UBND huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đặt mục tiêu đến năm 2025 chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có tổng diện tích 32ha sang cây trồng chủ lực là ớt và rau các loại theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, với phương án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với mã vùng trồng vừa được ban hành.
Đầu tư một cách đồng bộ
Với phương án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phú Ninh dự kiến bố trí hơn 7,3 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất hơn 3,5 tỷ đồng; đầu tư phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, cấp mã vùng trồng hơn 3,8 tỷ đồng.
Theo lộ trình, giai đoạn 2024 - 2025, địa phương xây dựng 2 mô hình trồng ớt và sản xuất rau chuyên canh nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nhân dân tiếp cận triển khai thực hiện đại trà tại vùng nguyên liệu tập trung.
Cây ớt được lựa chọn là cây trồng chủ lực tại vùng nguyên liệu tập trung đã được UBND huyện Phú Ninh quy hoạch.
Tại phương án được xây dựng, UBND huyện Phú Ninh xác định chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng. Phát huy và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Ông Trần Quốc Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho hay: “Việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong vùng nguyên liệu trên địa bàn 2 xã Tam Phước, Tam Thành sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Từ kết quả đầu tư, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn và chất lượng sản phẩm đồng đều tạo ra giá trị gia tăng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư liên kết trực tiếp với nông dân thông qua liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã giúp giải quyết lao động tại địa phương. Sản xuất vùng nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Những hiệu quả bước đầu
Khu vực được UBND huyện Phú Ninh lựa chọn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có tổng diện tích sản xuất 32ha, thuộc địa bàn 2 xã Tam Phước và Tam Thành. Theo khảo sát của ngành chuyên môn, tại đây tập trung loại đất thịt nhẹ pha cát, phù hợp trồng các loại cây trồng cạn: ớt và rau các loại.
Chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ớt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đầu ra ổn định tại vùng nguyên liệu có thể mang lại hiệu quả kinh tế gấp 7 lần.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, nông dân hai xã Tam Phước, Tam Thành đăng ký trồng thí điểm cây ớt chỉ thiên theo chuỗi liên kết trên diện tích 4ha tại khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung.
Theo ông Võ Tư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Tam Thành, so với các cây trồng truyền thống, cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Riêng đầu ra của sản phẩm cũng được doanh nghiệp nhận bao tiêu với giá ổn định 18.000 đồng/kg.
Ông Tư tính, sau 75 ngày trồng cây ớt cho thu hoạch. Trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi sào thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Nhiều hộ dân trồng và nhận thấy hiệu quả kinh tế nên mạnh dạn đăng ký tham gia trồng thí điểm cây ớt chỉ thiên tại vùng nguyên liệu tập trung.
Năm đầu trồng thí điểm cây ớt tại vùng nguyên liệu tập trung, có 8 hộ dân xã Tam Phước đăng ký tham gia với diện tích 2ha và đã đặt cọc tiền mua cây giống với HND xã Tam Phước.
Ông Nguyễn Thành Danh - Chủ tịch HND xã Tam Phước cho hay, trước đó đã có gần 200 hộ nông dân tham dự buổi đối thoại với doanh nghiệp. Nhiều hộ còn dè dặt với việc chuyển đổi sang trồng cây ớt. Những hộ đăng ký và đặt cọc tiền cây giống đã cho thấy quyết tâm trong việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
“Vấn đề bây giờ là làm tốt công tác tuyên truyền để nông dân thực hiện đúng theo hợp đồng với doanh nghiệp, tránh trường hợp giá ớt tăng cao hơn 18.000 đồng/kg mà phá vỡ cam kết ban đầu. Đồng thời, tạo nhận thức trong nhân dân từng bước mạnh dạn chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương và từng bước nhân rộng” - ông Danh nói.
Theo phân tích khái toán chi phí sản xuất và lợi nhuận sau đầu tư của ngành chuyên môn huyện Phú Ninh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa sang trồng đậu phụng mang lại hiệu quả gấp 2 lần; chuyển sang trồng dưa hiệu quả gấp 3 lần. Còn đối với chuyển sang trồng cây ớt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm có đầu ra ổn định tại vùng nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế gấp 7 lần so với sản xuất cây lúa.