Các tỉnh miền Trung vừa trải qua một đợt mưa to, gió lớn, gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân. Mưa lũ qua đi để lại nhiều hậu quả lớn, trong đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với gia súc và thủy sản. Chủ động phòng chống dịch bệnh cho thủy sản và gia súc đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Nghệ An chủ động phòng chống dịch lở mồm, long móng
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, tình trạng ngập úng xảy ra tại nhiều địa phương, môi trường bị ô nhiễm, các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan. Vì vậy, người dân cần thường xuyên cập nhật, theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch chủ động ứng phó trước khi mưa bão xuất hiện; kiểm tra, gia cố chuồng trại; chuẩn bị thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi và khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết nghi bệnh truyền nhiễm cần báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan thú y gần nhất để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc sau mùa mưa bão
Nghệ An có tổng đàn trâu, bò lớn, với gần 800.000 con, tổng đàn lợn gần 1 triệu con, nhưng chăn nuôi chủ yếu nông hộ, nhỏ lẻ, tập quán chăn thả rông tại các xã vùng sâu, vùng xa còn phổ biến, không chủ động được trong phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi; tại nhiều nơi chuồng trại chăn nuôi còn tạm bợ hoặc không có chuồng nuôi; một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi và thú y; một bộ phận người dân chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được khống chế, nhưng nguy cơ dịch xảy ra rất cao, đặc biệt khu vực miền núi. Hàng năm, tỉnh Nghệ An đều có chủ trương cấp vắc-xin lở mồm long móng tiêm phòng cho đàn gia súc khu vực miền núi, vùng đệm chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa; vùng ổ dịch; vùng ổ dịch cũ; vùng nguy cơ cao; vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm; vùng nuôi có các chợ buôn bán trâu, bò lớn của tỉnh… nhờ vậy, đã hạn chế được tối đa dịch bệnh và bảo vệ hiệu quả đàn gia súc trên địa bàn.
“Để miễn dịch cho đàn vật nuôi, tiêm phòng đang là phương pháp phòng bệnh tốt nhất. Qua các đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, Chi cụ Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận thấy kết quả tiêm phòng vụ xuân năm 2023 chưa được cao. Vì vậy các địa phương cần tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu sắp tới”, ông Đặng Văn Minh nói.
Người dân Hà Tĩnh chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho tôm
Sau đợt mưa lớn vừa qua, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh đang tích cực thực hiện các biện pháp ổn định môi trường nước, tăng sức đề kháng cho con nuôi để phòng ngừa dịch bệnh.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt nhiều năm nay. Đơn vị đang thả nuôi 10 hồ, quy mô mỗi hồ 30 vạn con. Hiện nay, tôm nuôi đã được 30 ngày tuổi và đang được “bật” chế độ chăm sóc đặc biệt.
Ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi theo dõi sát sao hồ nuôi 24/24h, cập nhật thời tiết để có những ứng biến linh hoạt. Theo đó, trước đợt mưa này, HTX đã bố trí 12 công nhân chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát môi trường nước. Sau mưa, nhanh chóng xử lý lại môi trường, diệt khuẩn, gây lại vi sinh. Cùng đó, đơn vị tăng cường hệ thống quạt và sục khí để gia tăng oxy, chú trọng bổ sung vitamin, khoáng chất so với thời điểm bình thường. Đặc biệt, trong giai đoạn tôm nhỏ, đòi hỏi hằng ngày bổ sung thức ăn tăng vi sinh đường ruột để tôm khoẻ mạnh, phát triển tốt. Do đóm chi phí nuôi thời điểm này cũng tăng gấp đôi so với khi thời tiết thuận lợi”.
Không chỉ đối với HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, các giải pháp ổn định môi trường, tăng đề kháng cho tôm sau mưa cũng đang được nhiều người nuôi ở các địa phương áp dụng.
Thời điểm này, ở Hà Tĩnh đang có gần 1.000 ha nuôi tôm. Để bảo vệ tôm và các loại thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chi cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung “Bản tin cảnh báo mùa mưa lũ năm 2023” của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đến các địa phương, các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh), mưa lớn kéo dài sẽ làm thay đổi môi trường nuôi theo chiều hướng xấu, làm tôm yếu sức và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút... từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh.
Tiêm kháng sinh phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi
Theo ngành chuyên môn, các địa phương cần có kế hoạch thực hiện cụ thể, tích cực tuyên truyền để Nhân dân trên địa bàn phối hợp với lực lượng thú y viên trong quá trình triển khai, đảm bảo tiêm phòng đạt tiến độ đề ra với tỷ lệ cao. Người chăn nuôi cũng cần tự giác phối hợp trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để góp phần bảo vệ đàn vật nuôi.
Xử lý nước nuôi tôm đảm bảo được độ PH cần thiết để tăng sức đề kháng
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong thời điểm này hết sức quan trọng, thời tiết giao mùa nắng mưa thất thường, rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm...
Nhiều địa phương đã đề ra kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn gia cầm, tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Phấn đấu tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 xong trước ngày 30/10 theo kế hoạch.
Đối với nuôi tôm do phải đối diện với nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa lũ phải cân bằng độ PH cho nước. Sau mưa cần tiếp tục đánh vôi và bổ sung gấp đôi lượng vitamin, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm, phòng ngừa các dịch bệnh có thể xảy ra đối với tôm khi sốc môi trường như bệnh hồng thân, bệnh về gan tụy, đường ruột.
Nếu tôm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi nên thu hoạch trước mùa mưa lũ. Với tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi tôm cần gia cố, tu sửa bờ ao hồ để giảm thiểu thất thoát, nhất là với khu vực nuôi tôm trên cát. Để hạn chế độ mặn thay đổi đột ngột trong hồ nuôi khi xảy ra mưa lũ, người dân cần có kế hoạch điều tiết nước. Với những vùng nuôi đất chua phèn, cần rắc vôi xung quanh để phòng nước trôi xuống làm biến động độ PH ao nuôi. Các cơ sở nuôi cũng cần có biện pháp phòng bệnh, nâng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm theo khuyến cáo. Đồng thời, chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí phòng khi mất điện.