn quả, trong đó cây nhãn có 494,6 héc-ta, cam 145,1 héc-ta, bưởi 76,2 héc-ta, vải 75,1 héc-ta, còn lại cây ăn quả khác như mít, táo, na, thanh long, ổi.
Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, Giám đốc HTX Nhãn Miền Thiết (huyện Khoái Châu) cho biết, thời điểm này cây ăn quả chủ lực như nhãn, vải, cây có múi trong giai đoạn phát triển giò hoa, ra hoa, đậu quả non. Thời tiết những ngày qua âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao nên sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh trên cây ăn quả.
Theo đó trên cây có múi, sâu vẽ bùa, rệp muội, bọ trĩ, nhện đỏ tiếp tục phát sinh và gây hại nhẹ, rải rác ở những vườn cây đang ra lộc non, ra hoa (vườn chưa được phòng trừ). Trên cây nhãn, vải, bệnh sương mai, thán thư xuất hiện và gây hại rải rác, tỉ lệ hại nơi cao 1-3% chùm hoa (cấp bệnh 1); sâu đục giò hoa, sâu đo xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác; mật độ nơi cao 0,3- 0,5 con/chùm hoa; rệp sáp, rệp muội gây hại cục bộ ở một số vườn trồng dày, ít quan tâm cắt tỉa; bọ xít nâu qua đông phát dục rải rác. Ngoài ra, rầy chổng cánh vân nâu gây hại rải rác trên một số vườn nhãn đang ra lộc.
Chủ động phòng chống sâu bệnh cho cây trồng
Bà Nguyễn Thị Thanh, nông dân xã Hồng Nam cho biết: Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong giai đoạn hiện nay, tôi và các nhà vườn chủ động phòng trừ bệnh sương mai, thán thư trên cây nhãn bằng thuốc đặc hiệu như Amistar 250SC, Phytocide 50WP, Dosay 45WP, Ridomil Gold 68 WG. Nếu trong thời kỳ ra hoa, đậu quả non xuất hiện nhiều ngày âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, chúng tôi sẽ phun phòng lại lần 2 vào thời điểm trước khi hoa nở hoặc sau khi đậu quả non. Đối với rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ, sâu đo, sâu đục giò hoa... xuất hiện với mật độ cao, phòng trừ bằng các thuốc như Movento 150OD, Kola 700WG, Radiant 60SC, Brightin 4.0 EC.
Bên cạnh sự chủ động phòng chống sâu bệnh của bà con nông dân trồng nhãn trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên, các phòng ban chức năng cũng thường xuyên kiểm tra và khuyến cáo, hướng dẫn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Trao đổi kỹ thuật chăm sóc cho cây nhãn ở Hưng Yên.
Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên cho biết: Để phòng trừ sâu bệnh gây hại cây ăn quả đạt hiệu quả, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là các đối tượng sâu bệnh hại chính ở ra hoa, đậu quả non.
Chi Cục cũng đã có hướng dẫn cho bà con chủ động phun thuốc phòng chống sâu bệnh trên các loại cây ăn quả, cụ thể: Trên cây nhãn, vải, xoài, tranh thủ ngày không mưa, nhiệt độ trên 18oC, nông dân cần phun phòng trừ bệnh sương mai, thán thư ngay khi nụ phát triển thành thục đến trước khi hoa nở bằng các thuốc Phytocide 50WP, Dosay 45WP, Amistar 250SC, Ridomil Gold 68WG, Jack M9 72 WP…; thời kỳ đậu quả non nếu thời tiết còn âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, cần phòng trừ lần 2 bằng một trong các loại thuốc trên. Các đối tượng như rệp sáp ống, rệp muội, bọ phấn nơi có mật độ cao cần phun bằng các thuốc Movento 150OD, Confidor 700 WG, Kola 700 WG…; phòng trừ sâu đo, bọ xít bằng thuốc Radiant 60SC, Dylan 2EC...
Trên cây có múi, nông dân cần phòng trừ sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ trĩ, rệp muội nơi có mật độ cao (chủ yếu ở thời kỳ cây ra lộc non, cây ra hoa, đậu quả non) bằng các thuốc đặc trị như: Movento 150OD, Radiant 60SC, Midan 10WP...; đối với nhện đỏ, phòng trừ bằng các thuốc đặc trị như Dylan 2EC, Detect 50WP, KingSpider 93SC…
Những diện tích cục bộ bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ (do nấm và tuyến trùng hại rễ) xuất hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình cần áp dụng giải pháp tổng hợp như: Phun trên lá kết hợp tưới thuốc đặc trị nấm như Ridomil Gold 68WG, Ricide 72WP… đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học như Tricoderma, Tricho Plus, Vita nấm, Vita tuyến trùng hoặc phân hữu cơ ủ mục với chế phẩm sinh học… để tăng sức chống chịu bệnh của cây và giảm nguồn bệnh trên đồng ruộng. Những cây bị hại nặng phải chặt bỏ, tiêu hủy cây bệnh, xử lý hết tàn dư và nguồn bệnh trên vườn sau đó mới được trồng bổ sung cây trồng mới. Ngoài ra, bọ xít muỗi, sâu róm xuất hiện trên cây ổi ở thời kỳ cây ra hoa, quả non cần phòng trừ bằng thuốc Peran 50EC, Map-Permethrin 50EC… phun trừ trước khi áp dụng biện pháp bao quả.
Với thời tiết đang chuyển mùa rất thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, lại đúng vào thời điểm cây ăn quả trổ hoa, ra lộc. Nếu không có những biện pháp kiểm tra và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, ngay từ ban đầu sẽ có nguy cơ cao mất mùa. Do đó công tác kiểm tra và đôn đốc bà con nông dân chủ động phòng chống sâu bệnh vẫn là hiệu quả nhất, để cho một mùa trái cây có sản lượng lớn.