Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 6 năm 2024 | 13:25

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: “Chìa khóa” để nâng cao năng suất cây trồng

Cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp (SX NN) là “chìa khóa” để nâng cao giá trị gia tăng, giảm sức lao động và chi phí đầu tư.

Đây là nội dung quan trọng trong SX NN hiện đại, tạo nền tảng cho NN đi theo hướng SX hàng hóa, phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng  nông thôn mới (NTM) bền vững.

CGH khâu làm đất đạt trên 90%

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, với chủ trương cơ cấu lại NN, phát triển NN bền vững, gắn với xây dựng NTM, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm, ban hành, xem xét nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CGH NN. Bên cạnh đó, các hoạt động về tập huấn, đào tạo lao động sử dụng máy, thiết bị CGH NN...  cũng được chú trọng, nên thời gian qua, lĩnh vực CGH trong SX NN của tỉnh đạt được một số kết quả ban đầu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, mức độ CGH SX NN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều. Toàn tỉnh có hơn 3.600 máy làm đất, gần 1.400 máy phun thuốc BVTV và chưa tới 1.000 máy gặt đập liên hợp - những con số khiêm tốn so với các địa phương khác trong cả nước. Khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được CGH, SX thủ công là chính; chủ yếu tập trung cho cây lúa nhưng chỉ ở khâu làm đất và thu hoạch, khâu gieo sạ và chăm sóc còn rất thấp. Đến năm 2024, theo thống kê thì tỷ lệ CGH khâu làm đất đạt  hơn 90%, khâu gieo sạ còn thấp, khâu phun thuốc BVTV khoảng 50%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 80%.

CGH là “chìa khóa” để tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động và chi phí đầu tư.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ SX NN từ năm 2011 - 2023 tăng nhanh: số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc BVTV tăng 3,5 lần.

Ông Hồ Minh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện NN – Nông thôn (Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT), cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2022, máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình SX với số lượng tăng đáng kể. Cùng với việc đẩy mạnh CGH, SX nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm vừa qua còn tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng. Hiện nay, nhiều khâu SX NN có mức độ CGH cao như ở khâu làm đất đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc BVTV hàng năm đạt trên 70%. Tuy nhiên, số liệu CGH mới chỉ tập trung ở một số khâu đối với cây lúa, mía; chưa chú ý vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao khác như các  loại cây ăn quả, rau màu, cây công nghiệp…

Khó áp dụng CGH vì quy mô  SX nhỏ lẻ, manh mún

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng CGH đồng bộ vào SX NN như: giao thông nội đồng chưa phù hợp; quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán; hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ; hệ thống điện phục vụ SX, vệ sinh môi trường SX... Chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, hạn điền, tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào NN còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh và rộng.

Mô hình trình diễn áp dụng đồng bộ CGH vào SX lúa tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Chất lượng máy móc, thiết bị NN chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ; người sử dụng máy, thiết bị NN chưa được đào tạo và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản cũ và lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong SX và tổn thất sau thu hoạch cho một số ngành hàng như: rau quả, sắn khoảng 20 - 30%; lúa gạo khoảng 7-10%... Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng CGH, chưa hình thành được nhiều các tổ hợp tác trong phát triển CGH NN ở từng địa phương.

Theo phân tích của ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, khó khăn lớn nhất là quy mô SX NN nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc áp dụng máy móc vào SX. Đa số các hộ nông dân là SX quy mô nhỏ với diện tích đất rất nhỏ, do vậy, việc đầu tư máy móc và sử dụng máy móc không hiệu quả. Ngân sách hỗ trợ cho phát triển CGH còn hạn chế, nhất là ngân sách địa phương. Các loại máy móc, thiết bị giá còn cao, nhất là các loại máy công suất loại trung và lớn trong khi thu nhập SX NN còn thấp.

Hình thành thị trường CGH

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng NN, nông thôn, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô SX đáp ứng tổ chức SX NN hàng hóa quy mô lớn để đẩy mạnh CGH đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.

Lồng ghép các chương trình, kế hoạch Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở các địa phương để hoàn thiện cơ sở hạ tầng NN đáp ứng cho việc áp dụng CGH đồng bộ.

Tổ chức lại các vùng SX NN tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương) được CGH đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại NN.

Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức SX phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô diện tích cánh đồng để tạo điều kiện thuận lợi áp dụng CGH; phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh doanh dịch vụ cơ giới NN; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong SX, chế biến tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị NN, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng phục vụ SX NN.

Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư công nghệ chế tạo máy NN và chế biến, bảo quản nông sản; ưu tiên đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện với môi trường…

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: “Các địa phương nên tổ chức lại việc CGH. Phải hình thành thị trường CGH, người nông dân tham gia vào thị trường ấy để doanh nghiệp tiếp xúc được người SX. Chính quyền địa phương, ban ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng trung tâm CGH, tổ dịch vụ CGH vừa đủ để ứng dụng đồng bộ cho bà con SX trong từng lĩnh vực”.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Cơ giới hóa làm gia tăng SX NN, giảm nhân công lao động... Chỉ có ứng dụng công nghệ cao mới giải quyết được vấn đề năng suất, chất lượng (nhưng phải bảo vệ môi trường). Cơ giới hóa là nền tảng, là cốt lõi để thay đổi tư duy. Cơ giới hóa chính là thay đổi tư duy.

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top