Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 8 năm 2024 | 11:2

Đảm bảo ngành Trồng trọt vùng ĐBSCL phát triển bền vững

Mặc dù là vựa lúa, vùng trồng trái cây lớn của cả nước, nhưng vùng ĐBSCL cũng đang tồn tại, đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng khá

Năm 2024, sản xuất lúa ở ĐBSCL ước đạt 3.823,55 ngàn hecta, thấp hơn cùng kỳ 16,35 ngàn hecta. Mặc dù diện tích giảm nhưng năng suất mỗi vụ đều tăng nên ước sản lượng cả năm 2024 là hơn 24 ngàn tấn, tăng hơn 11 ngàn tấn so với năm 2023, bảo đảm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, việc sản xuất cây rau màu luôn được các tỉnh trong vùng quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng. Đặc biệt, hiện nông dân trong vùng đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất - tiêu thụ; xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu. Ước sản lượng các loại cây ăn quả chín (xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi,...) toàn vùng ĐBSCL năm 2024 là 5.777 ngàn tấn, tăng 429,7 ngàn tấn so với năm 2023; trong đó ước sản lượng 8 tháng năm 2024 là 4.142 ngàn tấn; ước sản lượng 4 tháng cuối năm 2024 là 1.633 ngàn tấn.

Năm 2024, sản xuất lúa ở ĐBSCL ước đạt 3.823,55 ngàn hecta, thấp hơn cùng kỳ 16,35 ngàn hecta.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhiều năm qua, bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch hại. Bên cạnh đó, còn tổ chức xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, ngành trồng trọt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Năng suất, sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thông tin về tình hình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL (Đề án), ông Lê Thanh Tùng cho biết, đến nay đã triển khai 7 mô hình (tổng cộng 333,5 hecta ) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh gồm: TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Tại An Giang, tỉnh đã khởi động xuống giống diện tích tham gia Đề án 15 hecta đầu tiên tại huyện Phú Tân vào ngày 12/8/2024. Long An cũng đã xuống giống 1 mô hình 20 hecta tại huyện Tân Hưng và chuẩn bị kế hoạch xuống giống 7 mô hình trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025.

Bạc Liêu mặc dù chưa khởi động thực hiện Đề án, tuy nhiên đã thực hiện 2 mô hình (diện tích 120,5 hecta) để hướng tới thực hiện Đề án. Trong đó, đã thực hiện vụ hè thu 1 mô hình (diện tích 0,5 hecta), ước năng suất đạt 6,16 tấn/hecta và sản lượng 3,08 tấn, còn lại thực hiện trong vụ thu đông 1 mô hình (diện tích 120 hecta). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia cung cấp vật tư - dịch vụ đầu vào cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nằm trong đề án.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 310.000 hecta. Diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm khoảng 500.000 hecta, sản lượng đạt 2,8 - 2,9 triệu tấn, riêng năm 2023 đạt trên 3 triệu tấn. Cây rau có diện tích khoảng 10.000 hecta, cây thanh long khoảng 8.000 hecta, cây chanh khoảng 11.500 hecta.

Ước sản lượng các loại cây ăn quả chín của vùng là 5.777 ngàn tấn, tăng 429,7 ngàn tấn so với năm 2023, (Ảnh: canthoonline).

Thời gian qua, tỉnh Long An đã có nhiều chủ trương, chương trình, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành. Đến nay, Long An đã có 60.000 hecta lúa ứng dụng công nghệ cao, 2.000 hecta rau, 6.000 hecta thanh long, 3.000 hecta chanh ứng dụng công nghệ cao, 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Long An tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình phát triển phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Trên nền tảng đã có của sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, tỉnh quyết tâm thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Mặc dù, đạt được nhiều kết quả khả quan trên, sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai. Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập...

Sản phẩm nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước (Ảnh: nhandan.vn).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung, mặc dù ngành trồng trọt thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, cần có sự vào cuộc của các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng để phát triển một cách bền vững. Sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai. Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập. Xu hướng tiêu dùng và các điều kiện xuất khẩu có nhiều thay đổi... Theo đó, vấn đề chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Triển khai các giải pháp

Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu, các địa phương phải nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong việc sản xuất an toàn, xây dựng, cấp và quản lý tốt mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Long An triển khai mô hình trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao xuất khẩu (Ảnh: nhandan.vn).

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã thông tin về những giải pháp trong thời gian tới của tỉnh. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất từ nhận thức đến hành động, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; ứng dụng khoa học và công nghệ để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giá trị gia tăng của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế.

Phát huy hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong trồng trọt như ứng dụng phần mềm để quản lý sản xuất trồng trọt từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm minh bạch thông tin sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường;…

Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, thách thức của ngành trồng trọt, Thứ trưởng Hoàng Trung đưa ra các vấn đề trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ĐBSCL. Theo đó, cần đánh giá khách quan về công tác chỉ, đạo điều hành sản xuất trồng trọt trong năm qua, tập trung vào những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Đặc biệt trong đó các giải pháp kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các mô hình hiệu quả, cách làm hay cần nhân rộng. Cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ, tránh bài học về xuống giống không theo thời vụ khuyến cáo gây thiệt hại 1.662 hecta trong sản xuất lúa của năm 2024.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương. Triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Cùng với đó cần nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng; Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển chuỗi ngành hàng, mở cửa thị trường; Nâng cao các giải pháp, định hướng để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp cho thủy lợi của vùng ĐBSCL nhằm cung cấp nước phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt và sinh hoạt.

Thứ trưởng Hoàng Trung kêu gọi, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tăng cường tham gia vào sản xuất, cần đề xuất những vấn đề cụ thể trong quá trình sản xuất, kinh doanh, liên kết với địa phương thuộc phạm vi ngành hàng. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng để mở cửa thị trường phục vụ xuất khẩu. Các địa phương thời gian tới cần tập trung bám sát các dự báo sâu bệnh, nước, xâm nhập mặn, thời tiết... Tập trung xuống giống lúa đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Tránh phát triển nóng diện tích một số cây trồng, đặc biệt là sầu riêng, mít. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Thắt chặt quản lý vật tư nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là công an, quản lý thị trường quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp.

Tổng hợp từ nguồn: dangcongsan.vn; baochinhphu.vn; baolongan.vn; nhandan.vn.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top