Được mệnh danh là “vàng xanh” của núi rừng Việt Nam, sâm Ngọc Linh không chỉ là cây dược liệu quý mà còn mang giá trị kinh tế, y học vượt trội.
Sâm Ngọc Linh đã được xác định là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn nguồn gene quý hiếm và biến sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm mũi nhọn, thực sự là sản phẩm chủ lực là bài toán cần sự chung tay, chung sức của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Đỉnh cao dược liệu quý của Việt Nam
Tỉnh Kon Tum nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên, diện tích 9.676,5km2, có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp. Đặc biệt, tại các huyện vùng Đông Trường Sơn của tỉnh (Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông) có sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp, có danh tiếng trên thế giới và được xem là “quốc bảo” của Việt Nam do có giá trị vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới.
Ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm vùng trồng sâm của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh - Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông.
Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, đặc biệt là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới.
Với mục tiêu bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh và phát triển trở thành hàng hóa phục vụ quốc kế dân sinh, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới, thời gian qua, Kon Tum đã có nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến sâm Ngọc Linh. Để phát triển vùng trồng, tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh là 31.742ha, trong đó vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên có diện tích tới 16.988ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm Ngọc Linh có diện tích 14.754ha (độ cao 1.200- 1.500m).
Đến nay, Kon Tum có khoảng 2.900ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng huyện Tu Mơ Rông trồng 2.883ha với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 4 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai Trung tâm Nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông với quy mô khoảng 60ha. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa ra trồng và mở rộng diện tích.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh tại hội thảo.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 2.800ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Phát triển sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương từ tư duy trông chờ ỷ lại sang tư duy chủ động đầu tư phát triển kinh tế; từ thói quen phá rừng sang trồng rừng để trồng sâm. Mỗi năm, hàng trăm hecta rừng ở vùng đệm được người dân trồng để bảo vệ môi trường sống của cây sâm. Sáu năm qua, tổng số vốn người dân vay đầu tư sâm lên đến hàng trăm tỷ đồng, góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều ngôi làng khó khăn của tỉnh, huyện đang vươn lên khá - giàu. Sâm Ngọc Linh đã được chế biến thành hàng chục sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn bồi dưỡng sức khỏe.
Tìm hướng phát triển bền vững
UBND huyện Tu Mơ Rông vừa phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Để bảo tồn và phát triển loại cây này, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân trồng sâm đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế trồng, chăm sóc sâm hiệu quả; các biện pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh, như bảo tồn nguồn gene; áp dụng công nghệ nhân giống vô tính, nuôi cấy mô để tăng năng suất; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp; phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để tăng giá trị kinh tế; bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh qua các chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chất lượng; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài nước để mở rộng thị trường; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh…
Ngưòi dân chăm sóc vườn ươm trồng cây sâm Ngọc Linh.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức (Khoa Dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng), các bước quan trọng trong phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh bao gồm định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm, tiến hành chiến lược quảng bá hiệu quả để phát triển thành công sản phẩm trên thị trường… Do giá cả chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng giữa một số loại sâm so với sâm Ngọc Linh, cùng với tình trạng nhập lậu tam thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát vào Việt Nam, thị trường sâm đang bất ổn, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người dùng, gây khó khăn, thậm chí hạn chế sự phát triển của sâm Ngọc Linh - cây sâm quý được mệnh danh “sâm quốc bảo” của đất nước.
“Vì vậy, cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển với sự chung sức của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp… để có đầy đủ chứng cứ khoa học làm cơ sở phát triển sản phẩm và thương hiệu. Cụ thể, chúng ta cần củng cố luật pháp, hệ thống quản lý thị trường, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc lưu hành sâm và các sản phẩm từ sâm thông qua các biện pháp kiểm nghiêm hiệu quả, chống tình trạng nhầm lẫn, giả mạo, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của các cây sâm quý và thiệt hại cho người dùng. Tăng cường kiểm soát hiệu quả nguồn sâm nhập lậu bằng các công cụ thương mại, hàng rào thuế quan, kiểm dịch, kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt… để bảo vệ, bình ổn thị trường, chống hàng giả… Nghiên cứu làm phong phú hóa các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và từng bước tiến vào thị trường thế giới”, GS.TS Nguyễn Minh Đức nói.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, sâm Ngọc linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 32 tỷ đồng. Đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư. Hiện nay, một số sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của tỉnh đã có thương hiệu trên thị trường như: sản phẩm rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, mật ong sâm SK5, trà sâm Ngọc Linh hòa tan, collagen sâm ngọc linh, viên nang mềm sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh…
“Để giới thiệu và quảng bá sâm Ngọc Linh tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở ngành, huyện Tu Mơ Rông tổ chức thành công các phiên chợ để giới thiệu về sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu gắn với du lịch sinh thái”, ông Tháp cho biết thêm.
Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp trên, sâm Ngọc Linh không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành sản phẩm mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.