Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 12 năm 2023 | 8:8

Chú ý chăm sóc trâu, bò khi không khí lạnh tăng cường

Chuẩn bị nguồn thức ăn khô dự trữ, che chắn, đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò khỏi bị lạnh, bổ xung nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng để trâu bò có sức đề kháng tốt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp là những biện pháp để bảo vệ đàn trâu, bò trong những ngày giá rét.

Rét đậm, rét hại kéo dài dễ làm trâu, bò chết hàng loạt

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TW cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, miền bắc và các tỉnh miền Trung sẽ có mưa vài nơi, từ ngày 19/12  trời sẽ có mưa nhỏ rải rác. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An, trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại. Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét.

Trong đợt không khí lạnh tăng cường này, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An từ 9-12 độ C. Riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 14-17 độ C.

Những ngày rét đậm, rét hại phải có biện pháp chống rét cho trâu, bò 

Theo các chuyên gia, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, tại vùng núi thường xảy ra rét đậm, rét hại là một trong những nguyên nhân dẫn đến trâu, bò chết hàng loạt. Nguyên nhân do việc chăn thả trâu, bò của bà con vùng núi vẫn theo tập quán thả rông không được chăm sóc cẩn thận. Người chăn nuôi chủ quan bỏ mặc, không quan tâm thu hết rơm ở ruộng về phơi khô cho trâu bò ăn và lót chuồng cho gia súc trong những ngày rét mà lại đốt ngay trên ruộng, không tích trữ trấu; không chú ý quây chuồng che chắn gió mà chỉ đốt lửa sưởi khi nó đã yếu sức; không có thức ăn cho ăn thêm nhất là tinh bột.

Cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã xảy ra những đợt rét đậm, rét hại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến con người mà còn ảnh hưởng đến cả vật nuôi. Tại Nghệ An đã có khoảng gần 500 con trâu bò bị chết do nhiệt độ tại các địa phương vùng núi xuống thấp trong nhiều ngày gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Nguyên nhân chính khiến trâu bò chết nhiều là do đói, khi nhiệt độ xuống quá thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò thả rông trong rừng bị đói rét.

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, rét đậm rét hại cuối năm 2022 đầu năm 2023 đã làm ít nhất 2.900 con gia súc bị chết rét (1.653 con trâu, 793 con bò và 460 gia súc khác). Trong đó rét đậm, rét hại ở Bắc bộ và khu vực Nghệ An đã làm: 1.591 con gia súc bị chết (978 con trâu, 465 con bò; 148 gia súc khác) đợt là đợt rét hại kỷ lục trong 40 năm cùng thời kỳ

Thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời gian có nhiều ngày rét đậm, rét hại nhiều ngày, đây cũng là thời gian nhiều người chăn nuôi chuẩn bị Tết,  công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc không được quan tâm. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; một số thả rông trâu, bò trong rừng, nên khi xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại trâu bò chết nhiều.

Nhiều biện pháp chống rét cho trâu bò

Để phòng chống rét cho trâu bò và đàn vật nuôi, đồng thời cũng để giảm thiệt hại kinh tế, nhiều hộ nông dân đã có những biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò.

Hàng nghìn hộ nông dân ở huyện biên giới Quế Phong 'xây' cây rơm, hoặc lán rơm, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại.

Chuẩn bị thức ăn đầy đủ và che chắn cho trâu bò không bị rét

Bà Lô Thị Lân ở bản Na Pú (nay là khối Thái Phong) thị trấn Kim Sơn cho hay, gia đình bà nuôi 4 con bò, 2 con trâu và làm 4 sào ruộng. Trong 2 năm lại nay, cứ sau vụ thu hoạch lúa, gia đình thu gom toàn bộ rơm, phơi khô, dựng thành 2 cây rơm ngay trong vườn nhà.

Nhờ đó, vào những ngày mưa gió, hoặc rét đậm, rét hại, đàn trâu, bò có nguồn thức ăn dự trữ, không lo đói, sức khoẻ được đảm bảo. Để đảm bảo cây rơm không bị ướt, ẩm mốc, bà Lân sử dụng tấm ni lông phủ lên đỉnh cây rơm nên nước mưa không ngấm vào cây rơm được.

