Sau 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu sang EU được đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc. Qua đó, thúc đẩy doanh nghiệp thể hiện ý chí vươn lên để nâng cao chất lượng từng ngành hàng, đa dạng hóa thị trường.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu hiện đối diện với một số rào cản, bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao về môi trường, chất lượng sản phẩm...
Nhiều kết quả khả quan
EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, là Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu, rộng, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
Sau 4 năm thực thi, lợi ích rõ nét nhất mà EVFTA mang lại là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng từ 35 tỷ euro (năm 2019) lên hơn 48 tỷ euro (năm 2023). Sự tăng trưởng được hiện thực hóa rõ ràng trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp, hải sản.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu trong 4 năm ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng 12-15%/năm. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 8,7%. EU nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong đó, Hà Lan là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức, đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…
Nhiều rào cản
Có thể thấy, EVFTA đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn nhiều rào cản. Cụ thể, EU hiện có xu hướng chuyển đổi mạnh với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống chặt phá rừng và những quy định tương tự.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Theo các cơ quan chức năng, nếu chỉ một lần vi phạm, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu sự kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt của thị trường.
Đơn cử, trong nửa đầu năm nay, EU là khu vực thị trường đứng đầu với số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản tăng bất thường - gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Nước ta nhận 57 cảnh báo liên quan tới quy định SPS từ EU, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản bị EU cảnh báo của Việt Nam thời gian qua bao gồm: Rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật (thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm,…); Sản phẩm thủy sản (cá, mực, tôm, ếch, ngao…); Sản phẩm chế biến khác (tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…).
Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện, Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu kiểm tra biên giới với tần suất: thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
Cần chuẩn hóa sản xuất
Thị trường EU có tính cạnh tranh rất lớn nên hàng hoá nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng cao, mẫu mã bao bì bắt mắt, các sản phẩm phải đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng và an toàn môi trường.
Do đó, nông dân và doanh nghiệp Việt phải không ngừng phấn đấu để sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, độ an toàn ngày càng cao. Từ đó, để thấy xu hướng thị trường cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch chứ không phải bằng giá ngày càng được chú trọng.
Bởi vậy, vấn đề đầu tiên và xuyên suốt là phải nâng cao chất lượng nông sản, phải làm sao để chất lượng các lô hàng đồng nhất vì chất lượng quyết định giá bán và chất lượng sẽ làm nên thương hiệu. Cùng với đó, sự minh bạch, vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất xanh cũng phải được đề cao.
Để tận dụng tốt những cơ hội từ EVFTA mang lại, Phó Cục trưởng Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng; chủ động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường EU.
Chi tiết hơn, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các vùng trồng, vùng nuôi cần tuân thủ các quy định của Việt Nam về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh; tuân thủ và cập nhật biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS) của thị trường nhập khẩu; tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với xu thế…
Doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến cần tuân thủ và thường xuyên cập nhật các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu đưa vào đóng gói/sơ chế/chế biến/xuất khẩu có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; hợp tác, liên kết sản xuất với vùng nguyên liệu và đồng kiểm soát vùng nguyên liệu…
Về vấn đề sản xuất, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho rằng, để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về môi trường, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu.
“Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hội nêu quan điểm.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.