UBND huyện Quế Phong đã triển khai công tác tuyên truyền, đôn đốc việc thu gom rơm rạ, "xây" cây rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu bò, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện. Toàn huyện có 3.755 hộ chăn nuôi/tổng số 13.175 hộ sản xuất lúa có thu gom rơm rạ, chiếm 28,5%. Trong đó có 3.429 hộ làm lán rơm, 326 hộ làm cây rơm. Hiện nay số hộ làm lán rơm và cây rơm đã tăng lên hơn 5 nghìn hộ, chiếm khoảng 40%.

Tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) có số lượng khoảng 13 nghìn con trâu, bò trên địa bàn, theo dự báo những ngày tới sẽ có một đợt rét đậm rét hại, gây nguy cơ thiệt hại cao do tập quán chăn nuôi thả rong trên địa bàn, A Lưới đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng thông tin, toàn xã có hơn 1.300 con trâu, bò, rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm, rét hại nhiều năm trước, ngay từ đầu vụ, xã đã vận động, hỗ trợ bà con dự trữ thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có như chuối, cỏ để phối trộn với thức ăn tinh.

Bổ sung lượng khoáng chất thiếu hụt cho gia súc và hỗ trợ vật liệu, hướng dẫn che chắn chuồng trại cho các hộ nuôi gia súc. Đặc biệt, ngoài nguồn rơm mua dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò khi có rét xảy ra, xã yêu cầu các hộ dân sau khi thu hoạch lúa, tích trữ rơm vào bao dự trữ để dùng trong mùa rét.

Ông Trần Phước Hùng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, nhằm chủ động bảo vệ tốt cho gia súc trong đợt rét tới, Phòng NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thu gom, dự trữ rơm khô sau các vụ thu hoạch lúa vì đây là nguồn thức ăn thô xơ có thể sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, dê trong mùa mưa rét.

Sau thu hoạch lúa, bà con cần giữ lại, phơi khô, đánh thành cây rơm, hoặc cất giữ trong bao tải, phấn đấu mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò, dê có 1 cây rơm để làm thức ăn cho gia súc. Mặt khác có thể chế biến rơm nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng bằng các phương pháp mềm hóa, ủ rơm… để làm thức ăn cho gia súc. Các xã đăng ký mua rơm cuộn ở vùng đồng bằng vì sau khi thu hoạch rơm có giá thành tương đối thấp.

Đến nay, ngoài rơm người dân tự thu gom, các địa phương đã dự trữ hơn 2.000 cuộn rơm khô nhằm cung cấp thức ăn cho gia súc, phục vụ các hộ chăn nuôi ứng phó đợt rét cuối và đầu năm.

Bài học phòng chống rét cho trâu, bò từ những mùa đông khắc nghiệt

Những năm gần đây, số lượng trâu bò chết rét đã giảm rất nhiều. Đây là tiến bộ lớn trong công tác phòng chống đói rét của các hộ chăn nuôi. Do đó mỗi khi có những ngày giá rét, người chăn nuôi cần phải phòng chống rét cho trâu, bò.

Theo đó các hộ chăn nuôi cần chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn thô, xanh, ủ chua cũng như thức ăn tinh; củng cố chuồng trại trước khi bước vào vụ đông; quan trọng hơn nữa, trước khi vào vụ đông, các hộ chăn nuôi phải tiêm phòng, tẩy giun sán đầy đủ cho vật nuôi để vật nuôi có sức khỏe tốt.

Những hộ mà đàn vật nuôi có con bê, nghé non phải có biện pháp cụ thể. Đối với trâu bò già, bà con nên chủ động bán trước khi vào vụ đông. Qua đó có nguồn lực để đầu tư cho hoạt động chăn nuôi cũng như sinh hoạt gia đình.

Một trong những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi là chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng. Do biết thức ăn thô xanh sẽ trở lên khan hiếm vào mùa đông do bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp, sương muối nên bà con đã chủ động trồng các loại cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngô sinh khối để ủ chua từ trước khi vào mùa lạnh.

Ngoài ra, bà con cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn thức ăn thô khô cho vật nuôi. Tại khu vực miền núi phía Bắc hay Đồng bằng sông Hồng, bà con đã chủ động nguồn thức ăn tinh như bột sắn, bột ngô, bột cám… dùng để nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi vào những ngày giá rét. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý, khi cho gia súc ăn thức ăn tinh, không được để khối lượng thức ăn vượt quá 1% khối lượng của vật nuôi, tránh để xảy ra hiện tượng đầy hơi.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top